Thời sự

Đề nghị không tổ chức tòa sơ thẩm khu vực

27/10/2014, 15:20

Thực tiễn tổ chức và hoạt động của TAND cấp huyện không làm phát sinh nhu cầu lớn về đội ngũ cán bộ, cơ sở vật chất như phương án thành lập TAND sơ thẩm khu vực.

Mô hình tổ chức TAND cấp huyện thời gian qua đảm bảo ổn định và thuận lợi cho người dân - ảnh một vụ án được TAND huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn) xử lưu động tháng 7/2014 - ảnh backantv.vn
Mô hình tổ chức TAND cấp huyện thời gian qua đảm bảo ổn định và thuận lợi cho người dân. Trong ảnh là một vụ án được TAND huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn) xử lưu động tháng 7/2014 - ảnh: backantv.vn

Làm rõ "án lệ" là gì?

Theo đó, liên quan đến quy định tổ chức TAND sơ thẩm trong hệ thống TAND (Điều 3), theo Ủy ban TVQH, nhiều ý kiến đề nghị giữ nguyên tổ chức TAND cấp huyện như hiện nay. Lý do, từ nhiều năm nay, các cơ quan có trách nhiệm ở nước ta đã triển khai thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị, trong đó đã nghiên cứu đề xuất mô hình tổ chức các Tòa án.

TAND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (gọi chung là TAND cấp huyện) đã được tăng cường hơn về cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ, tăng thẩm quyền giải quyết hầu hết các loại vụ việc, cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.

"Thực tiễn tổ chức và hoạt động của TAND cấp huyện cho thấy việc tiếp tục giữ mô hình tổ chức TAND cấp huyện như hiện nay bảo đảm sự ổn định, thuận lợi cho người dân khi có công việc cần giải quyết tại Tòa án; đồng thời không làm phát sinh nhu cầu lớn về đội ngũ cán bộ, cơ sở vật chất như phương án thành lập TAND sơ thẩm khu vực. Vì vậy, tiếp thu ý kiến của nhiều ĐBQH, Uỷ ban TVQH đã chỉ đạo chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng giữ nguyên mô hình tổ chức TAND cấp huyện như quy định của Luật hiện hành", Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện nói.

Như vậy, hệ thống tổ chức TAND gồm có TAND tối cao, TAND cấp cao, TAND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, TAND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương và các Tòa án quân sự như thể hiện tại Điều 3 của dự thảo Luật.

Trong khi đó, về nhiệm vụ phát triển án lệ của TAND tối cao (Điểm C, Khoản 2, Điều 22), đa số ý kiến tán thành với quy định của dự thảo Luật là TAND tối cao có thẩm quyền phát triển án lệ. Tuy nhiên, cần tiếp tục làm rõ “án lệ” là gì, giá trị pháp lý của án lệ. Các tiêu chí, điều kiện, thủ tục lựa chọn, công bố án lệ, việc thay đổi, hủy bỏ án lệ.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị không quy định thẩm quyền của TAND tối cao phát triển án lệ, vì không phù hợp với điều kiện nước ta. Án lệ không phải là nguồn luật, chỉ có giá trị tham khảo.

Về vấn đề này, Uỷ ban TVQH cho rằng, chủ trương nghiên cứu phát triển án lệ đã được nêu trong Nghị quyết số 48-NQ/TW và Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị. Ở nước ta, án lệ không phải là nguồn luật. Ngoài các quyết định giám đốc thẩm có tính chuẩn mực của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao thì Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao còn có thể lựa chọn các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, có tính chuẩn mực của các Tòa án khác để tổng kết phát triển thành án lệ cho các Tòa án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử, bảo đảm việc áp dụng thống nhất pháp luật. Tiếp thu ý kiến của đa số ĐBQH, Uỷ ban TVQH xin chỉnh lý quy định tại Điểm C Khoản 2 Điều 22 như sau:

“Điều 22. Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao: Lựa chọn quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao, bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, có tính chuẩn mực của các Tòa án, tổng kết phát triển án lệ để các Tòa án nghiên cứu, áp dụng thống nhất trong xét xử”.

Quy định mở về thành lập Tòa gia đình

Về việc thành lập Tòa giản lược trong cơ cấu tổ chức TAND (Điều 44), nhiều ý kiến tán thành với quy định của dự thảo Luật, không thành lập Tòa giản lược trong TAND sơ thẩm khu vực. Về vấn đề này Uỷ ban TVQH cho rằng, theo giải trình trước đó về việc không tổ chức TAND sơ thẩm khu vực mà vẫn tiếp tục giữ nguyên tổ chức của TAND cấp huyện như hiện hành. Do đó, về nguyên tắc TAND cấp huyện không phân chia thành các Tòa chuyên trách như đã thể hiện tại Điều 33 dự thảo Luật trình QH tại kỳ họp thứ 7.

"Tuy nhiên, xuất phát từ nhu cầu phát triển của đất nước, xu hướng chuyên môn hóa trong tổ chức và hoạt động của Tòa án, đề nghị QH xem xét cho phép quy định theo hướng mở, đó là: TAND cấp huyện có thể có các Tòa chuyên trách như: Tòa hình sự, Tòa dân sự, Tòa gia đình và người chưa thành niên, Tòa xử lý hành chính. Căn cứ vào yêu cầu, nhiệm vụ xét xử, Chánh án TAND tối cao quyết định thành lập Tòa chuyên trách nêu trên tại mỗi TAND cấp huyện. Việc thành lập Tòa chuyên trách khác tại TAND cấp huyện do Uỷ ban TVQH quyết định theo đề nghị của Chánh án TAND tối cao như thể hiện tại Điều 44 của dự thảo Luật", ông Nguyễn Văn Hiện phát biểu.

Bình Minh

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.