Chuyện dọc đường

Để người dân đồng thuận

26/12/2016, 09:45

Nguồn thu phí sử dụng vào mục đích gì, những xe không chấp hành nộp phí sẽ xử lý cách nào?...

3

Ùn tắc tại lối vào trung tâm TP Hồ Chí Minh do phương tiện quá nhiều trong giờ cao điểm.

Với thực trạng ùn tắc giao thông như hiện nay, việc Sở GTVT thành phố tái khởi động giải pháp thu phí trên là cần thiết. Tuy nhiên, hiện còn khá nhiều ý kiến trái chiều, thậm chí đề xuất trên còn bị phản đối gay gắt. Điều này là dễ hiểu bởi nó có tác động đến túi tiền của người đang sở hữu ô tô. Người không đồng tình cho rằng, ô tô đã nộp khá nhiều khoản phí, giờ thu phí vào trung tâm sẽ tạo gánh nặng. Đặc biệt, những người có ô tô và sống trong khu vực trung tâm thì càng lo lắng.

Thực tế cho thấy, bất cứ giải pháp hay chính sách mới nào của Nhà nước đưa ra đều sẽ có tác động có lợi cho một nhóm đối tượng này và sẽ đương nhiên ảnh hưởng đến một nhóm đối tượng khác. Bởi thế, khi đưa ra chính sách mới nếu có lợi cho đại cục và số đông người dân thì cần quyết liệt triển khai một cách bài bản và đồng bộ.

Trên thực tế, nhiều nước trên thế giới như Anh, Pháp, Singapore, Đài Loan... đã áp dụng việc thu phí ô tô vào nội đô và đã thành công. Điều đó cho chúng ta niềm tin nếu chuẩn bị kỹ càng thì việc triển khai biện pháp này tại các đô thị ở Việt Nam cũng sẽ thành công.

Các chuyên gia cho rằng, sở dĩ đề án TP.HCM mới đưa ra đã hứng chịu “búa rìu” dư luận do thông tin về đề án này chưa rõ ràng cụ thể. Chẳng hạn như việc thu phí ô tô vào trung tâm nhằm mục đích thu tiền hay chống kẹt xe? Nguồn thu phí sử dụng vào mục đích gì? Những xe không chấp hành nộp phí sẽ xử lý cách nào? Xe ở các tỉnh lâu lâu mới vào trung tâm một lần, xe của các cơ quan Nhà nước thường đi ra vào khu trung tâm có bị thu phí?...

Giao thông có tác động đến hầu hết các hoạt động kinh tế - xã hội, đời sống người dân. Với đề án thu phí ô tô vào trung tâm thành phố, Sở GTVT cần chuẩn bị bài bản, đồng bộ, thông tin minh bạch. Lúc đó, việc triển khai đề án thu phí ô tô vào trung tâm sẽ nhận được sự động tình của dư luận nhiều hơn và không phải trì hoãn thêm một lần nữa.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.