Chuyện dọc đường

Để “thoát nỗi khổ” xe vô chủ

19/02/2020, 07:01

Các điểm tạm giữ phương tiện hiện nay đều trong tình trạng quá tải, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ và dự báo hiện tượng này còn gia tăng...

img
Các xe mới tạm giữ nằm trong khu vực mái che, còn xe tạm giữ lâu thì buộc phải nằm ngoài trời

Tạm giữ phương tiện (giam xe) là một trong những hình thức xử lý vi phạm hành chính có tác dụng ngăn chặn hành vi đó tiếp diễn, góp phần răn đe và hình thành ý thức tham gia giao thông đúng luật.

Tại phiên giải trình do Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức mới đây, Bộ Công an cho biết, cả nước hiện còn 137.000 phương tiện tạm giữ tồn đọng, trong đó gần 40.000 xe đã bị hư hỏng. Do thiếu thốn cơ sở vật chất, hiện có tới 32/63 địa phương còn đơn vị CSGT phải thuê địa điểm tạm giữ phương tiện. Các điểm tạm giữ phương tiện đều trong tình trạng quá tải, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ, trong khi việc tạm giữ quá lâu dẫn đến tình trạng nhiều phương tiện bị hỏng, cũ nát không sử dụng được, gây lãng phí.

Có nhiều nguyên nhân khiến các chủ xe vi phạm vứt bỏ phương tiện hoặc do mức phạt cao hơn giá trị của xe bị tạm giữ, lại phải chịu thêm phí lưu giữ hoặc vì phương tiện đã được mua, bán qua nhiều chủ sở hữu hoặc mất giấy tờ; hoặc phương tiện bị tạm giữ có dấu hiệu vi phạm pháp luật…

Khi chiếc xe được xác định vô chủ một năm, thì trách nhiệm tiêu hủy, tịch thu, đấu giá thuộc lực lượng công an. Tuy nhiên, quy trình tịch thu, đấu giá, tiêu hủy hiện khá phức tạp, nên tính từ thời điểm xe bị tạm giữ đến khi xử lý được, ít nhất mất khoảng 2 năm. Khi đó, những chiếc xe đã thành đống sắt vụn, số tiền thanh lý xe không đủ trả chi phí vận chuyển xe đi bán, chưa nói gì đến phí trông giữ phương tiện. Và lúc này, lực lượng chức năng cũng “ngại ngần” trong việc tịch thu, tiêu hủy những “đống sắt vụn” ấy.

Để giải quyết bài toán này, đã có nhiều giải pháp được đưa ra, từ việc thu tiền phạt thay vì giữ xe vi phạm; chỉ tạm giữ biển số thay vì giữ xe và lần này là tịch thu, đấu giá xe vô chủ quá 30 ngày… Mỗi giải pháp đều có những bất cập, những vấn đề sẽ nảy sinh mâu thuẫn nếu áp dụng vào thực tiễn.

Từ ngày 1/1/2020, mức xử lý vi phạm giao thông đã được áp dụng theo Nghị định 100 với việc tăng nặng nhiều hành vi vi phạm. Điều đó có thể dẫn đến thực trạng, sẽ có nhiều người vi phạm giao thông bỏ xe thay vì đến chấp hành nộp phạt. Điều đó sẽ càng khiến những bãi xe vốn đã quá tải hiện nay thêm trầm trọng hơn, áp lực xử lý của cơ quan công an thêm nặng nề hơn.

Do đó, khi thực trạng tạm giữ phương tiện vi phạm giao thông đã bộc lộ và dự báo trước sẽ càng gia tăng bất cập trong thời gian tới, việc sửa đổi các quy định pháp luật để phù hợp thực tiễn là điều cấp thiết.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.