Giờ đây, với 10 năm làm CEO Dh Foods, khởi nghiệp ở tuổi 50 khi trở về quê hương, doanh nhân đã chia sẻ những điểm yếu và thiếu của các startup trẻ tại Việt Nam...
Ông Nguyễn Trung Dũng kiểm tra sản phẩm do Công ty Dh Foods sản xuất
Quyết định khi nóng giận
Nhiều startup trẻ ở Việt Nam đã thất bại. Ông cũng từng vấp ngã?
Trong đời người ai cũng có thể vấp ngã, thậm chí nhiều lần. Ước mơ hoài bão sẽ giúp ta đứng dậy. Nhưng cuộc đời chỉ có 1 và ngắn ngủi lắm, vì vậy các bạn hãy thực hiện ước mơ hoài bão của mình… một cách cẩn thận và chắc chắn.
Tôi “ngã” nhiều lần, có những cú rất đau và đa phần do mình. Hiếu thắng, quyết định vội vã lúc nóng giận đã tự đẩy mình vào thế khó.
Hồi trẻ, có những thời điểm tôi làm việc 16 - 18 tiếng, thậm chí 20 tiếng/mỗi ngày, công ty đi lên rất nhanh. Nhưng sau một thời gian, không tìm thấy niềm vui trong công việc, tôi dần mất đi sự say mê và công ty cũng đi xuống, cho đến một ngày bán luôn cả công ty.
Là học sinh khối chuyên toán Đại học khoa học tự nhiên Hà Nội, sau khi du học tại Ba Lan năm 1981, ông Nguyễn Trung Dũng đã “khởi nghiệp” với vị trí Phó giám đốc rồi lên Giám đốc Công ty Tân Việt Ba Lan. Trải qua nhiều vị trí như Giám đốc chi nhánh - Tập đoàn Technocom (tiền thân của Vingroup) chi nhánh Ba Lan; Founder, Giám đốc Công ty Kim Lan Ba Lan; Founder - Giám đốc Công ty TNHH Kim; Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Kỹ nghệ thực phẩm Việt Nam (VIFON)…, ông hiện là Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Dh Foods.
Vậy, bài học sau thất bại đau đớn của ông là gì?
Một trong những bài học xương máu tôi học được khi còn kinh doanh ở Ba Lan là: Đừng quyết định gì khi đang nóng giận, cho dù mình có lý; nên kiên nhẫn chuẩn bị và chỉ hành động khi đã sẵn sàng.
Lúc đó, tôi đang hợp tác với một công ty sản xuất mỳ ăn liền ở Long Xuyên, An Giang. Sản phẩm vào các hệ thống phân phối tại Ba Lan nhận phản hồi tốt từ khách hàng, sản lượng tăng “khủng”.
Sau 1 năm, mỗi tháng mình đã bán được 5 - 6 triệu gói. Công ty ăn nên làm ra, mỳ sang cả Tiệp, Nga… Sản lượng tăng nhanh, nhà sản xuất cũng mua thêm dây chuyền thứ 2, công suất lớn gấp đôi dây chuyền đầu và tham vọng hơn.
Hồi đó, chưa có kinh nghiệm ký các hợp đồng lớn, nhà cung cấp này cứ 3 tháng lại thông báo tăng giá 1 lần và mình cũng phải chấp nhận.
Năm 1996 - 1997, chủ tịch công ty sản xuất qua Ba Lan thăm và tôi đã đưa đi gặp các nhà phân phối, hệ thống siêu thị là đối tác. Ngày cuối của chuyến đi, họ bày tỏ mong muốn mua lại 70% công ty và tôi từ chối.
Ngay sau đó, Ban Giám đốc công ty sản xuất đã tuyên bố mình sẽ phải trả tiền mặt nếu muốn lấy tiếp hàng (hợp đồng trước đó là công nợ 30 ngày và hạn mức tối đa là 500.000 USD).
Tôi tức giận và lập tức quyết định ngừng nhập hàng của họ, chỉ bán 1 loại mỳ của nhãn hàng khác. Tuy nhiên, do chưa có nhãn hàng thay thế, tôi dần mất thị phần phân khúc trung và cao cấp vào tay đối thủ cạnh tranh.
Lúc đó, lẽ ra tôi cần bình tĩnh, mềm mỏng hơn, kéo dài thời gian để tìm được đối tác thay thế chứ không để trống thị trường.
Hiếu thắng, thiếu kiên nhẫn
Khi khởi nghiệp Dh Foods ở tuổi 50, quan điểm kinh doanh của ông có gì khác so với khi còn trẻ?
Tôi khởi nghiệp thương hiệu gia vị Việt Dh Foods khi tròn 50 tuổi. Trải qua những thất bại do tính nóng vội, hiếu thắng của bản thân, tôi học được sự kiên nhẫn chuẩn bị và hành động khi thực sự sẵn sàng. Điều này giúp Dh Foods tránh khỏi những khủng hoảng trong những thời điểm quan trọng.
Tôi xác định, khởi nghiệp với Dh Foods là một hành trình rất dài. Khó khăn cũng không làm tôi nản chí, hôm nay mình chưa làm được việc này thì ngày mai mình làm tiếp, tháng này chưa được thì ta có tháng sau. Không cần vội vàng. Niềm vui trong công việc sẽ mang đến kết quả tốt.
Rời thương vụ thành công phía hậu trường Shark Tank, nhiều người nói CEO Dh Foods không còn trẻ nhưng lại nhận được nhiều sự quan tâm từ các bạn trẻ? Điều gì khiến anh không ngại kết nối thường xuyên với các bạn trẻ?
Về Việt Nam khởi nghiệp lại lần nữa ở tuổi 50, tôi chỉ nghĩ đơn giản: Mình đã 50 tuổi, không còn gì để đắn đo hay nuối tiếc cả.
Thực tế, tôi bắt đầu chia sẻ những kinh nghiệm thương trường của mình từ trước khi tham gia Shark Tank. Để ứng phó với dịch bệnh, Dh Foods quyết định phát triển mảng online. Lúc đó, chính các bạn trẻ trong công ty cũng e ngại về việc share các thông tin thương hiệu tại trang cá nhân, tôi quyết định đi trước làm gương.
Series bài viết #Khoinghieptuoi50 với mục đích ban đầu là chia sẻ các trải nghiệm kinh doanh của tôi nhận được sự quan tâm, chia sẻ của đông đảo bạn trẻ khởi nghiệp. Sau đó, tôi quyết định dành ra 1 lịch đăng bài hàng tuần như là lịch hẹn hàn huyên với các bạn startup.
“Chết yểu” vì… hết vốn nhanh
Ông Nguyễn Trung Dũng là một trong 8 vị sếp quyền lực của Chương trình truyền hình thực tế về việc làm “Cơ hội cho ai?"
Sau một thời gian lắng nghe chia sẻ của các starup, ông thấy nguyên nhân thất bại của các bạn trẻ trong nước là do đâu?
Tôi đã trầy vi tróc vảy trong kinh doanh, vì vậy tôi mong các bạn khởi nghiệp tránh được những sai lầm không đáng có, để đi nhanh và xa hơn. Và qua những câu chuyện với các bạn trẻ, tôi cũng lắng nghe, thu nhận những bài học cho riêng mình.
Nguyên nhân thất bại khi khởi nghiệp có rất nhiều, tuy nhiên hết vốn nhanh là thứ đáng sợ nhất mọi người thường đối mặt.
Tôi luôn khuyên các bạn trẻ, khi khởi nghiệp cần tính toán, phân bổ hợp lý với số vốn ít ỏi của mình để tồn tại được 3 - 5 năm. Nên cân nhắc chia nguồn vốn vào các khoản: Sản xuất, logistics, văn phòng, chất lượng sản phẩm, bao bì, hệ thống phân phối, các hoạt động marketing thật hợp lý.
Như ở Dh Foods, tôi quyết định thuê bên ngoài một số hoạt động như sản xuất, logistics để tập trung nguồn lực vào các phần còn lại.
Nhiều người trẻ bỏ công việc văn phòng về startup, nhưng để ra thị trường thì họ đuối. Đuối vốn - đuối mối quan hệ - đuối cả thuyết trình kêu gọi nhà đầu tư. Với những người startup mới mẻ này, ông có lời khuyên gì dành cho họ?
Các bạn trẻ vội khởi nghiệp khi chưa kịp tích lũy kinh nghiệm, mối quan hệ, vốn đa phần mới nhìn thấy màu hồng trong việc khởi nghiệp.
Tôi chỉ có thể khuyên các bạn khởi nghiệp khi các bạn đã thực sự tích lũy được kiến thức, vốn… Các bạn hãy xem khởi nghiệp là niềm vui, đừng vội vàng, hãy kiên trì đi từng bước nhỏ.
Cảm ơn ông!
Theo thống kê, tính đến năm 2021, Việt Nam có 3.800 doanh nghiệp khởi nghiệp, nhưng mỗi năm chỉ có khoảng 100 dự án gọi vốn được; thậm chí có năm chỉ 60 dự án gọi được vốn. Như năm 2021, được đánh giá rất thành công, nhưng chỉ có 147 dự án gọi được vốn, dù hiện có 200 tổ chức đầu tư tại Việt Nam.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận