Hạ tầng

Đề xuất mở rộng dự án BOT trên đường hiện hữu, xử lý thế nào?

21/01/2021, 18:58

Việc bổ sung hạng mục vào dự án BOT đang rất cấp bách, dự án khả thi về tài chính, nếu không có cơ chế đặc thù sẽ gây lãng phí nguồn lực...

img

Cầu Xương Giang và Như Nguyệt chưa được đầu tư mở rộng khiến ùn tắc thường xuyên xảy ra tại dự án BOT QL1 Hà Nội - Bắc Giang đoạn qua khu vực hai cây cầu này

Đề xuất cho phép đầu tư bổ sung một số hạng mục vào các dự án BOT đặc thù

Vừa qua, Công ty CP BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ đề xuất cơ quan có thẩm quyền cho phép mở rộng quy mô tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ từ quy mô 6 làn hiện nay lên quy mô 8 đến 10 làn xe theo hình thức BOT.

Đề xuất này xuất phát từ việc tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ xảy ra mãn tải quá sớm so với thiết kế và phương án tài chính. Bởi, theo quy mô thiết kế, tuyến đường với quy mô 6 làn xe đáp ứng tối đa lưu lượng khoảng 92.000 PCU (xe quy đổi)/ngày đêm. Tuy nhiên, lưu lượng thực tế trong năm 2020 đã lên tới hơn 100.000 PCU/ngày đêm.

“Nếu không đầu tư mở rộng, tình trạng ách tắc, ùn ứ giao thông trên tuyến sẽ vẫn tiếp tục xảy ra, nhất là các dịp lễ tết. Tuy nhiên, theo quy định hiện hành, việc bổ sung hạng mục này vào dự án đang gặp vướng mắc do yêu cầu tại Nghị quyết 437/2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội”, đại diện nhà đầu tư chia sẻ.

Theo Bộ GTVT, trong Nghị quyết nêu rõ chủ trương không đầu tư dự án BOT trên đường hiện hữu, chỉ đầu tư dự án áp dụng hình thức BOT đối với các tuyến đường mới để bảo đảm quyền lựa chọn cho người dân. Thời gian qua, Bộ GTVT đã nghiêm túc thực hiện chủ trương nói trên, đã dừng và chuyển hình thức đầu tư của 14 dự án đầu tư trên các tuyến đường hiện hữu.

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với Báo Giao thông, đại diện Vụ Đối tác công tư (PPP - Bộ GTVT) cho biết, Bộ GTVT vừa có báo cáo gửi Ủy ban Kinh tế Quốc hội đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho phép điều chỉnh, bổ sung một số nội dung trong Nghị quyết 437 ban hành ngày 21/10/2017.

“Nghị quyết đã giải quyết triệt để tồn tại về tiêu chí và chủ trương đầu tư đối với các dự án BOT mới. Tuy nhiên, Nghị quyết chưa có điều khoản chuyển tiếp đối với các dự án BOT trên đường hiện hữu đã ký hợp đồng và thực hiện đầu tư trước ngày Nghị quyết có hiệu lực dẫn đến cách hiểu khác nhau gây khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện”, Bộ GTVT cho biết.

Theo Bộ GTVT, trong quá trình triển khai, một số địa phương đề xuất bổ sung một số hạng mục vào các dự án BOT để phát huy tối đa hiệu quả đầu tư như nút giao, cầu vượt, đường gom hoặc xuất phát từ nhu cầu vận tải cần đầu tư mở rộng một số làn xe, một số hạng mục công trình để đáp ứng nhu cầu. Tuy nhiên, việc bổ sung các hạng mục này vào các dự án lại chưa phù hợp với Nghị quyết 437 vì đồng nghĩa với tiếp tục đầu tư BOT trên đường hiện hữu.

Để tiếp tục đầu tư bổ sung các hạng mục này, Nhà nước phải bố trí ngân sách để đầu tư, tuy nhiên phương án này không khả thi trong điều kiện nguồn vốn ngân sách hạn hẹp như hiện nay. Thực tế cho thấy, từ sau khi nghị quyết 437 được ban hành, các hạng mục cần thiết phải tăng cường nâng cấp, mở rộng nêu trên vẫn chưa thể triển khai thực hiện.

Trên cơ sở đó, Bộ GTVT kiến nghị cơ quan thẩm quyền cho phép đầu tư bổ sung một số hạng mục nâng cấp, mở rộng thực sự cần thiết vào các dự án BOT đang thực hiện để tăng cường kết nối, đảm bảo nhu cầu vận tải, nâng cao an toàn giao thông và phát huy tối đa hiệu quả đầu tư của các dự án BOT.

img

Công ty CP BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ vừa đề xuất cơ quan có thẩm quyền cho phép mở rộng quy mô tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ từ quy mô 6 làn hiện nay lên quy mô 8 đến 10 làn xe theo hình thức BOT - Ảnh minh họa

Không có cơ chế "mở" sẽ gây lãng phí nguồn lực

Cũng theo đại diện Vụ PPP, nhiều dự án BOT hiện hữu có nhu cầu nâng cấp, mở rộng, bổ sung hạng mục, điển hình là mở rộng các cầu Xương Giang, Như Nguyệt thuộc dự án mở rộng QL1 đoạn Hà Nội - Bắc Giang; Mở rộng cầu Tam Kỳ thuộc dự án QL 1 đoạn qua tỉnh Quảng Nam, cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ,… Đây đều là các "điểm đen" thường xuyên gây ùn tắc giao thông.

Tuy nhiên, nếu đầu tư nâng cấp, mở rộng, bổ sung hạng mục vào dự án BOT hiện hữu sẽ vướng vào yêu cầu tại Nghị quyết 437 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đó là: Không cải tạo, nâng cấp trên đường hiện hữu theo hình thức BOT. Trường hợp triển khai thành một dự án BOT mới thì lại phải đặt trạm thu phí để hoàn vốn, gây ra tình trạng hai trạm thu phí gần nhau.

“Chẳng hạn hai cầu Xương Giang, Như Nguyệt kinh phí dự kiến khoảng 700 - 800 tỷ đồng nếu đầu tư mới theo hình thức BOT sẽ phải đặt trạm thu phí hoàn vốn đầu tư cho hai cầu này, trong khi trạm thu phí hiện tại vẫn thu phí cho dự án nâng cấp, mở rộng QL1 đoạn Hà Nội - Bắc Giang, từ đó sẽ gây bức xúc cho chủ phương tiện”, đại diện Vụ PPP dẫn chứng và cho biết, trong điều kiện ngân sách Nhà nước hạn hẹp, nhất là bối cảnh tác động của dịch Covid-19, chưa biết khi nào các hạng mục này mới có thể triển khai bằng đầu tư công.

“Đối với một số công trình có tính chất đặc thù cần có cơ chế đặc thù để triển khai đầu tư”, đại diện Vụ PPP nói và cho biết, hiện nay, có nhiều dự án rất cấp bách phải đầu tư nâng cấp mở rộng, bổ sung hạng mục, phương án tài chính dự án đảm bảo để triển khai, trong khi ngân sách Nhà nước khó khăn, nếu không có cơ chế đặc thù cho nhà đầu tư triển khai sẽ rất lãng phí nguồn lực.

Cũng theo đại diện Vụ PPP, trường hợp Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành cơ chế đặc thù đối với dự án BOT hiện hữu sẽ vừa đảm bảo nguyên tắc sự lựa chọn cho người tham gia giao thông theo Nghị quyết 437/2017, vừa tạo điều kiện để triển khai đầu tư một số công trình có tính chất cấp bách trong điều kiện nguồn ngân sách Nhà nước hạn hẹp.

Đại diện Vụ PPP cho biết thêm, việc bổ sung một số hạng mục, công trình vào dự án BOT cần cơ chế được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét thông qua phải đảm bảo các nguyên tắc: Đảm bảo hiệu quả tài chính của dự án; Đảm bảo khả năng trả nợ nguồn cung cấp tín dụng; Chủ đầu tư phối hợp với cơ quan địa phương lấy ý kiến rộng rãi, tổ chức tham vấn tạo sự đồng thuận trước khi triển khai,…

Đặc thù của việc bổ sung hạng mục công trình vào dự án BOT hiện hữu là dự án đã có nhà đầu tư nên không tổ chức thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Do đó, trách nhiệm triển khai thực hiện các hạng mục bổ sung thuộc về nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án của công trình hiện hữu.

Quy trình thực hiện thế nào?

Đại diện Vụ PPP cho biết thêm, trong trường hợp được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét thông qua cơ chế đặc thù, về quy trình thực hiện, đầu tiên, nhà đầu tư sẽ đề xuất chủ trương đầu tư; đánh giá sự cần thiết, tác động của dự án; Lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương, ngân hàng cung cấp tín dụng và các cơ quan liên quan; Tổ chức tham vấn các hiệp hội. Sau đó, nhà đầu tư trình cấp thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư và triển khai dự án theo đúng trình tự của dự án PPP.

“Trường hợp không có cơ chế đặc thù cho các dự án BOT hiện hữu, chỉ còn cách chờ ngân sách Nhà nước bố trí vốn để tiến hành đầu tư công. Trong bối cảnh ngân sách khó khăn như hiện nay, không biết bao giờ mới có thể triển khai được, một số tuyến đường tiếp tục ùn tắc, gây bức xúc cho dư luận”, đại diện Vụ PPP chia sẻ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.