Giao thông

Đề nghị Quốc hội sớm quyết chủ trương đầu tư dự án Long Thành

05/11/2014, 07:42

Tại phiên thảo luận tổ chiều 4/11, đa số ĐBQH ủng hộ và đề nghị Quốc hội cho chủ trương đầu tư xây dựng một CHK hiện đại, làm động lực phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam...

Đại biểu Trần Du Lịch (TP HCM) phát biểu trong phiên thảo luận tại tổ, chiều 4/11 Ảnh: Lã Anh
Đại biểu Trần Du Lịch (TP HCM) phát biểu trong phiên thảo luận tại tổ, chiều 4/11

Nếu không mở rộng được Tân Sơn Nhất thì xây Long Thành là bất khả kháng

Lấy ví dụ đường dây 500 kV Bắc - Nam, ĐB Nguyễn Văn Bình (Hải Phòng) cho rằng, khi có chủ trương đầu tư cũng gặp phải sự phản ứng quyết liệt, nhưng sau nhiều năm mới thấy hiệu quả của công trình này đối với kinh tế - xã hội đất nước. “Việc Chính phủ xin ý kiến QH về chủ trương đầu tư cảng hàng không (CHK) quốc tế Long Thành là cần thiết. Để đầu tư CHK này cần 5 - 10 năm nữa. Và tôi đề nghị QH sớm thông qua chủ trương đầu tư dự án này để thực hiện các bước tiếp theo”, ông Bình nói.

Tại tổ ĐBQH TP Hồ Chí Minh, mặc dù đồng tình về chủ trương nhưng một số ý kiến đề nghị cần có thêm thời gian để các đại biểu, chuyên gia đánh giá, phân tích những mặt được cũng như chưa được để Chính phủ đưa ra những câu trả lời thuyết phục, đầy đủ hơn đối với các vấn đề mà đại biểu và cử tri đang băn khoăn.

Theo ĐB Trần Du Lịch, sau khi QH thông qua chủ trương, Chính phủ mới lập dự án khả thi trình QH quyết định đầu tư hay không chứ không phải ra chủ trương rồi cứ thế làm. Về lâu dài, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cần thêm sân bay nữa. Cần thiết nhưng có cấp thiết không lại cần phải bàn. Sự cần  thiết đó tùy thuộc khả năng có mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất đáp ứng 35 - 40 triệu khách hay không?

Đề cập đến ý kiến nói rằng, với hai đường băng này có thể nâng lên 25 triệu, thậm chí 35 - 40 triệu, ĐB Trần Du Lịch cho rằng cần phải xem lại. Về nguyên tắc, một đường băng nếu thông thoáng thì tự nó có thể giải quyết 25 triệu khách/năm. Nhưng ở đây, hai đường băng nhưng lại không cất hạ cánh cùng lúc được, cộng với hạn chế về không lưu nên tối đa chỉ 26 triệu khách. Vấn đề nằm ở năng lực tiếp nhận của hai đường băng chứ không phải là chuyện lấy đất sân golf. Đó là vấn đề bất khả kháng chứ không phải hiệu quả hay không hiệu quả nữa.

“Không nâng được công suất của Tân Sơn Nhất, cũng không xây Long Thành thì đến 2025, ai sẽ giải quyết vấn đề bế tắc toàn bộ lưu thông cho vùng trọng điểm phía Nam. Chắc chắn rằng, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam không thể chỉ có sân bay dừng ở mức 25 triệu khách. Tức là không làm thì vùng này không phát triển được nữa”, ông Lịch nói và nhấn mạnh, Tân Sơn Nhất không thể nâng công suất lên 35 triệu khách trên diện tích 1.100 ha hiện nay với hai đường băng hiện có. Vấn đề không lưu là hạn chế lớn nhất chứ không phải vấn đề mặt đất.

Phát biểu thảo luận tại tổ ĐBQH Hưng Yên, Đại tướng Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh cho biết, tập thể Chính phủ đã nhiều lần thảo luận, trình xin ý kiến Bộ Chính trị và được chấp thuận báo cáo ra Quốc hội dự án CHK quốc tế Long Thành tại Kỳ họp này. "Tôi đồng ý đề nghị Quốc hội thông qua chủ trương để Chính phủ lập báo khả thi. Từ lập dự án, qua thẩm định, đến khi triển khai còn nhiều bước nữa, nếu không làm, e sẽ chậm", Đại tướng bày tỏ.

Sơ đồ dự kiến vị trí Cảng hàng không Quốc tế Long Thành
Sơ đồ dự kiến vị trí Cảng hàng không Quốc tế Long Thành

Làm rõ thêm nhiều điểm

Cũng đồng thuận chủ trương cần có một sân bay hiện đại trong tương lai, nhưng nhiều đại biểu cho rằng cần làm rõ thêm nhiều điểm để thuyết phục hơn trước khi thông qua chủ trương đầu tư CHK quốc tế Long Thành. Theo đại biểu Ngô Đức Mạnh (Bình Thuận), nếu tính lâu dài khi xây dựng CHK quốc tế Long Thành cần phải có phương án hạn chế và giảm thiểu di dân tự do trong khu vực sân bay. Cần có những số liệu đánh giá thuyết phục thêm.

Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà (Hà Nội) cho biết, ủng hộ chủ trương xây dựng CHK quốc tế Long Thành nhưng cần rõ hơn nhiều vấn đề, như tại sao lại chọn Long Thành mà không chọn nơi nào khác. Bên cạnh đó cần làm rõ hơn nữa tác động xã hội đến người dân. Nếu thu hồi đất thì giải quyết việc làm cho người mất đất thế nào?

“Nên mời Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cùng tham gia thẩm định để phân tích khía cạnh này. Hơn nữa, khi GPMB xong cần làm triệt để, tránh tình trạng một số địa phương GPMB xong để đấy không triển khai dự án, dẫn đến người dân tái lấn chiếm và phải GPMB lần hai rất tốn kém”, bà Hà đề nghị.

Theo đại biểu Phạm Văn Gòn, Phó viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, làm CHK quốc tế Long Thành là cần thiết, nhưng cần giải trình rõ hơn nữa, thuyết phục hơn nữa. Tất cả sân bay cũ muốn mở rộng cũng không được thì phải xây sân bay mới nhưng phải có phương án chi tiết hơn để đảm bảo chi trả, hạn chế thấp nhất tham nhũng.

Theo lịch làm việc của Quốc hội, sau buổi thảo luận tổ nói trên, đến ngày 14/11 tới, các đại biểu sẽ tiếp tục thảo luận tại hội trường về dự án đang thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội cũng như của đa số đại biểu, cử tri này.

Thiện Anh - Minh Thành

Đại biểu Quốc hội cho ý kiến về dự án Long Thành

"Tân Sơn Nhất đến năm 2020 sẽ quá tải, điều đó không nghi ngờ gì nữa, các tài liệu quốc tế cũng đánh giá như vậy. Nhu cầu đến năm 2030 và tiếp theo phải có cảng hàng không hiện đại, đáp ứng công cuộc công nghiệp hóa và hội nhập là rất hiện hữu”.

ĐB Lê Nam (Thanh Hóa)

"Không có lý do gì để bỏ lỡ cơ hội đầu tư xây dựng dự án CHK quốc tế Long Thành. Nếu lấy lý do cắt giảm đầu tư công, quá siết chặt thì có thể bỏ lỡ cơ hội đầu tư. Nếu mạnh dạn đầu tư, cho chủ trương mình có khả năng thu hút được các nguồn lực trong nước cũng như quốc tế, từ các DN kể cả người dân. Bản thân tôi ủng hộ xây dựng dự án Long Thành và tôi rất mong lần này các đại biểu khác cũng sẽ ủng hộ để có một chủ trương phát triển”.

ĐB Trương Minh Hoàng (Cà Mau)

"TP Hồ Chí Minh từng được coi là “hòn ngọc Viễn Đông”, là ngã tư quốc tế đường hàng không của khu vực, do đó một cảng hàng không trung chuyển quốc tế là “mơ ước và mong muốn” của khu vực phía Nam, nếu chậm trễ xây dựng sẽ làm ngưng sự phát triển của khu vực này. Đây là việc “cần làm ngay”, bởi sân bay Tân Sơn Nhất đã mất lợi thế từng là sân bay tốt nhất Đông Nam Á vì sự quá tải, không còn mở rộng được nữa do bao quanh toàn vùng cấm bay”.

ĐB Lê Minh Trọng (Tây Ninh)

"Lần đầu tiên ngồi máy bay đi TP Hồ Chí Minh, hạ cánh đúng lúc mưa và đến giờ tôi vẫn nhớ cảm giác nhìn ra cửa máy bay, cảm thấy chiếc cánh như quệt vào nóc nhà bên dưới. Một đồng nghiệp đi cùng đã “toát mồ hôi vì sợ”. Sân bay gần trung tâm cũng tiện lợi nhưng mong muốn có một sân bay xa trung tâm thành phố, xa dân cư là có thật. Để khắc phục sự quá tải của sân bay Tân Sơn Nhất, miền Nam cần một sân bay ở chỗ khác và Long Thành là địa điểm thực sự phù hợp”.

ĐB Nguyễn Anh Sơn (Nam Định)

Goldman Sachs ngỏ ý muốn đầu tư vào Long Thành

Trao đổi với PV Báo Giao thông, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Bộ GTVT Phạm Thanh Tùng cho biết, Ngân hàng đầu tư toàn cầu Goldman Sachs vừa ngỏ ý được “hỗ trợ lớn cho dự án  CHK quốc tế Long Thành”.

Cụ thể, trong văn bản gửi Bộ GTVT ngày 3/11, Chủ tịch phụ trách khu vực Đông Nam Á của Goldman Sachs Tim Leissner nêu rõ: Goldman Sachs biết thông tin Chính phủ Việt Nam “đang có chương trình huy động vốn đầu tư phát triển dự án sân bay Long Thành và chúng tôi tin rằng Goldman Sachs có thể mang lại sự hỗ trợ lớn cho dự án”.

Ông Tim Leissner cũng đề nghị Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng chấp thuận cho Goldman Sachs có điều kiện trao đổi và làm việc với các cơ quan chức năng để tìm hiểu rõ hơn về cơ cấu vốn, nhu cầu vốn và thời gian khởi công của  dự án cũng như các yêu cầu khác liên quan.

Goldman Sachs là một công ty quản lý vốn đầu tư, thế chấp, ngân hàng đầu tư toàn cầu. Công ty cung cấp một loạt các dịch vụ trên toàn thế giới với tổng tài sản trên 1.000 tỷ USD tính tới ngày 31/6/2014.

Được biết, từ năm 2011 tới nay, Goldman Sachs đã thành công trong việc tham gia các giao dịch mua bán và sáp nhập với các tổ chức Việt Nam, tiêu biểu như dự án TNK-BP (1,8 tỷ USD), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - Vietcombank (567 triệu USD), Tập đoàn Bảo Việt (340 triệu USD) và Tập đoàn Masan (200 triệu USD).

Riêng về lĩnh vực giao thông vận tải, Goldman Sachs đã rất tích cực làm việc với các tổ chức Việt Nam để tài trợ vốn cho những dự án đối tác công tư (PPP). Vào tháng 3/2014, Goldman Sachs đã nhất trí về khoản cho vay 250 triệu USD cho dự án cải tạo và nâng cấp QL20.

Hiện tại, Goldman Sachs cũng đang tham gia cung cấp khoản vay trong 14 năm nhằm trợ giúp việc phát triển một nhà máy thủy điện tại Thanh Hóa, dự kiến sẽ giải ngân vào tháng 12 năm nay.

T.B

Hai đường cất hạ cánh của Tân Sơn Nhất không thể hoạt động độc lập

Khẳng định với CHK Tân Sơn Nhất hiện tại, đường cất hạ cánh chính là điểm yếu rất khó khắc phục, TGĐ TCT Quản lý bay VN Đinh Việt Thắng cho biết, hiện Tân Sơn Nhất có hai đường cất hạ cánh song song với nhau, cách nhau 365m đã được xây từ thời chiến tranh, chủ yếu phục vụ các hoạt động quân sự.

Theo tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế ICAO, với khoảng cách như vậy, hai đường cất hạ cánh không thể hoạt động độc lập. Do đó trong bài tính của ICAO, năng lực của hai đường cất hạ cánh này chỉ tương đương như một đường cất hạ cánh. (Theo tiêu chuẩn của ICAO, hai đường cất hạ cánh muốn hoạt động độc lập với nhau, khoảng cách tối thiểu phải là 1.035m).

Theo ông Thắng, muốn tăng năng lực của Tân Sơn Nhất, phải xây một đường cất hạ cánh mới có khoảng cách tối thiểu với đường cất cánh cũ 1.035m mới tạo được sự thay đổi cơ bản về mặt năng lực. Muốn vậy, chưa nói về môi trường, an toàn, tiếng ồn... nếu lấy toàn bộ đất khu vực sân golf vẫn chưa đủ. Chi phí giải toả cực kỳ lớn, cao hơn cả việc xây mới giai đoạn 1 CHK quốc tế Long Thành. Số lượng dân cư di dời cũng vô cùng lớn. Đây chính là mấu chốt của vấn đề. Hiện nay, chúng ta có thể mở rộng nhà ga, hệ thống đường lăn, hệ thống sân đỗ sang phía Bắc song việc xây thêm một đường cất hạ cánh là vô cùng khó khăn nếu không muốn nói là không khả thi.

Đáng nói hơn, theo ông Thắng, nếu không xây thêm một đường cất hạ cánh độc lập, cũng không thể đáp ứng được nhu cầu của hành khách qua Tân Sơn Nhất tới năm 2025 (dự báo khoảng 40 triệu hành khách). “Để đáp ứng nhu cầu này, buộc chúng ta phải có một cảng hàng không mới. Trong thời điểm hiện nay, tôi cho rằng phải đẩy nhanh tiến độ quốc tế Long Thành bởi theo kinh nghiệm quốc tế, với một cảng hàng không quy mô như Long Thành cần ít nhất 10 năm để nghiên cứu, xây dựng và đưa vào khai thác”, ông Thắng chia sẻ.

T.B

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.