Xã hội

Để ông già, hiệp sĩ đi chống tội phạm theo kiểu tự phát là không ổn

12/11/2020, 12:33

Theo Bí thư Thành ủy TP.HCM, để cho ông già, anh hiệp sĩ “bỏ vợ con” đi nghĩa hiệp, chống tội phạm theo kiểu tự phát là không ổn.

img
Đại biểu Nguyễn Minh Hoàng

Nguy cơ làm tăng số lượng

Sáng nay (12/11), Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về Dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Minh Hoàng (TP.HCM) cho rằng, dự thảo luật không phản ánh chính xác thực tế số lượng tăng, giảm lực lượng bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở.

“Nếu theo tính toán của cơ quan soạn thảo luật, chúng ta sẽ có 1,5 triệu người tham gia lực lượng này và hưởng ngân sách, giảm được 500.000 người đang tham gia ở các lực lượng dân phòng - bảo vệ dân phố - công an xã bán chuyên trách”, đại biểu Hoàng nói.

Tuy nhiên, đại biểu Hoàng cho rằng, thực tế không phải như vậy. Theo báo cáo gần đây thì cả 3 lực lượng dân phòng - bảo vệ dân phố - công an xã bán chuyên trách trên toàn quốc chỉ có 651.000 người. Như vậy, khi lực lượng này ra đời sẽ tăng lên 800.000 người hưởng ngân sách chứ không phải là giảm 500.000 người như Ban soạn thảo luật đưa ra.

“Chúng ta nghiên cứu ra lực lượng mà không chính danh, không có tuổi, ngân sách đội lên thì không nên. Nên làm tốt chính sách, đào tạo chuyên môn nghiệp vụ cho lực lượng cũ chứ không nên thành lập lực lượng mới”, đại biểu Hoàng nói.

Đồng quan điểm trên, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng, theo kinh nghiệm từ nhiều quốc gia, khi kinh tế đi lên thì lẽ ra an ninh phải tốt hơn rất nhiều, phải bớt người đi.

“Ở nước ngoài chẳng thấy dân phòng, dân phố gì cả, nhưng khi có vấn đề phát sinh như lái xe quá tốc độ sẽ có lực lượng chức năng xuất hiện. Từ vấn đề này, chúng ta cần đẩy mạnh quản lý bằng công nghệ chứ không phải tăng lực lượng lên”, đại biểu Nghĩa nói.

Còn theo đại biểu Nguyễn Văn Chương (đoàn TP.HCM), dự thảo Luật này không có tính thực tiễn.

"Chủ trương của Đảng, Nhà nước là tinh giản biên chế mà lại thêm hết lực lượng này đến lực lượng khác thì sẽ “phình” bộ máy. Ban soạn thảo Luật nói giảm số lượng nhưng số liệu mà đại biểu Hoàng đưa ra thì đâu có giảm, như vậy sẽ làm rắc rối cho công tác lãnh đạo", đại biểu Chương nói.

Theo đại biểu Chương, Dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở ra đời sẽ làm cho công an xã nặng về vấn đề hình sự, phương pháp trấn áp thay vì công tác vận động.

Chống tội phạm theo kiểu tự phát là không ổn

Trong khi đó, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nêu ý kiến, cần thiết phải ra đời lực lượng này, bởi “lãnh đạo quản lý địa phương mà cho ông già, anh hiệp sĩ “bỏ vợ con” để đi nghĩa hiệp, chống tội phạm theo kiểu tự phát là không ổn”.

Tuy nhiên, ông Nên cũng bày tỏ băn khoăn: “Tổ chức lực lượng này thì phải bàn lấy nguồn ở đâu, chế độ như thế nào. Lấy lực lượng công an nghỉ hưu bổ sung là không ổn, người già cũng không ổn”. Từ đó, ông đề nghị phải tiếp tục bàn sâu, bàn kỹ hơn nữa.

Tại tổ thảo luận, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã lý giải nguyên nhân phải đưa ra Luật này. Theo ông, thực tế lực lượng này đang tồn tại ở địa phương chứ không phải đến bây giờ có luật sinh ra lực lượng mới. Thời gian qua, chúng ta đã có những văn bản điều chỉnh khác nhau, có cái chưa thành luật nên cần khái quát lại thành luật.

“Ví dụ công an xã không chính quy, trong nhiệm kỳ này đã có luật để trình ra Quốc hội nhưng sau đó được chỉ đạo chờ Luật Công an nhân dân. Công an xã bây giờ phải chính quy, nếu bây giờ ban hành Luật Công an xã trên cơ sở pháp lệnh công an xã thì không phù hợp với Luật Công an nhân dân. Nên Quốc hội đồng ý là không đưa chương trình đó vào luật nữa, mà xem xét xây dựng luật cho lực lượng không chuyên trách này”, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết

Cũng theo Bộ trưởng Tô Lâm, đối với nhiệm vụ đảm bảo an ninh, trật tự, Dự thảo Luật cũng khái quát tổ chức lại, đưa những người dân, những người có trách nhiệm, tâm huyết, có đủ điều kiện cùng với lực lượng công an, chính quyền, quân đội để tham gia đảm bảo trật tự an ninh cơ sở.

“Dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở không khác mấy Luật Dân quân tự vệ. Với phương thức 4 tại chỗ, lực lượng này rất quan trọng”, Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh sự cần thiết của dự thảo luật cũng như lực lượng này.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.