Đường sắt

Đề xuất lập quy hoạch chi tiết ga đường sắt để xã hội hóa đầu tư

13/01/2022, 16:48

Cục Đường sắt VN đề xuất lập quy hoạch chi tiết các ga đường sắt để quản lý đất, kêu gọi xã hội hóa đầu tư.

Cục Đường sắt VN cho biết, để triển khai thực hiện Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2050, năm 2022 Cục sẽ tổ chức lập quy hoạch chi tiết các ga đường sắt quốc gia hiện có trong đô thị, ga đầu mối đường sắt quốc gia, ga liên vận quốc tế, trình Bộ GTVT.

Mục tiêu để quản lý đất dành cho đường sắt theo quy hoạch, có kế hoạch sử dụng đất và kêu gọi xã hội hóa đầu tư.

img

Để triển khai thực hiện quy hoạch mạng lưới, cần lập quy hoạch kĩ thuật, chuyên ngành các ga đô thị, ga đầu mối, ga liên vận quốc tế... để kêu gọi xã hội hóa đầu tư. Ảnh: Ô tô vào xếp hàng ở ga liên vận quốc tế Đồng Đăng

Cùng đó Cục sẽ chủ trì, phối hợp với các doanh nghiệp kinh doanh đường sắt, các địa phương để tiếp tục giới thiệu, công bố quy hoạch tuyến đường sắt, trong đó tập trung vào các địa phương có nhu cầu, khả năng kết nối với mạng đường sắt hiện có, trung tâm logistics như: Bắc Giang, Lào Cai, Lạng Sơn, Vũng Tàu...

Để thực hiện nhiệm vụ trên, cơ quan này kiến nghị Bộ GTVT cho phép lập các quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành trong giai đoạn 2021 - 2025 để quản lý và xúc tiến đầu tư theo quy hoạch mạng lưới đường sắt được phê duyệt.

Cụ thể, Quy hoạch tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam; Quy hoạch tuyến và ga đường sắt các khu đầu mối TP. Hà Nội, TP.HCM; Quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; Quy hoạch tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ; Quy hoạch các ga đường sắt quốc gia hiện có trong đô thị, ga đầu mối đường sắt quốc gia, ga liên vận quốc tế.

Nêu lý do lập các quy hoạch này, đại diện Cục Đường sắt VN cho biết, theo Quyết định 1769/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ GTVT có nhiệm vụ tổ chức lập, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành đường sắt giai đoạn đến 2030.

Trong đó, giai đoạn này có tuyến vành đai phía Đông Hà Nội, tuyến Thủ Thiêm - Long Thành được quy hoạch tuyến mới. Riêng tuyến Thủ Thiêm - Long Thành nằm trong quy hoạch khu đầu mối TP.HCM. Tuyến này chỉ là một trong nhiều tuyến thuộc khu đầu mối TP.HCM. Tương tự, tuyến vành đai phía Đông Hà Nội cũng chỉ là một trong nhiều tuyến khu đầu mối Hà Nội.

Do đó, việc lập quy hoạch khu đầu mối Hà Nội thực tế là quy hoạch ga, điều chỉnh các tuyến thuộc khu vực này. Ví dụ: tuyến đường sắt Bắc - Nam hiện nay đoạn từ Thường Tín về ga Hà Nội sẽ phải quy hoạch lại, vì theo quy hoạch mới đoạn này chuyển thành đường sắt đô thị; Ga Ngọc Hồi sẽ là ga đầu mối, đường sắt quốc gia Bắc - Nam chỉ dừng tại đây.

“Đối với các tuyến đường sắt hiện có, không lập quy hoạch kĩ thuật, mà chỉ lập quy hoạch ga. Việc lập quy hoạch ga không chỉ để phục vụ khai thác vận tải đường sắt mà còn để xã hội hóa đầu tư.

Trong quy hoạch ga xác định rõ, phần nào phục vụ chạy tàu, phần nào có thể kêu gọi đầu tư khai thác, kinh doanh. Nhất là tại các ga đô thị, ga có quỹ đất lớn như Nha Trang, Huế, ga liên vận quốc tế có thể đầu tư khai thác kho bãi như ga Đồng Đăng...

Đối với tuyến đường sắt xây dựng mới như đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam phải lập quy hoạch cả tuyến, trong đó đã bao gồm quy hoạch các ga.”, vị đại diện này giải thích.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.