Xã hội

Đề xuất coi mại dâm là "nghề đặc biệt"

06/04/2018, 15:27

Thay vì để hoạt động mại dâm trôi nổi, có thể coi đó là một nghề đặc biệt, có cơ chế quản lý...

5

Các khách mời tại tọa đàm “Có nên công nhận mại dâm là một nghề”

Thay vì để hoạt động mại dâm trôi nổi, có thể coi đó là một nghề đặc biệt, có cơ chế quản lý đặc biệt. Đó là quan điểm được ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng cùng một số chuyên gia pháp lý, xã hội học đưa ra khi tham gia buổi tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Có nên công nhận mại dâm là một nghề?” do Báo Tiền phong tổ chức chiều 5/4.

Đa số các nước vẫn coi mại dâm là hoạt động bất hợp pháp

Nhìn nhận từ góc độ quản lý nhà nước, ông Phạm Ngọc Dũng, Phó trưởng Phòng Chính sách, phòng chống mại dâm - Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐ,TB&XH) cho biết, hiện chúng ta vẫn đang coi mại dâm là hoạt động bất hợp pháp. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải hướng tới bảo vệ quyền con người. Vì thế, việc xây dựng chính sách về mại dâm sẽ dựa trên 2 tiêu chí: Tôn trọng Hiến pháp và phù hợp với các điều lệ, công ước quốc tế mà Việt Nam đang tham gia.“Chúng tôi đang tiến hành thu thập luồng thông tin để hoàn thiện chính sách pháp luật trong giai đoạn mới”, ông Dũng cho hay.

Cần cơ chế quản lý đặc biệt

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội thừa nhận, ông không phải người cởi mở trong chuyện này, nhưng ông cho rằng phải có cái nhìn khách quan, toàn diện mà không nên có định kiến. “Tôi cho rằng, nên coi mại dâm là một nghề đặc biệt, có một cơ chế quản lý đặc biệt, như thế sẽ tốt hơn để hoạt động trôi nổi như hiện nay, vừa không quản lý được, lại vừa không thể đảm bảo quyền con người”, ông Nhưỡng nêu quan điểm.

Ông Dũng phân tích: “Trong số gần 200 quốc gia, số quốc gia cho phép tồn tại mại dâm nhỏ hơn. Mà nếu cho phép cũng chỉ là một số khu vực, không phải cả nước. Mỗi mô hình, mỗi cách quản lý đều có mặt tiêu cực và tích cực. Mô hình ấy có phù hợp với chúng ta không thì còn phải nghiên cứu rất sâu. Giải pháp hiện thời là giảm thiểu tác hại của hoạt động mại dâm và giảm thiểu tác hại của nghề đối với phụ nữ. Chúng ta phải cố gắng có được góc nhìn phù hợp, từ đó đưa ra giải pháp phù hợp”.

Bà Nguyễn Thanh Cầm, Ủy viên Đoàn chủ tịch T.Ư Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho rằng, muốn công nhận hay không công nhận mại dâm là một nghề, đòi hỏi một quá trình nghiên cứu kỹ lưỡng, nhưng dù thế nào cũng phải bảo đảm quyền con người. “Chúng tôi không bao giờ chấp nhận các hành vi xâm phạm đến quyền lợi, danh dự và nhân phẩm của các chị em phụ nữ. Cần có các chế tài, quy định để bảo vệ phụ nữ và cả đàn ông”, bà Cầm nói và cho rằng, Nhà nước, các nhà quản lý xã hội cần phải tạo điều kiện để những người này có cơ hội tiếp cận với các nghề nghiệp khác.

Nên chuyển từ “chống” sang “quản lý chặt chẽ”

Theo Nhà xã hội học - PGS.TS. Trịnh Hòa Bình, xã hội nào cũng phải phòng ngừa tệ nạn mại dâm. Đây là thực tế cần phải thừa nhận để quản lý tốt hơn, để điều chỉnh nó.

“Chúng ta không nên quá băn khoăn về câu chữ, khái niệm, về việc có công nhận là nghề hay không. Mấu chốt ở chỗ có hợp thức hóa không, có quản lý hữu hiệu không? Ta chuyển từ phòng chống sang quản lý chặt chẽ. Bởi, thực tế khi chưa được công nhận là nghề thì hiện nay nó đã được coi là hoạt động kinh doanh, kiếm sống dù bất hợp pháp. Như vậy, nếu quản lý tốt, định hướng, kiểm soát tốt, chắc chắn giảm thiểu tác hại. Có thể coi đó là nghề, nhưng là nghề đặc biệt, nghề nhạy cảm. Không gì tốt hơn là nhìn nhận nó như thực thể xã hội”, ông Bình cho hay.

mại dâm ngàn đô

Nhà xã hội học Trịnh Hòa Bình cho rằng, nên chuyển từ phòng chống mại dâm sang quản lý chặt chẽ. Ảnh minh họa

Phân tích dưới góc độ pháp lý, luật sư Trần Tuấn Anh (Văn phòng Luật sư Minh bạch) nêu thực tế, lâu nay ta áp dụng nhiều biện pháp như coi mại dâm là tội phạm, đưa người hoạt động mại dâm vào các trại phục hồi nhân phẩm, rồi sau đó phạt cho tồn tại, nhưng kết quả vẫn không quản lý được, mại dâm vẫn tồn tại và phát triển.

“Chúng ta có thể thành lập một khu vực riêng, nếu hoạt động trong khu vực đó thì hợp pháp, nhưng ngoài thì bất hợp pháp. Câu chuyện công nhận nghề hay không nghề là phạm vi hẹp, quan trọng là làm cách nào để quản lý”, luật sư nêu quan điểm và cho rằng: “Chúng ta phạt rồi cho tồn tại thì khác nào công nhận, mà lại không quản lý được”.

Nhắc lại câu chuyện cách đây vài năm, đoàn thanh tra xuống kiểm tra thì báo cáo là không tìm thấy mại dâm ở Đồ Sơn, luật sư Tuấn Anh cho rằng, đây là hoạt động vô hình nên không thể thấy được. Nếu đưa vào quản lý, các cán bộ sẽ có thể báo cáo minh bạch.

Khi ấy, chúng ta được có danh sách, có thể quản lý về vệ sinh, sức khỏe, thậm chí đóng bảo hiểm cho những người hành nghề. Theo ngôn ngữ pháp lý, đây có thể coi là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Người được cấp chứng chỉ hành nghề cần có đủ điều kiện sức khỏe, lý lịch... Thậm chí, có thể quản lý các cơ sở mại dâm như: Mỗi phòng bao nhiêu m2, có gì trong đó, sử dụng biện pháp an toàn ra sao... Nếu đưa nghề này vào quản lý, các quy định này có thể được xây dựng rất nhanh.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.