Hạ tầng

Đề xuất hơn 338 tỷ đồng làm hai đơn nguyên cầu Mai Dịch

26/05/2021, 19:04

Ban QLDA Thăng Long đề xuất đầu tư xây dựng bổ sung 2 đơn nguyên cầu vượt đô thị chạy dọc cầu Mai Dịch hiện hữu.

img

Hiện trạng nút giao Mai Dịch đang khai thác (ảnh internet)

Sử dụng vốn dư từ dự án cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long

Ban QLDA Thăng Long vừa có tờ trình Bộ GTVT phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng cầu cạn đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long thuộc đường Vành đai 3 TP.Hà Nội.

Theo đó, Ban QLDA Thăng Long đề xuất đầu tư bổ sung xây dựng 2 đơn nguyên cầu đô thị chạy dọc cầu Mai Dịch hiện tại và tổ chức giao thông nút Mai Dịch vào dự án xây dựng cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long (do Ban QLDA Thăng Long làm đại diện chủ đầu tư).

Theo đề xuất của Ban QLDA Thăng Long, mỗi bên cầu vượt Mai Dịch hiện tại sẽ được xây dựng một đơn nguyên cầu đô thị rộng 7,75m gồm: 1 làn xe cơ giới (3,5m) và 1 làn xe hỗn hợp (3m), còn lại là dải an toàn và bó vỉa. Về mặt kỹ thuật, hai đơn nguyên cầu đô thị được đề xuất xây dựng là cầu vĩnh cửu kết cấu dầm thép bản mặt bê tông cốt thép liên hợp, tĩnh không dưới là 4,75m, tĩnh không đường đô thị đi trên cầu vượt là 4,5m.

Theo đại diện Ban QLDA Thăng Long, nếu được chấp thuận chủ trương đầu tư, dự kiến hạng mục bổ sung được triển khai thực hiện từ quý 2/2021 - quý 4/2024. Hiện Ban QLDA Thăng Long đã báo cáo Bộ GTVT đưa vào danh mục dự án chuyển tiếp kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và tiếp tục bố trí vốn để thực hiện dự án.

Ông Dương Viết Roãn, Giám đốc Ban QLDA Thăng Long cho biết, tổng mức đầu tư của hạng mục bổ sung xây dựng 2 đơn nguyên cầu đô thị chạy dọc cầu Mai Dịch hiện tại và tổ chức giao thông nút Mai Dịch dự kiến khoảng 338,5 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn dư của dự án cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long.

Cũng theo ông Roãn, dự án cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long được Bộ GTVT phê duyệt đầu tư tại Quyết định 2660 ngày 3/9/2013 với tổng tổng mức đầu tư 5.343 tỷ đồng. Cơ cấu nguồn vốn gồm: 4.525 tỷ đồng vốn ODA và 817,9 tỷ đồng vốn đối ứng trong nước. Công trình đã thông xe, đưa vào khai thác từ tháng 10/2020, hiện đang tổ chức thi công 6 nhánh cầu lên, xuống.

“Dự kiến khi hoàn thành 6 nhánh cầu lên xuống, tổng mức đầu tư của dự án vẫn còn dư khoảng 2.114 tỷ đồng, gồm: 1.657 tỷ đồng vốn ODA và 457 tỷ đồng vốn đối ứng trong nước. Việc dư các khoản kinh phí trên do khi triển khai, TP.Hà Nội tiến hành thực hiện xây dựng mở rộng đường Phạm Văn Đồng nên Bộ GTVT đã điều chỉnh một số yếu tố kỹ thuật từ cọc khoan nhồi bê tông cốt thép đường kính từ 1,5m xuống 1,2m; điều chỉnh cọc thép xoay sang cọc khoan nhồi bê tông cốt thép đường kính 1,2m và tiết kiệm từ đấu thầu xây lắp”, tờ trình của Ban QLDA Thăng Long nêu rõ.

Trưng dụng cầu vượt Mai Dịch hiện hữu để khai thác đường cao tốc

Thông tin thêm với Báo Giao thông, ông Phạm Anh Tú, Trưởng phòng dự án 1 - Ban QLDA Thăng Long cho biết, theo dự án được duyệt, tuyến cầu cạn trên cao (chỉ dành riêng cho phương tiện ô tô lưu thông) sẽ kết nối trực tiếp với cầu cạn Mai Dịch hiện tại và cầu vượt nút giao Mai Dịch sẽ là một phần của đường cao tốc trên cao phục vụ các dòng xe cơ giới chạy thẳng theo tuyến cầu Thanh Trì - cầu Thăng Long và ngược lại.

Sau khi tuyến đường trên cao đoạn Mai Dịch - Bắc hồ Linh Đàm hoàn thành đưa vào khai thác từ tháng 10/2012; Dự án cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long và tuyến đường Phạm Văn Đồng mở rộng ở dưới hoàn thành đưa vào khai thác từ tháng 10/2020, phạm vi nút giao Mai Dịch hình thành nút giao với 4 nhánh ra, vào đường cao tốc.

Lưu lượng phương tiện giao thông qua nút rất lớn nên thường xảy ra xung đột, dẫn đến ách tắc giao thông. Hơn nữa, cầu vượt Mai Dịch hiện nay vẫn cho phương tiện mô tô, xe gắn máy lưu thông tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông rất cao, vận tốc khai thác chỉ cho phép 60km/h.

“Việc nghiên cứu cải tạo, tổ chức giao thông nút giao Mai Dịch đồng bộ với dự án đầu tư xây dựng cầu cạn đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long theo hướng bổ sung 2 đơn nguyên cầu vượt đô thị chạy dọc hai bên cầu vượt Mai Dịch để tách các làn xe cơ giới lưu thông trong nội đô qua nút giao với các dòng xe ô tô lưu thông theo tuyến đường cao tốc trên cao đang rất cấp thiết”, ông Tú nói.

Giải thích thêm, ông Tú cho biết, khi được chấp thuận và hoàn thành đầu tư, 2 đơn nguyên cầu vượt đô thị chạy dọc hai bên cầu vượt Mai Dịch sẽ phục vụ các xe lưu thông trong nội đô, còn lại phần cầu vượt Mai Dịch sẽ được trưng dụng để khai thác tuyến cao tốc trên cao, đảm bảo cho phương tiện chạy với vận tốc 80km/h trên toàn tuyến.

Nút giao Mai Dịch hiện nay là nút giao ngã tư giữa đường Phạm Hùng - Phạm Văn Đồng với trục Xuân Thủy - Hồ Tùng Mậu. Nút giao có 1 cầu vượt (cầu vượt Mai Dịch) giao khác mức theo trục Phạm Hùng - Phạm Văn Đồng được Bộ GTVT đầu tư hoàn thành từ năm 2004 để phục vụ cho các thành phần xe cơ giới như xe ô tô, mô tô, xe gắn máy lưu thông qua nút theo hướng Phạm Hùng đi Phạm Văn Đồng và ngược lại. Các hướng ngược lại được tổ chức giao bằng kết hợp hệ thống đèn tín hiệu dưới gầm cầu vượt.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.