Y tế

Để ung thư tuyến giáp không còn đáng sợ

30/05/2019, 06:28

Mặc dù chưa có con số thống kê chính xác nhưng ung thư tuyến giáp đang có xu hướng gia tăng...

img
Bác sĩ Thân Văn Thịnh thăm khám cho bệnh nhân ung thư tuyến giáp

Tuy nhiên, xác định sớm và điều trị kịp thời ung thư tuyến giáp không đáng sợ vì tỷ lệ khỏi bệnh rất cao.

Gia tăng bệnh nhân ung thư tuyến giáp

Chị Nguyễn Thúy A. (trú tại Hà Nội) mang thai ở tuần thứ 4 thì bất ngờ phát hiện mắc ung thư tuyến giáp trong lần đi khám sức khỏe thai kỳ. Kết quả ung thư tuyến giáp khiến vợ chồng chị suy sụp, bởi chờ mãi hai anh chị mới có được tin vui. Tuy nhiên, được sự tư vấn kỹ càng từ bác sĩ, quá trình thai kỳ của chị A. vẫn phát triển tốt và hạ sinh con “mẹ tròn, con vuông”. Kết quả gần đây nhất, khối u có phát triển nhưng khá chậm, điều này khiến chị A. chủ quan không muốn tiếp tục điều trị phẫu thuật.

“Không ít các trường hợp tương tự chị A. vì tiến triển ung thư tuyến giáp thường âm thầm, nên rất nhiều người bệnh chủ quan, bỏ qua giai đoạn điều trị tốt nhất. Hơn nữa nhiều người cũng có quan niệm “ung thư là chấm hết” nên từ chối điều trị. Với hầu hết các ca bệnh này, chúng tôi đều phải giải thích cặn kẽ, thậm chí nhiều lần thuyết phục rằng “nếu điều trị sớm sẽ khỏi hẳn bệnh” để họ chấp nhận điều trị. Và như trường hợp chị A. sau đó đã điều trị và kết quả thành công mỹ mãn, bệnh lui hoàn toàn”, Ths. BS. Thân Văn Thịnh, Khoa Khám bệnh, BV Ung bướu Hà Nội chia sẻ.

Cũng theo BS. Thịnh, hiện ung thư tuyến giáp có xu hướng gia tăng. Dù chưa có con số thống kê cập nhật cụ thể, nhưng ngay ở Khoa Y học hạt nhân, BV Ung bướu Hà Nội, hiện có trên 2 nghìn hồ sơ điều trị căn bệnh này. Ngày nào cũng có bệnh nhân thăm khám và phát hiện ung thư tuyến giáp tại bệnh viện.

Trong quá trình thăm khám bệnh, BS. Thịnh cho hay, bệnh nhân nhỏ tuổi nhất mà thăm khám và phát hiện ung thư tuyến giáp là 16 tuổi, ở giai đoạn sớm và cũng được điều trị khỏi sau đó. Tuy nhiên, cũng có bệnh nhân không điều trị kịp thời, để di căn phổi, hạch cổ và tử vong.

Bệnh ung thư tuyến giáp gặp nhiều ở lứa tuổi khá trẻ từ 30-40 tuổi và ở nữ nhiều gấp 3 lần nam. Đến nay y học chưa tìm ra nguyên nhân gây bệnh ung thư tuyến giáp nhưng ghi nhận bệnh hay gặp ở người có tiền căn tiếp xúc với chất phóng xạ trước đây. Ví dụ, người bệnh ung thư ở vùng đầu cổ được xạ trị, nhiều năm sau có thể bị ung thư tuyến giáp, hoặc người sống ở khu vực có rò rỉ hạt nhân của lò hạt nhân hoặc vụ nổ hạt nhân thì tỉ lệ ung thư tuyến giáp tăng lên rất nhiều. Bên cạnh đó, bệnh cũng bắt gặp ở những người có nghề nghiệp tiếp xúc chất phóng xạ hoặc liên quan đến chì như nhân viên bán xăng…

Tỷ lệ điều trị thành công cao

“Ung thư tuyến giáp có tiên lượng tốt nhất trong các loại ung thư. Ở thể biệt hóa có 2 dạng, trong đó tỷ lệ chữa thành công tương đương là 80-90% với thể nhú và trên 70% với thể nang. Còn ở thể không biệt hóa, tiên lượng có xấu hơn nhưng vẫn đáp ứng điều trị tốt. Chỉ có 1 tỷ lệ rất nhỏ thể kém biệt hóa dễ tái phát, di căn”, BS. Thịnh cho hay.

Hầu hết người mắc bệnh ung thư tuyến giáp đến BV Ung bướu khám với lý do “có cục nhỏ ở cổ”. Tuy nhiên, hiện 90% dân số đều có một cái hạt trong tuyến giáp, tuy nhiên hầu hết những hạt này đều bình thường và chỉ khoảng 1-2% người có hạt này bị ung thư.

Thông thường, đến bệnh viện khi phát hiện có một cục ở vùng cổ, bệnh nhân sẽ được siêu âm. Nếu trên hình ảnh siêu âm có gợi ý là ung thư, bệnh nhân sẽ được sinh thiết xem có tế bào ung thư không và tùy sự lớn nhỏ của tế bào ung thư sẽ có cách điều trị khác nhau. Đầu tiên, bệnh nhân sẽ được phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp bán phần hay toàn bộ và nếu có hạch bác sĩ sẽ nạo vét hạch cổ. Tùy mức độ ăn lan của tế bào ung thư, bác sĩ quyết định có điều trị thêm i-ốt phóng xạ hay không.

Chia sẻ về việc điều trị iốt phóng xạ khiến nhiều người bệnh lo ngại, BS. Thịnh cho hay, tại BV Ung bướu Hà Nội có quy trình và mô hình điều trị khép kín hiện đại mà chỉ số ít bệnh viện làm được. Sau phẫu thuật, bệnh nhân được chuyển đến Khoa Y học hạt nhân điều trị iốt phóng xạ. Tại đây việc ăn ở, điều trị cho bệnh nhân được cách ly, khép kín, có bể xử lý phóng xạ, có không gian cây xanh cho người bệnh sinh hoạt và thư giãn… đảm bảo an toàn cho bệnh nhân và cộng đồng. Theo lý giải của BS. Thịnh, trong quá trình điều trị iốt phóng xạ, chất phóng xạ hoàn toàn có thể đào thải qua đường nước tiểu, mồ hôi, nước bọt của bệnh nhân, do đó có thể gây độc cho cộng đồng, đặc biệt là đối với sức khỏe trẻ nhỏ xung quanh nếu bệnh nhân không được cách ly.

“Với tiên lượng ung thư tuyến giáp, độ tuổi càng trẻ thì tiên lượng càng tốt và điều trị hiệu quả cao hơn. Cũng vì vậy, không giới hạn độ tuổi, nên tầm soát ung thư tuyến giáp bằng phương pháp siêu âm, vừa rẻ, dễ làm, có thể thực hiện ở tuyến cơ sở nhưng lưu ý phải có bác sĩ chuyên khoa ung bướu khám và chẩn đoán. Và điều đặc biệt lưu ý, do bệnh thường diễn tiến âm thầm, nên nhiều bệnh nhân chủ quan, tìm đến thực phẩm chức năng hay các phương pháp dân gian chưa được kiểm chứng khoa học để điều trị bệnh. Đó là sai lầm, bệnh nhân sẽ bỏ lỡ cơ hội điều trị hiệu quả”, BS. Thịnh khuyến cáo.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.