Đường bộ

Đề xuất hỗ trợ 5.800 tỷ đồng ngân sách cho cao tốc Gia Nghĩa-Chơn Thành

13/02/2023, 17:44

UBND tỉnh Bình Phước kiến nghị xem xét, hỗ trợ 5.800 tỷ đồng vốn ngân sách trung ương để đảm bảo nguồn vốn đầu tư cao tốc Gia Nghĩa-Chơn Thành.

UBND tỉnh Bình Phước vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT về phương án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước).

img

Dự án cao tốc Gia Nghĩa-Chơn Thành dự kiến có tổng mức đầu tư gần 25.600 tỷ đồng, dự kiến được thực hiện từ năm 2022 - 2025 - Ảnh minh họa.

Theo đề xuất, tuyến cao tốc sẽ được đầu tư với tổng chiều dài gần 130 km. Trong đó đoạn qua tỉnh Đắk Nông khoảng 27,8 km; đoạn qua tỉnh Bình Phước khoảng 101 km (gồm 2 km đường dẫn từ nút giao cuối tuyến với cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành đến đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa).

Điểm đầu dự án giao với QL14 tại Km1915+900, tỉnh Đắk Nông. Điểm cuối tại khu vực thị xã Chơn Thành, tỉnh Bình Phước.

Giai đoạn 1, dự án được phân kỳ đầu tư với quy mô 4 làn xe cao tốc hạn chế, bề rộng nền đường là 19m, cứ khoảng 2 - 2,5 km bố trí một điểm dừng xe khẩn cấp theo quy định. Riêng đoạn qua TP Đồng Xoài (Vành đai 2) là 20m do có bố trí hệ thống điện chiếu sáng ở giữa.

Giai đoạn 2, dự án sẽ được đầu tư hoàn chỉnh theo quy hoạch với 6 làn xe cao tốc, 2 làn dừng xe khẩn cấp, bề rộng nền đường là 32,25m. Riêng đoạn qua TP Đồng Xoài là 33m.

Hệ thống đường gom hai bên sẽ được đâu tư theo quy mô đường cấp 5 (mặt đường bê tông nhựa rộng 3,5m, nền đường rộng 5m) theo tiêu chuẩn đường cao tốc với tổng chiều dài dự kiến hơn 133 km.

Trong đó, đoạn qua địa bàn tỉnh Đắk Nông dài khoảng 35,6 km; đoạn qua tỉnh Bình Phước dài khoảng 98 km.

Về công tác GPMB, dự án sẽ thực hiện GPMB một lần theo quy mô mặt cắt ngang đường cao tốc giai đoạn hoàn chỉnh. Diện tích đất dự kiến thu hồi khoảng hơn 1.120 ha (tỉnh Đắk Nông khoảng hơn 257 ha, tỉnh Bình Phước khoảng hơn 863 ha).

Thep phương án trên, tổng mức đầu tư sơ bộ của dự án ước khoảng 25.571 tỷ đồng. Trong đó, chi phí GPMB khoảng 4.640 tỷ đồng; Chi phí xây dựng khoảng 15.063 tỷ đồng; Chi phí thiết bị khoảng 547 tỷ đồng; Chi phí QLDA, chi phí tư vấn, chi phí khác khoảng 937 tỷ đồng; Chi phí dự phòng khoảng 3.373 tỷ đồng; Chi phí lãi vay trong thời gian thi công khoảng 1.011 tỷ đồng.

Cơ cấu nguồn vốn dự kiến ngân sách nhà nước tham gia thực hiện dự án khoảng 9.800 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ khoảng 38%. Vốn nhà đầu tư huy động khoảng 16.000 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ khoảng 62%. Thời gian thu phí hoàn vốn của dự án khoảng 17 năm 4 tháng.

Đánh giá dự án có quy mô đầu tư lớn, trong khi ngân sách của 2 tỉnh chỉ tham gia được khoảng 4.000 tỷ đồng (Đắk Nông là 1.000 tỷ đồng; Bình Phước là 3.000 tỷ đồng), vốn liên danh nhà đầu tư đề xuất chỉ thu xếp được khoảng 16.000 tỷ đồng, để đảm bảo tính khả thi, tăng tính hấp dẫn kêu gọi đầu tư, UBND tỉnh Bình Phước cũng đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ liên quan xem xét, chấp thuận bố trí khoảng 5.800 tỷ đồng từ nguồn vượt thu ngân sách Trung ương năm 2022 tham gia hỗ trợ dự án.

“Để đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành dự án trong năm 2025, sau khi phê duyệt chủ trương đầu tư dự án, kính đề nghị Chính phủ xem xét, chấp thuận cho phép áp dụng một số cơ chế đặc thù tương tự như các dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng như: triển khai đồng thời một số công việc liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư; Cơ chế liên quan đến khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, đánh giá tác động môi trường”, UBND tỉnh Bình Phước kiến nghị.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.