Đường sắt

Đề xuất cho phép triển khai hoạt động liên vận quốc tế tại ga Kép

19/08/2022, 18:46

Bộ GTVT vừa đã có văn bản xin ý kiến các Bộ, UBND các tỉnh, thành phố về phương án nâng cao năng lực vận tải liên vận quốc tế đường sắt.

Đầu tư hạ tầng, phương tiện

Bộ GTVT cho biết, vừa qua, Bộ đã chỉ đạo Tổng công ty Đường sắt VN xây dựng và báo cáo Thủ tướng Chính phủ “Phương án nâng cao năng lực vận tải liên vận quốc tế bằng đường sắt”.

Tại phương án này, Tổng công ty Đường sắt VN đã đề xuất, kiến nghị nhiều giải pháp về điều hành, đầu tư phương tiện, hạ tầng và cơ chế, chính sách nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả khai thác vận tải liên vận quốc tế (LVQT) bằng đường sắt.

img

Đầu năm 2022, Ga Đồng Đăng quá tải, đường ga, bãi hàng kín toa xe liên vận quốc tế

Tổng công ty Đường sắt VN đã đề xuất cụ thể về đầu tư phương tiện, trong đó có đầu máy, toa xe. Tuy nhiên, theo báo cáo của Tổng công ty, sẽ gặp khó khăn lớn khi phải huy động hàng ngàn tỷ đồng để đầu tư mới đầu máy, toa xe mà không được hưởng các ưu đãi về lãi suất vay.

Trong khi, từ năm 2011 trở về trước, khi triển khai dự án lắp ráp đầu máy trong nước và đóng mới toa xe khách, toa xe hàng, Tổng công ty Đường sắt VN đã được vay ưu đãi từ Quỹ đầu tư phát triển Việt Nam (nay là Ngân hàng phát triển Việt Nam) do các sản phẩm này nằm trong danh mục sản phẩm cơ khí trọng điểm.

Tổng công ty Đường sắt VN cho biết, từ năm 2017 đến năm 2021, sản lượng vận tải hàng LVQT tăng trưởng mạnh. Nếu năm 2017 thực hiện được hơn 870.000 tấn qua cả hai cửa khẩu ga Đồng Đăng và ga Đồng Đăng thì năm 2021, đạt hơn 1.130.000 tấn. Sản lượng năm 2021 tăng trưởng 31% so với năm 2020.

Trong đó, tốc độ tăng trưởng bình quân về container liên vận quốc tế bằng đường sắt giai đoạn 2018-2021 trên tuyến Đồng Đăng là 182% trong một năm.

Còn theo Nghị định 32/2017/NĐ- CP ngày 31/3/2017 của Chính phủ về tín dụng đầu tư của Nhà nước, các đối tượng trên không nằm trong danh mục dự án được vay tín dụng đầu tư từ Ngân hàng phát triển Việt Nam.

Đồng thời, theo Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2025 tầm nhìn đến năm 2035 thì các sản phẩm cơ khí đường sắt không được nằm trong danh mục cơ khí trọng điểm.

Vì vậy, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép bổ sung danh mục các sản phẩm lắp ráp, chế tạo đầu máy, toa xe vào Danh mục sản phẩm cơ khí trọng điểm được ưu tiên đầu tư phát triển theo Quyết định số 319/QĐ-TTg ngày 15/3/2018 về việc phê duyệt Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 để Tổng công ty Đường sắt VN đầu tư đóng mới đầu máy, toa xe.

Về đầu tư kết cấu hạ tầng, Tổng công ty Đường sắt VN đề xuất phương án huy động vốn để cải tạo nâng cấp các ga đường sắt. Tuy nhiên, Bộ GTVT cho biết, hiện Bộ đã phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt các dự án cải tạo, nâng cấp KCHT đường sắt hiện có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021- 2025.

Theo đó đã sử dụng vốn ngân sách nhà nước để thực hiện đầu tư các ga: Đồng Đăng, Lạng Sơn, Xuân Giao, Vật Cách, Diêu Trì, Kim Liên, Sóng Thần… (thuộc các dự án cải tạo, nâng cấp các đoạn Hà Nội - Vinh, Vinh - Nha Trang, Nha Trang - Sài Gòn và dự án cải tạo, nâng cấp các ga trên các tuyến đường sắt phía Bắc) nhằm nâng cao năng lực khai thác các ga này. Do đó, Bộ GTVT sẽ tiếp tục theo dõi, kiểm tra để chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện hiệu quả các dự án.

Cũng liên quan đến giải pháp đầu tư hạ tầng, Tổng công ty Đường sắt VN đề xuất đưa nội dung cải tạo các ga vào danh mục chương trình phục hồi kinh tế.

Bộ GTVT cho biết, hiện danh mục các dự án thuộc chương trình này của Bộ GTVT đã được xác định nên không thể thực hiện đầu tư các ga từ nguồn vốn này.

Vì vậy, đối với các ga hàng hóa đang bị xuống cấp, ảnh hưởng đến hiệu quả khai thác, Bộ GTVT dự kiến đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét để đưa nội dung cải tạo các ga vào danh mục chương trình phục hồi kinh tế trong các giai đoạn tiếp theo.

Đề xuất triển khai hoạt động liên vận quốc tế tại ga Kép

Theo báo cáo của Tổng công ty Đường sắt VN, từ các tháng cuối năm 2021, nhu cầu vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt phục vụ xuất nhập khẩu tăng cao, đặc biệt qua cửa khẩu ga Đồng Đăng.

img

Bộ GTVT cho biết, sẽ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai hoạt động LVQT tại ga Kép

Tuy nhiên do hạn chế về cơ sở hạ tầng tại các ga LVQT như Đồng Đăng, Lào Cai, Yên Viên nên đường sắt không đáp ứng được các nhu cầu vận chuyển hàng hóa từ Việt Nam đi Trung Quốc, quá cảnh đi châu Âu, Nga và các nước Trung Á. Thời điểm này và đầu năm 2022, khối lượng lớn hàng hóa xuất nhập khẩu tồn đọng tại các cửa khẩu đường sắt.

Để giải quyết vấn đề này, Tổng công ty Đường sắt VN đề xuất bổ sung các ga Kép, Vật Cách, Trảng Bom làm ga LVQT để hỗ trợ cho ga LVQT Đồng Đăng và Yên Viên, đồng thời khai thác hàng xuất nhập khẩu từ phía Nam ra.

Trước mắt Tổng công ty Đường sắt VN xây dựng phương án ga Kép là ga LVQT. Vì khi nhu cầu vận chuyển hàng hóa LVQT tăng cao cả hai chiều xuất và nhập qua cửa khẩu Đồng Đăng, nhưng năng lực đường ga và kho bãi tại các ga Đồng Đăng, Yên Viên hạn chế nên dẫn đến ách tắc.

Trong khi đó, cách ga Kép 30km có Chi cục Hải quan tỉnh Bắc Giang đóng tại khu công nghiệp Đình Trám, thuận lợi trong việc làm thủ tục hải quan nếu bổ sung ga Kép là ga LVQT. Khi đó, hàng hóa thuộc khu vực Bắc Giang có thể làm các thủ tục xuất nhập tại Hải quan Bắc Giang, giảm bớt thời gian làm thủ tục thông quan hàng hóa và giảm áp lực cho 2 ga LVQT Đồng Đăng, Yên Viên.

Hơn nữa, về lâu dài, sẽ tạo thuận lợi cho việc hình thành một đầu mối trung chuyển hàng hóa cho khu vực tỉnh Bắc Giang và các tỉnh phụ cận, giúp hạ thấp chi phí logistics, tạo điều kiện hoạt động cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, doanh nghiệp logistics do ga Kép nằm trên khu vực ngã ba các tuyến đường sắt Yên Viên - Đồng Đăng, Kép - Hạ Long - Cái Lân, Kép - Lưu Xá có cùng khổ đường 1435mm.

Về đề xuất này của Tổng công ty Đường sắt VN, Bộ GTVT cho biết, Luật Đường sắt và các văn bản hướng dẫn không có quy định về thủ tục công bố ga LVQT. Còn theo Luật Quy hoạch, để xác định ga LVQT, Bộ GTVT phải xây dựng quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Mặt khác, Bộ Tài chính cũng có kiến nghị “Xây dựng, trình cấp có thẩm quyền quy hoạch bổ sung ga Kép tỉnh Bắc Giang thành ga LVQT”.

“Trong khi chờ xây dựng quy hoạch chuyên ngành, Bộ GTVT dự kiến đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai hoạt động liên vận quốc tế tại ga Kép, về lâu dài sẽ nghiên cứu xây dựng quy hoạch ga Kép là ga LVQT”, văn bản của Bộ GTVT nêu rõ.

Tổng công ty Đường sắt VN cho biết, bãi hàng ga Kép có hạ tầng rộng 2,7ha, đường xếp dỡ thuận lợi. Tổng công ty đang tổ chức cải tạo mặt bãi làm nơi đủđiều kiện tập kết, xếp dỡ hàng container vận chuyển LVQT.

Với năng lực hiện nay tại ga Kép có thể giải thể, lập tàu tối thiểu từ 1-1,5 đôi tàu/ngày đêm. Dự kiến, sau khi được hoàn thiện đầu tư cải tạo, năng lực bãi hàng ga Kép có thể tổ chức lập, giải thể tối thiểu từ 4-5 đôi tàu hàng/ngày đêm, tương ứng giải phóng thêm từ 100-120 toa xe hàng/ngày đêm, bằng 3.600 - 4.000 tấn/ngày đêm.

Sản lượng xếp dỡ trong 6 tháng đầu năm 2022 tại ga Kép: 11.952 tấn xếp, dỡ; Số xe xếp dỡ: 199 toa xe.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.