Xã hội

Đề xuất cấp thị thực điện tử cho công dân tất cả các nước

27/03/2023, 17:04

Chính phủ nhất trí đề xuất Quốc hội chính sách mới trong lĩnh vực quản lý nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài.

Nâng thời hạn tạm trú cho người nhập cảnh lên 45 ngày

Tại phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 3 năm 2023, chia sẻ về một số chính sách mới trong lĩnh vực quản lý nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, Bộ Công an cho biết, việc đề xuất đưa các chính sách này vào Nghị quyết chung của Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 tháng 5/2023 là để thực hiện được ngay, trong thời gian tiến hành sửa đổi, bổ sung Luật Xuất nhập cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Qua đó, sẽ giải quyết một số vấn đề cấp bách để tạo thuận lợi hơn nữa cho người nước ngoài (khách du lịch, nhà đầu tư, doanh nhân…) trong nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú, làm ăn tại Việt Nam, góp phần phục hồi, phát triển ngành du lịch nói riêng và kinh tế - xã hội nói chung.

img

Ảnh minh họa khách quốc tế tới Việt Nam

Các thành viên Chính phủ nhất trí đề xuất Quốc hội cho phép nâng thời hạn thị thực điện tử (E-visa) từ không quá 30 ngày lên không quá 3 tháng, có giá trị một lần hoặc nhiều lần;

Cấp thị thực điện tử cho công dân của tất cả các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới và giao Chính phủ quyết định danh sách cụ thể các nước, vùng lãnh thổ;

Nâng thời hạn cấp chứng nhận tạm trú tại cửa khẩu cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực từ 15 ngày lên 45 ngày.

Hiện nay, Việt Nam cấp thị thực điện tử cho công dân 80 nước với thời hạn không quá 30 ngày và chỉ nhập cảnh một lần.

Việt Nam đặt mục tiêu, năm 2023 sẽ đón 8 triệu lượt khách quốc tế và 102 triệu lượt khách nội địa, tổng doanh thu dự kiến đạt 650.000 tỉ đồng.

Cũng tại phiên họp, các thành viên Chính phủ đều cho rằng đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Xuất nhập cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam là rất cần thiết.

Chính phủ thống nhất với các chính sách được đề xuất, theo đó, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất nhập cảnh trên môi trường điện tử; tạo điều kiện cho công dân Việt Nam trong việc xin thị thực nhập cảnh nước ngoài, cấp hộ chiếu phổ thông theo thủ tục rút gọn…

Tại cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các quy định, thủ tục xuất nhập cảnh phải tạo thuận lợi cho người dân và du khách, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số, hiện đại hóa, giảm phiền hà, phòng chống tiêu cực.

Rà soát, đánh giá kỹ Luật Căn cước công dân

Trong phiên họp lần này, các thành viên Chính phủ thảo luận sâu đối với các nội dung mới của dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi) như việc cấp căn cước cho trẻ dưới 14 tuổi, cho người gốc Việt Nam ở nước ngoài, tích hợp thông tin trên cơ sở dữ liệu…

img

Toàn cảnh phiên họp

Đối với các nội dung mới, cần nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, tham khảo có chọn lọc, phù hợp với đặc điểm, điều kiện của Việt Nam; chuẩn bị tốt nguồn lực thực hiện để phục vụ thuận lợi tối đa cho người dân.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đánh giá Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) là dự án luật có nhiều nội dung khó, phức tạp, nhạy cảm, tác động lớn đến xã hội và nền kinh tế, rất cần thiết sửa đổi, bổ sung để đáp ứng với yêu cầu của tình hình mới.

Do đó, cần đánh giá kỹ lưỡng tác động, rà soát, bảo tính đồng bộ, thống nhất với các quy định pháp luật hiện hành và các dự án luật đang được Chính phủ trình Quốc hội, tích cực tham khảo kinh nghiệm quốc tế, đề nghị tham khảo có chọn lọc, phù hợp với đặc điểm, điều kiện của Việt Nam.

Trong kết luận, về vấn đề này, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu thể chế hóa được các chủ trương, đường lối của Đảng; luật pháp phải phục vụ sự phát triển, vì lợi ích của nhân dân, đặt lợi ích chung lên trên hết.

Tất cả cần chung tay, chung sức, tháo gỡ khó khăn, xây dựng hệ thống ngân hàng hoạt động thực sự công khai, minh bạch, hội nhập, phát triển bền vững, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm.

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh việc tăng cường phân cấp, phân quyền, quy định rõ trách nhiệm, cá thể hoá trách nhiệm của cá nhân, thiết kế công cụ tốt để tăng cường giám sát, kiểm tra.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: "Công việc ngày càng nhiều khi thực tiễn diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường".

Ông chỉ ra có nhiều văn bản quy phạm pháp luật được xây dựng từ lâu, có những văn bản mới xây dựng nhưng thực tiễn đã vượt qua, do đó, phải rà soát, bám sát thực tiễn, điều chỉnh kịp thời, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, nút thắt.

Qua đó, tạo hành lang pháp lý thông thoáng, phù hợp điều kiện đất nước và tình hình từng giai đoạn, nhất là giai đoạn có nhiều khó khăn hiện nay, tạo động lực, xung lực, cảm hứng để góp phần hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.