Làm báo cùng Giao thông

Để ngòi bút bám tàu, bám đường

21/06/2015, 09:24

Chớp mắt, mười mấy năm tôi ra trường, cũng mười mấy năm theo dõi, phản ánh hoạt động đa dạng của ngành Đường sắt.

172

Công ty QLĐS Thuận Hải duy tutuyến ĐS Bắc Nam - Ảnh: Thế Hành

Chớp mắt, mười mấy năm tôi ra trường, cũng là mười mấy năm theo dõi, phản ánh hoạt động đa dạng của ngành Đường sắt. Trong suốt hành trình gắn bó với những cung đường, nhà ga, con tàu trải dài từ Bắc vào Nam; tất cả đọng lại trong tôi như thước phim quay chậm về những nỗ lực, sự vất vả vượt khó của những người lao động đường sắt vì sự bình yên của những chuyến tàu…

Đó là hình ảnh những người thợ sửa chữa, duy tu đường sắt nơi Cung đường 1472 khó khăn của Công ty Quản lý đường sắt Thuận Hải. Ô tô của công ty lách, “trèo” qua đủ các loại ổ trâu, ổ gà và lội cả “ao” trên mặt đường nhựa hàng chục cây số mà vẫn chưa đến công trình đại tu đường sắt Km 1469. Rồi tôi phải “tăng bo” trên con đường đất đỏ trơn trượt, lội qua khe suối nhỏ lổn nhổn sỏi cuội, rồi men theo bờ ruộng với lối mòn chỉ vừa một bánh xe trong ràn rạt gió báo hiệu cơn mưa đang đến rất gần. Đứng trên đường sắt, bên này phía núi mây đen vần vũ, bên kia phía biển nắng vẫn rực rỡ tạo cảnh quan đẹp kỳ ảo, nhưng đẹp hơn nữa là nụ cười lấp lóa của những người thợ đường sắt đang miệt mài lao động. Họ đang “chạy đua” với cơn mưa. Anh tuần đường bảo: “Phải tranh thủ thôi, mưa lớn mới nghỉ”.

Tôi cũng đã được đặt chân đến những địa danh đã đi vào “huyền thoại” tuyến đường sắt Thống Nhất như Rừng Lá với địa danh còn gian khó “nhất Kiết, nhì Huynh, tam Dinh, tứ Vận”. Khác với hình dung của tôi về địa danh nổi tiếng “lam sơn chướng khí”, nhà ga Sông Dinh, Suối Kiết nhỏ bé nhưng sạch sẽ, xung quanh vườn cây xanh um, không còn “rừng lá” ẩm thấp, hoang dại. Điện lưới, nước sinh hoạt phục vụ công tác, sinh hoạt của CBCNV giờ đã đầy đủ. Dẫu vậy, vẫn còn không ít khó khăn khi đa phần anh em từ ngoài Bắc vào lập nghiệp, vợ chỉ ở nhà làm rẫy, con cái đi học thì xa trường, xa lớp. Tuy nhiên, họ vẫn bám đường, bám nghề vì yêu những con tàu.

Tôi cũng chẳng thể quên người nữ nhân viên toa xe gặp gỡ ngắn ngủi trên chuyến tàu Thống Nhất qua Vinh. Quê Ninh Bình, gia đình, con cái đang ở đó, còn chị “rập rình” theo bánh con tàu quay những chuyến tàu vào Nam ra Bắc. Chị bảo, lương thấp nên đến thuê nhà trọ ở Hà Nội cũng không dám, khi nào xuống ban thì chị em chung nhau thuê phòng nghỉ rẻ cho tiết kiệm, còn nghỉ phiên vụ lâu thì về quê với gia đình…

Đi, đến với những người công nhân trực tiếp để ngòi bút người làm báo khách quan hơn. Đi để bám tàu, bám đường, để hiểu được những giọt mồ hôi mặn chát của những người công nhân nơi “rốn lũ, chảo lửa”, cũng như sự tận tụy của những người phục vụ ngày đêm mải miết theo vòng quay con tàu vào Nam ra Bắc. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.