Hạ tầng

Đề xuất đầu tư nâng cấp tuyến Cao Lãnh - Rạch Sỏi thành cao tốc

09/03/2020, 19:09

Tổng công ty Cửu Long vừa có văn bản đề xuất Bộ GTVT phương án đầu tư nâng cấp đoạn từ Cao Lãnh - Rạch Sỏi để khai thác theo tiêu chuẩn cao tốc.

img
Tổng công ty Cửu Long đề xuất Bộ GTVT đầu tư nâng cấp đoạn từ Cao Lãnh - Rạch Sỏi để khai thác theo tiêu chuẩn cao tốc.

Trong văn bản, ông Trần Văn Thi, Tổng giám đốc Tổng công ty Cửu Long cho biết, hiện tại, mặt đường đoạn tuyến từ Cao Lãnh đến Vàm Cống đã được thảm một lớp bê tông nhựa dày 7cm. Riêng đoạn từ Lộ Tẻ đến Rạch Sỏi vẫn đang là mặt đường láng nhựa và đang chờ ổn định lún nên khi có chủ trương khai thác như cao tốc sẽ phải xem xét xét tăng cường mặt đường.

Theo dự kiến, đoạn tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi sẽ được theo dõi lún nền đường trong 1 - 2 năm, đến khi đã đạt điều kiện ổn định lún sẽ thảm mặt bê tông nhựa nhằm tăng chất lượng khai thác tuyến và giảm chi phí duy tu, bảo dưỡng tuyến đường.

Căn cứ thực trạng đầu tư xây dựng và dự báo nhu cầu giao thông vận tải trong khu vực, giai đoạn từ năm 2020 đến 2030, toàn tuyến từ Cao Lãnh đến Rạch Sỏi được Tổng công ty Cửu Long kiến nghị phân thành hai giai đoạn đầu tư khai thác.

Cụ thể, giai đoạn 1 từ năm 2020 đến năm 2023, dự án giữ nguyên hiện trạng tuyến đường được xây dựng, khai thác theo tiêu chuẩn mặt cắt ngang đường cấp 3 đồng bằng với vận tốc thiết kế 80km/h, nhưng điều tiết không cho xe hai bánh và xe thô sơ lưu thông trên tuyến chính (các phương tiện thô sơ và xe hai bánh di chuyển trên đường gom hoặc đường địa phương hiện hữu).

Đồng thời, dự án sẽ đầu tư bổ sung 5cm mặt đường bê tông nhựa cho đoạn tuyến kết nối đồng bằng Mê-kông và 12cm bê tông nhựa cho đoạn Lộ Tẻ - Rạch Sỏi sau khi đường đã ổn định lún, lắp đặt hàng rào bảo vệ, đường gom, hệ thống chiếu sáng tại các khu vực cần thiết (nút giao, cầu lớn). Tổng kinh phí khái toán của giai đoạn 1 khoảng 1.111 tỷ đồng, trong đó vốn vay ODA khoảng 48,24 triệu USD và 3,08 triệu USD vốn đối ứng.

Giai đoạn 2 từ năm 2024 đến năm 2030, dự án sẽ tiến hành nâng cấp thành 4 làn xe cao tốc có bề rộng hạn chế nhằm nâng cao năng lực vận doanh cho toàn tuyến. Tổng kinh phí khái toán cho giai đoạn 2 của dự án khoảng 2.273 tỷ đồng, dự kiến sử dụng nguồn vốn ngân sách Trung ương.

Về thủ tục pháp lý, ông Thi cho biết, đối với đoạn Cao Lãnh - Vàm Cống, hiện nay, Bộ Tài chính và Bộ KH-ĐT đã có văn bản góp ý theo đề nghị điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn đối ứng và đề xuất sử dụng vốn dư để đầu tư các hạng mục bổ sung dự án kết nối khu vực trung tâm đồng bằng Mê-kông. Tổng công ty Cửu Long kiến nghị Bộ GTVT sớm xem xét tổng hợp và hoàn tất các thủ tục báo cáo Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh chủ trương đầu tư hai dự án trên để tiếp tục thực hiện đầu tư các hạng mục bổ sung.

Đối với tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, Tổng công ty Cửu Long kiến nghị Bộ GTVT xem xét chấp thuận phương án đầu tư bê tông nhựa đoạn tuyến này vào năm 2020 (sau khi nền đường đã ổn định). Đồng thời, Bộ GTVT xem xét thống nhất báo cáo cấp thẩm quyền điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án hoàn thành vào 31/3/2022 và kéo dài thời gian hiệp định vay vốn dự án Lộ Tẻ - Rạch Sỏi đến 30/9/2023.

Được biết, đoạn tuyến Cao Lãnh - Rạch Sỏi hiện nay thuộc 2 dự án, gồm: Dự án kết nối khu vực trung tâm đồng bằng Mê-kông (dự án thành phần 1, 2, 3) đã hoàn thành công tác xây dựng và đã được đưa vào khai thác sử dụng. Còn lại, dự án Lộ Tẻ - Rạch Sỏi đang trong quá trình thi công xây dựng, dự kiến hoàn thành trong năm 2020.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.