Đường bộ

Đề xuất đầu tư hơn 8.300 tỷ đồng xây cao tốc Dầu Giây - Tân Phú

28/04/2022, 13:35

Cao tốc Dầu Giây - Tân Phú được kiến nghị đầu tư theo hình thức PPP, trong đó, vốn huy động nhà đầu tư dự kiến là hơn 7.000 tỷ đồng.

Ban QLDA Thăng Long vừa trình Bộ GTVT phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú (giai đoạn 1) theo phương thức PPP (hợp đồng BOT).

img

Cao tốc Dầu Giây - Tân Phú dự kiến được triển khai xây dựng từ năm 2023, hoàn thành vào năm 2025 - Ảnh minh họa

Theo đó, cao tốc Dầu Giây - Tân Phú là dự án thành phần nằm trong tổng thể tuyến đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương.

Hiện nay, tại khu vực, QL20 đã được đầu tư hoàn chỉnh theo quy hoạch được phê duyệt (bề rộng nền đường 12m, bề rộng mặt đường 11m) song, theo kết quả khảo sát, quốc lộ này đã quá tải. Vì vậy, việc đầu tư từng phần, tiến tới đầu tư toàn bộ cao tốc Dầu Giây - Liên Khương là cần thiết thúc đẩy hơn nữa liên kết giữa các tỉnh Đông Nam Bộ với khu vực Tây Nguyên, đặc biể là Đồng Nai với tỉnh Lâm Đồng.

Theo tính toán sơ bộ, nhu cầu sử dụng đất của dự án cao tốc Dầu Giây - Tân Phú khoảng hơn 300 ha. Trong đó, huyện Thống Nhất là hơn 78 ha; huyện Định Quán là hơn 127 ha; huyện Xuân Lộc là gần 10 ha, huyện Tân Phú là 96 ha.

Diện tích đất có rừng hơn 27 ha đã được HĐND tỉnh Đồng Nai ra Nghị quyết số 05 quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện dự án.

Theo đó, dự án cao tốc Dầu Giây - Tân Phú sẽ có tổng chiều dài hơn 60 km. Điểm đầu tại Km0+000, giao với QL1 tại Km 1829+500, trùng với điểm cuối cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, thuộc địa phận xã Xuân Thạnh, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai.

Điểm cuối tại Km60+100 (qua vị trí giao cắt với QL20 tại Km69+400), thuộc địa phận xã Phú Trung, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai (kết nối với dự án đường cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc).

Căn cứ vào nhu cầu vận tải, nguồn lực hiện hữu, để đảm bảo hiệu quả đầu tư, Ban QLDA đề xuất kiến nghị, phân kỳ đầu tư giai đoạn 1 với quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 17m với vận tốc thiết kế 100 km/h.

Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án là hơn 8.365 tỷ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng, thiết bị là gần 5.000 tỷ đồng; Chi phí quản lý dự án, tư vấn, chi phí khác là hơn 595 tỷ đồng; Chi phí GPMB là hơn 1.287 tỷ đồng,…

Về nguồn vốn và phương án huy động vốn, Ban QLDA Thăng Long kiến nghị nhà nước hỗ trợ chi phí GPMB và xây dựng dự kiến trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 là 1.300 tỷ đồng; Vốn Nhà đầu tư huy động là hơn 7.000 tỷ đồng.

Nếu được chấp thuận, dự án dự kiến được chuẩn bị từ năm 2021 - 2022; Lựa chọn nhà đầu tư từ năm 2022 - 2023; Triển khai công tác GPMB, tái định cư từ năm 2022 - 2023 và thi công xây dựng công trình từ năm 2023 - 2025.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.