Giao thông

Đề xuất nắn thẳng luồng tàu trên biển

16/09/2014, 06:57

Sau "đường bay thẳng" của hàng không, mới đây các Hội Vận tải biển Diêm Điền, An Lư, Thanh Hóa và Ninh Bình đề xuất mở "luồng chạy thẳng" trên biển cho tàu cấp thấp để tiết kiệm thời gian...

Tàu biển được phân vùng hoạt động trên cơ sở thiết kế, đóng mới ban đầu
Tàu biển được phân vùng hoạt động trên cơ sở thiết kế, đóng mới ban đầu


Từ chạy chui đến… đề xuất nắn thẳng


Từ hơn 20 năm nay, tàu biển Việt Nam được phân thành bốn cấp: Hoạt động ở vùng biển không hạn chế, vùng hạn chế I, hạn chế II và hạn chế III. Việc phân cấp này tương tự các nước: Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Trung Quốc… Ngay từ khi đóng mới, tàu thiết kế theo cấp nào, được giới hạn kỹ thuật để hoạt động trong vùng biển đó. 


Trong bốn cấp trên, tàu cấp hạn chế III là cấp thấp nhất và chỉ được hoạt động cách bờ hoặc nơi trú ẩn không quá 20 hải lý, gió không quá cấp 5. 
 

"Việc các tàu biển phân cấp vùng hạn chế III chạy theo hành trình thẳng, có những điểm cách xa bờ tới 110 hải lý là vi phạm các quy định an toàn, vi phạm chính những cam kết của chủ tàu ngay từ khi thiết kế, đóng mới và trang bị an toàn cho tàu”.

 

Ông Trần Kỳ Hình 
Cục trưởng Cục Đăng kiểm VN

Thế nhưng, hàng chục năm qua, trên cung đường biển Hải Phòng - Đà Nẵng, nhiều tàu hạn chế III thường xuyên chạy cách bờ khoảng 70-100 hải lý để đi thành “luồng thẳng”, khỏi phải đi ven theo hình chữ S của bờ biển tự nhiên nhằm tiết kiệm nhiên liệu, thời gian. 

Ông Trịnh Quốc Đạt, Chủ tịch Hội Vận tải biển Diêm Điền cho biết: “Hội Vận tải biển Diêm Điền có hơn 200 tàu, trong đó 70% chạy tuyến nội địa. Trên cung đường Hải Phòng - Đà Nẵng, các tàu đều chạy không theo giới hạn cách bờ 20 hải lý mà chạy cắt thẳng. Hành trình thẳng này giúp tiết kiệm được 10 giờ (hai chiều), 72 hải lý và được khoảng 400 tỷ đồng mỗi năm”. 


Ông Đạt cũng cho biết thêm, các tàu đi vượt tuyến quanh năm, riêng mùa gió Đông Bắc, biển động mạnh, các tàu nếu đi từ Đà Nẵng ra sẽ đón gió và trú ẩn tại Cù Lao Chàm hoặc Cồn Cỏ. Tàu chạy vượt tuyến mang lại lợi ích cho các chủ tàu, nhưng cũng bất lợi vì cơ quan bảo hiểm không đồng ý bồi thường cho tàu bị tai nạn, sự cố xảy ra ở phạm vi quá bờ 20 hải lý. Vì thế, Hội Vận tải biển Diêm Điền kiến nghị sửa quy chuẩn kỹ thuật (giới hạn 20 hải lý) hoặc sửa quy tắc bảo hiểm.


Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Giám đốc Công ty TNHH Vận tải Hương Hưng (Thái Bình) cũng đồng quan điểm trên. Ông Hùng ví luồng chạy thẳng trên biển cũng giống như “đường bay thẳng” hàng không mà Bộ GTVT đang nghiên cứu để nắn thẳng và cho rằng nên cho phép chạy cách bờ 50 hải lý.
 

img

Vẫn nhiều ý kiến trái chiều


Khi được hỏi vì sao không kiến nghị thay đổi quy chuẩn đối với các cấp tàu khác, ông Trịnh Quốc Đạt cho biết: “Bức xúc nhất vẫn là tàu hạn chế III, vì quy phạm kỹ thuật đã lạc hậu”. 


Tuy nhiên, xung quanh đề xuất trên, khá nhiều ý kiến không đồng tình vì lo ngại mất an toàn cho phương tiện, thuyền viên. Một cán bộ làm công tác an toàn hàng hải của Tổng công ty Hàng hải VN (đề nghị không nêu tên) cho rằng, đề xuất “luồng chạy thẳng” trên hoàn toàn khác với “đường bay thẳng” vì tàu hạn chế III có trang thiết bị an toàn kém hơn các loại khác, nên tính rủi ro trong mùa gió Đông Bắc rất cao, nhất là đối với tính mạng thuyền viên. Hơn nữa, thông lệ quốc tế cũng đã phân cấp tàu, ngay từ khi thiết kế đã xác định tàu nào chạy trong vùng biển nào, vùng biển nào thì đóng tàu đó. 


Trong khi đó, Hiệp hội Chủ tàu VN cho rằng, tàu biển được trang bị để chạy tuyến biển xa, khi gặp thời tiết xấu thuyền trưởng cũng phải tìm cách chạy gần bờ nhất để tránh rủi ro. Tàu không được trang bị kỹ thuật phù hợp mà lại hoạt động tuyến biển xa thì quá nguy hiểm. 


Ông Đỗ Xuân Quỳnh, Tổng thư ký Hiệp hội Tàu biển VN cho biết: “Theo chúng tôi, nếu những quy định của Cục Đăng kiểm VN đã dựa trên các tiêu chuẩn kỹ thuật của các tổ chức phân cấp tàu biển quốc tế thì đó là quy định chuẩn mực. Không thể vì lợi ích kinh tế trước mắt mà sửa đổi quy định này”.


Về phía Cục Đăng kiểm VN, ông Trần Kỳ Hình, Cục trưởng cho biết, lý do tàu biển hạn chế III chỉ được chạy cách bờ tối đa 20 hải lý vì ngay từ khi thiết kế đã được dựa trên điều kiện sóng gió để giảm yêu cầu về kết cấu thân tàu, trang thiết bị an toàn và cứu hộ thấp hơn so với các cấp tàu khác. Chẳng hạn, sức bền, kết cấu giảm 10% so với tàu hạn chế II; Các trang bị cho hệ thống máy tàu như máy phát điện, bơm dầu bôi trơn, nén khí… chỉ có 1 thay vì 2 chiếc; Miễn giảm trang thiết bị cứu sinh (ví dụ không yêu cầu phao bè). Do đó, đầu tư đóng mới tàu hạn chế III ít hơn so với tàu cùng kích cỡ nhưng có cấp cao hơn, trong khi lại được phép chở nhiều hàng hơn. Mới đây, Cục Đăng kiểm VN cũng đã gửi văn bản đề nghị Hiệp hội Bảo hiểm, khí tượng biển, Cục Hàng hải VN và các hiệp hội trên đề nghị cung cấp thông tin khí hậu vùng vịnh Bắc Bộ, tai nạn, sự cố liên quan đến tàu hạn chế III để làm cơ sở đánh giá thực tế.

Huy Lộc
 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.