Hạ tầng

Đề xuất đường xuyên cao ốc chưa từng có tại Việt Nam

30/12/2021, 17:55

Đơn vị nghiên cứu dự án đường trên cao Bắc - Nam đang xem xét tính khả thi của phương án đường xuyên qua cao ốc.

Ngày 30/12, công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng hạ tầng kỹ thuật TP. HCM (CII) tổ chức báo cáo đầu kỳ giai đoạn nghiên cứu tiền khả thi dự án đường trên cao Bắc - Nam từ đường Cộng Hòa (Q. Tân Bình) đến đường Nguyễn Văn Linh (Quận 7).

Theo CII, với tổng mức đầu tư dự kiến gần 30.000 tỷ đồng, các phương án đầu tư công hoặc kêu gọi ODA trong giai đoạn này gần như không có tính khả thi. Tương tự, phương án thu phí hoàn vốn 20%, ngân sách nhà nước 80% cũng khá bế tắc.

Chính vì vậy, chủ đầu tư và tư vấn đã xem xét đến phương án 3, bao gồm tăng tỷ trọng đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) lên 50% bằng cách xem xét mức giá thu phí, tìm nguồn vốn lãi suất thấp và khai thác quỹ đất trên tuyến kết hợp chỉnh trang đô thị.

img

Phối cảnh đường trên cao xuyên qua các cao ốc để tân dụng khoảng không do CII nghiên cứu

Điểm nhấn trọng tâm của phương án được dự báo là có “lối thoát” cho dự án đường Bắc-nam trên cao chính là phương án thi công đường xuyên qua các cao ốc để tận dụng khoảng không phát triển bất động sản. Phía tư vấn đã tham khảo mô hình “nhà trên đường” từ Osaka (Nhật Bản) mặc dù biết hành lang pháp lý cho mô hình này tại Việt Nam là chưa từng có tiền lệ.

Bà Nguyễn Mai Bảo Trâm, Phó tổng giám đốc CII cho biết, tuyến đường trên cao mà CII đề xuất không phải là tuyến đường mới, đây là sự kết hợp từng đoạn của 3 tuyến đường trên cao số 1, 2, 3 đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt.

Đáng chú ý rằng, trục Bắc - Nam TP.HCM hiện nay đang quá tải hạ tầng nghiêm trọng và cần được ưu tiên hơn trục Đông - Tây. Tuy nhiên, nếu dự toán theo mức giá thu phí hiện hành 35.000 đồng/1 lượt thì sau 26 năm, chỉ có thể hoàn vốn khoảng 5.000 tỷ đồng. Chính vì vậy, việc nghiên cứu tận dụng khoảng không trên tuyến Bắc - Nam để phát triển các cao ốc có thể xem xét trong giai đoạn tới.

Trước đó, như Báo Giao thông đã đưa tin, CII được UBND TP.HCM chấp thuận nghiên cứu tiền khả thi dự án đường trên cao Bắc - Nam từ đường Cộng Hòa đến đường Nguyễn Văn Linh. Dự án được thực hiện theo hình thức đối tác công tư - PPP (Hợp đồng BOT), theo quy định tại Nghị định số 35 của Chính phủ từ nguồn kinh phí của doanh nghiệp.

Trong thời hạn không quá 6 tháng kể từ ngày được giao, các sở ngành xem xét, báo cáo UBND TP quyết định các bước tiếp theo để đầu tư dự án theo đúng quy định. Thành phố giao Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở GTVT, Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Tài chính và các quận huyện, đơn vị liên quan (có tuyến đường đi qua) khẩn trương hỗ trợ, hướng dẫn công ty CII lập đề xuất dự án theo đúng quy định.

Trường hợp đề xuất dự án không khả thi, không được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt hoặc quá thời gian 6 tháng mà chưa hoàn thành đề xuất dự án xem như CII từ chối không tham gia. Khi đó, công ty CII tự chịu các chi phí đã thực hiện. Tính đến thời điểm này, còn 5 tháng để CII hoàn thiện nghiên cứu để xác định tính khả thi của dự án này.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.