Xã hội

Đề nghị xử phạt người cung cấp thông tin sai cho báo chí

05/02/2015, 12:53

Ngoài xử phạt báo chí, cần có quy định về việc xử phạt những người cung cấp thông tin sai cho báo chí.

IMG_0854
Việc xử phạt người cung cấp thông tin sai cho báo chí phải tương xứng với mức xử phạt báo chí khi thông tin sai sự thật

Đó là những kiến nghị được nêu ra tại cuộc Hội thảo “Ai cũng có quyền xử phạt báo chí?” do Trung tâm Truyền thông Giáo dục cộng đồng (MEC) phối hợp cùng báo Pháp luật TPHCM, báo điện tử Infonet và báo điện tử VTC News tổ chức vào sáng nay (5/2).

Mở đầu Hội thảo, ông Nguyễn Văn Hùng – Vụ báo chí xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh: “Báo chí muốn thông tin đúng sự thật thì phải là người chiếm lĩnh trận địa thông tin”. Tuy nhiên, hiện nay, báo chí lại gặp không ít khó khăn trên con đường “chiếm lĩnh trận địa thông tin” khi có quá nhiều cơ quan có thể xử phạt báo chí.

Ông Mai Phan Lợi – Trưởng đại diện báo Pháp luật TP HCM tại Hà Nội cho rằng, hiện nay mức xử phạt đối với việc thông tin sai của báo chí rất…hỗn loạn.

IMG_0851
Nhà báo Mai Phan Lợi cho rằng, mức xử phạt đối với báo chí khi thông tin sai sự thật như hiện nay là chưa có căn cứ

“Có bộ ngành đưa ra quy định xử phạt với mức 3 triệu đồng nếu báo chí thông tin sai sự thật, nhưng có bộ đưa ra mức xử phạt lên tới đưa ra 100 triệu đồng. Vậy tôi không hiểu căn cứ vào đâu mà đưa ra con số ấy. Bởi không thể nói bộ ngành này quan trọng nên phải xử phạt nặng, còn bộ ngành khác ít quan tọng hơn nên xử phạt nhẹ hơn được” – ông Lợi nêu quan điểm

Theo ông Lợi, việc xử phạt báo chí khi thông tin sai sự thật phải căn cứ vào mức độ, tính chất chứ không thể căn cứ vào lĩnh vực nào quan trọng hơn.

So sánh giữa mức xử phạt giữa người không cung cấp thông tin hoặc cung cấp thông tin sai cho báo chí và mức xử phạt khi báo chí thông tin sai sự thật, ông Lợi cho rằng điều này là rất bất hợp lý.

“Nghị định 159/2013 do Bộ TT-TT soạn thảo chỉ có chế tài cho hành vi không cung cấp thông tin với mức phạt rất nhẹ: 200-500 nghìn đồng. 500 nghìn đồng ấy so với mức phạt đến 100 triệu đồng tại điều 8a dự thảo tờ trình của Bộ tư pháp là rất bất hợp lý” – nhà báo Mai Phan Lợi nhấn mạnh.

Lấy ví dụ gần đây nhất, ông Lợi cho rằng, trong đợt giảm giá xăng vừa rồi, chính Bộ Tài chính là đầu nguồn thông tin mà lại đưa ra những thông tin không thống nhất khiến báo chí thông tin không chính xác.

“Lúc trưa thì Bộ Tài chính cung cấp thông tin giá xăng giảm 1.400 đồng, sau đó đến chiều lại thông báo giảm 1.900 đồng. Đầu nguồn thông tin còn cung cấp như vậy thì làm sao lại đòi xử phạt báo chí vì thông tin sai?” – ông Lợi đặt vấn đề.

Đồng tình với quan điểm trên, luật sư Trần Vũ Hải cũng cho biết: “Chúng tôi khá ngạc nhiên trước mức xử phạt đối với báo chí vì nó tăng hẳn so với trước đây, đặc biệt là việc nhà báo có thể bị phạt 100 triệu đồng, cơ quan báo chí có thể bị phạt 200 triệu đồng. Với những hành vi thông tin sai sự thật của báo chí cần xử phạt, nhưng phải xử phạt có mức độ”.

Đưa ra sự so sánh, luật sư Hải cho rằng, hiện nay có những phát ngôn không đúng, phát ngôn sai chỉ phạt tối đa 500 nghìn đồng, mà đòi phạt báo chí 100 triệu, như vậy là không có sự cân bằng.

giaxang
Trong đợt giảm giá xăng mới đây nhất, chính cơ quan đầu nguồn là Bộ tài chính đã cung cấp thông tin không thống nhất cho báo chí

“Nếu tiếp tục giữ như hiện nay thì kiến nghị nên chia mức phạt ở hai mức, từ 1-10 triệu đồng đối với nhà báo, từ 2-20 triệu đồng đối với cơ quan báo chí, phải căn cứ vào quy mô của tờ báo, báo lớn phải khác báo nhỏ” – luật sư Hải kiến nghị.

Ông Hải cho rằng, đối với các trường hợp đặc biệt bị xử phạt nặng thì cần có hội động giám định độc lập, đưa ra nhận xét, căn cứ vào đó mới có thể phạt được.

Chính vì những lý do trên, nhiều phóng viên báo chí cùng đại diện của một số bộ, ngành liên quan đề nghị các Bộ ngành cần xây dựng chế tài xử phạt cho các hành vi chậm cung cấp thông tin, cung cấp thông tin sai, không đầy đủ cho báo chí, và mức xử phạt này phải tương xứng với mức xủ phạt báo chí khi thông tin sai sự thật.

Đối với Tờ trình của Bộ tư pháp, phải hủy bỏ các điều khoản liên quan đến báo chí chứ không trao quyền cho các Bộ ngành “xác định hành vi vi phạm hành chính “ như dự thảo; không thiết kế thêm điều 8a vì các lĩnh vực đều quan trọng; nếu thấy cần thiết thì ra văn bản hướng dẫn các mức độ, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, tránh tình trạng các cơ quan quản lý được quyền “vừa đá bóng vừa thổi còi”, lấn sân Bộ TT-TT trong quản lý và xử phạt báo chí.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.