Tài chính

Đề xuất hạ lãi suất tiết kiệm dần về 0%, sớm ban hành Luật Thuế Tài sản

22/06/2021, 17:09

VAFI cho rằng, để hạ lãi suất tiết kiệm dần về 0% cần ban hành Luật Thuế Tài sản, không thu thuế tiền đầu tư vào trái phiếu ngân hàng…

img

VAFI đề xuất giảm dần lãi suất tiết kiệm về 0%. Ảnh minh họa

Đề xuất kiểm soát dòng tiền nhàn rỗi

Trong văn bản ngày 22/6 gửi Thủ Tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, Ngân Hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ban Kinh tế Trung ương, Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) cho biết, nhiều nước trên thế giới trong đó có các nước trong khối ASEAN như Thái Lan, Philippines, Malaysia, Singapore cũng đang có lãi suất tiền gửi ngắn hạn đồng nội tệ 0%, lãi suất tiền gửi dài hạn từ 0,2%-0,7%/năm.

“Còn với nước ta, tiền gửi VND cho kỳ hạn ngắn hạn và trung hạn đang từ 3,5%-6,2%/năm là rất cao so với các nước nói trên, dẫn đến lãi suất cho vay gấp từ 2–3 lần. Đây là một bất lợi lớn cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cũng như đông đảo người tiêu dùng thuộc đối tượng thu nhập thấp và trung bình”, văn bản do Phó Chủ tịch Nguyễn Hoàng Hải ký nêu.

Nguyên nhân cơ bản theo VAFI là Việt Nam chưa có hệ thống giải pháp kiểm soát dòng tiền tiết kiệm và dòng tiền nhàn rỗi, để hướng nó vào các kênh đầu tư có lợi cho nền kinh tế; Đồng thời cũng ngăn chặn chảy vào các kênh không có lợi cho nền kinh tế như chảy vào thị trường bất động sản hay ngoại tệ.

VAFI cho biết, thời gian qua, Thống đốc NHNN đã có giải pháp để hạ thấp lãi suất tiền gửi tiết kiệm so với trước kia. Giải pháp này làm cho việc gửi tiền tiết kiệm không còn hấp dẫn như trước và một dòng tiền khổng lồ đổ vào thị trường chứng khoán .

Tuy nhiên, hạn chế của hạ lãi suất tiền gửi là cũng xuất hiện dòng tiền nhàn rỗi khổng lồ đổ vào thị trường bất động sản, đẩy giá đất tăng mạnh và nguy cơ gây khó khăn cho phát triển kinh tế, thu hút vốn đầu tư nước ngoài và cũng gây khó khăn cho hàng triệu người khó có khả năng mua được nhà.

“Nước ta đã có nhiều tiền đề khách quan vững chắc để hạ nhanh lãi suất tiền gửi tiết kiệm. Nhưng muốn thực hiện thì Chính phủ phải thiết lập các giải pháp để kiểm soát được dòng tiền nhàn rỗi, để điều tiết nó chảy vào các kênh đầu tư có lợi cho nền kinh tế và ngăn không cho nó chảy vào các kênh có hại cho nền kinh tế”, VAFI cho hay.

Trong cuộc họp thông tin về tình hình ngân hàng 6 tháng 2021 ngày 21/6, Ngân hàng Nhà nước cho biết cố gắng duy trì ổn định mặt bằng lãi suất cho vay và huy động, và sẽ giảm khi có điều kiện. Mặt bằng lãi suất tiền gửi và cho vay tháng 4 giảm khoảng 0,3%/năm so với cuối năm 2020.

Từ đầu năm đến nay, lãi suất của các ngân hàng, nhất là 4 ngân hàng thương mại nhà nước tiếp tục giảm. Cơ quan này cũng khẳng định, thanh khoản ngân hàng đang rất dồi dào. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước duy trì lãi suất hiện tại, khuyến khích giảm thêm lãi suất cho vay.

Đề xuất sớm ban hành Luật Thuế tài sản

Để có thể hạ lãi suất huy động dần về 0%/năm VAFI đề xuất Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương xây dựng Luật Thuế Tài sản theo hướng hạn chế mạnh dòng tiền đầu cơ chảy vào thị trường bất động sản, đồng thời kiểm soát để không cho tăng giá đất, áp dụng thu thuế tài sản lũy tiến từ căn nhà thứ hai trở đi với phương châm ban đầu có thể ở mức thấp đủ để ngăn ngừa dòng tiền đầu cơ sau đó tăng dần như thông lệ các nước.

VAFI cho rằng, giải pháp này là điều kiện tiên quyết để hạ nhanh lãi suất tiền gửi tiết kiệm.

VAFI cũng đề xuất biện pháp hướng mạnh dòng tiền nhàn rỗi chảy mạnh vào thị trường trái phiếu với lãi suất huy động thấp, ở mức dưới 2%/năm và như vậy hệ thống ngân hàng sẽ huy động được nguồn vốn khổng lồ với kỳ hạn dài để làm cơ sở cho vay trung hạn, dài hạn với lãi suất cho vay thấp dưới mức 5%/năm.

Để làm được việc này, VAFI đề nghị Bộ Tài chính cần sửa chính sách để bỏ thuế chuyển nhượng trái phiếu, thuế lợi tức trái phiếu; Tiền đầu tư vào trái phiếu do hệ thống ngân hàng phát hành không chịu thuế như tiền gửi tiết kiệm; Đồng thời thu phí tiền gửi ngoại tệ ở một mức nhất định nhằm đảm bảo chính sách tỷ giá ổn định và không làm mất cân đối kinh tế vỹ mô.

Ngoài ra, VAFI cũng đề xuất kiểm soát chặt thâm hụt ngân sách hàng năm, giảm dần nợ công để tăng cường tiềm lực tài chính quốc gia; Loại bỏ ngân hàng yếu kém, tăng cường cổ đông tổ chức, cổ đông chiến lược thật sự, hạn chế dần tình trạng ngân hàng thuộc sở hữu của 1 tập đoàn và phải ngăn ngừa tình trạng tham nhũng trong bất kỳ ngân hàng nào.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.