Xã hội

Đề xuất phạt 100 triệu, tước bằng vĩnh viễn lái xe uống rượu bia gây TNGT

23/05/2019, 11:10

ĐBQH đề xuất phạt tiền đến 100 triệu, tước bằng vĩnh viễn với lái xe uống rượu bia gây TNGT mà chưa đến mức truy tố.

img
Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia

Không kiểm soát rượu bia, ai cũng có thể trở thành nạn nhân, thậm chí thành tội phạm

Sáng 23/5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Chiều 17/5, tại cuộc họp báo thông tin giới thiệu chương trình kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cho biết: Trước tình hình lái xe sử dụng bia rượu gây ra nhiều vụ tai nạn thương tâm, nhiều ý kiến cho rằng hình phạt đối với hành vi vi phạm nồng độ cồn hiện vẫn còn nhẹ, không đủ sức răn đe… Một số đại biểu Quốc hội đã đề nghị Quốc hội nên ra nghị quyết đề kịp thời xử lý, trong khi chưa kịp sửa các luật liên quan.

“Quốc hội sẽ bàn và có thể ra nghị quyết chung hoặc riêng nhằm trước mắt hạn chế ngay việc vi phạm nồng độ cồn khi lái xe nói riêng và vi phạm trật tự an toàn giao thông nói chung”, ông Phúc nói.

Trước đó, trong Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, tại kỳ họp trước, một số đại biểu đề nghị cân nhắc quy định cấm bán rượu, bia trên internet vì không khả thi, chưa phù hợp với thông lệ quốc tế và xu thế phát triển thương mại điện tử; tạo rào cản phát triển của các doanh nghiệp, làm mất quyền được thông tin của người tiêu dùng.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu ý kiến này và chỉnh lý theo hướng, dự Luật không cấm bán rượu, bia trên internet mà chỉ quy định điều kiện bán theo hình thức thương mại điện tử.

Dự Luật cũng được chỉnh lý theo hướng chỉ cấm quảng cáo rượu từ 15 độ cồn trở lên; cấm khuyến mại hoặc sử dụng rượu, bia để khuyến mại cho người chưa đủ 18 tuổi và cấm sử dụng rượu từ 15 độ trở lên để khuyến mại dưới mọi hình thức.

Tổ chức, cá nhân khuyến mại rượu, bia dưới 15 độ cồn phải tuân thủ các quy định pháp luật liên quan; truyền hình không được quảng cáo rượu, bia dưới 15 độ cồn từ 19h đến 20h hằng ngày.

Một số ý kiến đề nghị nghiên cứu quy định về phòng ngừa tai nạn giao thông liên quan đến sử dụng rượu, bia thống nhất với Luật Giao thông đường bộ, Luật Giao thông đường thủy nội địa; quy định nhằm phát huy trách nhiệm của các chủ thể liên quan trong phòng, chống tác hại của rượu, bia khi tham gia giao thông.

Tiếp thu ý kiến đại biểu, khoản 8 Điều 5 về hành vi bị nghiêm cấm và Điều 21 về phòng ngừa tai nạn giao thông liên quan đến sử dụng rượu, bia của dự thảo Luật đã được chỉnh lý.

Bên cạnh đó, Điều 21 của dự thảo Luật cũng đã quy định: Người điều khiển phương tiện giao thông không uống rượu, bia ngay trước và trong khi tham gia giao thông.

Cơ quan, người có thẩm quyền chủ động kiểm tra nồng độ cồn trong máu và khí thở của người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đang tham gia giao thông, người bị thương tích do tai nạn giao thông để phòng ngừa hoặc xác định nguyên nhân và xử lý vi phạm pháp luật về an toàn giao thông.

Người đứng đầu cơ sở kinh doanh vận tải, chủ phương tiện giao thông vận tải có trách nhiệm thực hiện các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn người điều khiển phương tiện vận tải của cơ sở sử dụng rượu, bia trước khi tham gia giao thông.

Thống nhất về sự cần thiết phải ban hành Luật tại kỳ họp này, ĐB Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) nhấn mạnh: "Tôi nghĩ mình không cần phải dẫn chứng cụ thể từng vụ việc thương tâm, từng câu chuyện nhức nhối từ TNGT, bạo lực gia đình hay xâm hại tình dục do tác hại rượu bia đã gây ra.

Nếu đặt mình vào từng gia cảnh, từng thân phận con người đang đối mặt với những mất mát đau thương, kể cả những người vì rượu bia mà vướng vào vòng lao lý, chúng ta sẽ hiểu được nỗi đau hay bản án lương tâm mà họ đang phải trải qua mỗi ngày. Điều này cũng góp phần làm sâu sắc nhận định nếu dùng rượu bia mà không thể kiểm soát những tác hại của nó thì bất kỳ ai cũng có nguy cơ trở thành nạn nhân, thậm chí là trở thành tội phạm”.

Đề xuất phạt tiền thật nặng, tước bằng vĩnh viễn

Khẳng định dư luận xã hội đang rất bức xúc chuyện lái xe uống rượu bia gây tai nạn, ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho rằng việc Quốc hội thông qua Luật chống tác hại của rượu, bia sẽ được người dân hết sức ủng hộ.

Để tăng tính răn đe, tăng hiệu lực, hiệu quả của dự thảo Luật, ĐB Phương cho rằng Điều 28 của dự thảo Luật đã quy định rõ: cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Việc phát hiện vi phạm hành chính về phòng, chống tác hại của rượu, bia được áp dụng các phương tiện, thiết bị kỹ thuật, nghiệp vụ, bảo đảm xử lý kịp thời, triệt để. Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Tuy nhiên, ĐB Phương cũng đề nghị bổ sung hình thức xử phạt kỷ luật, từ xử phạt hành chính đến phê bình, khiển trách, buộc thôi việc hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

“Mức xử phạt hành chính khi uống rượu bia gây tai nạn hoặc vi phạm các điều khoản khác nhưng chưa đến mức truy tố thì tịch thu bằng lái xe từ 1- 5 năm, thậm chí tịch thu bằng vĩnh viễn, phạt tiền từ 20- 100 triệu”, ĐB Phương kiến nghị.

Trong khi đó, ĐB Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) nêu ý kiến, về thiết kế nội dung giáo dục chống tác hại rượu bia, nên thiết kế thêm nội dung này trong chương trình đào tạo, của học sinh phổ thông, chẳng hạn như chuyên đề không uống rượu bia khi lái xe.

"Rất hoan nghênh dự thảo Luật đã có quy định “Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm xây dựng nội dung và tổ chức việc đào tạo về phòng, chống tác hại của rượu, bia trong chương trình đào tạo cấp giấy phép lái xe”, bà Lan nhận xét và cho rằng, các hành vi nghiêm cấm cần mạnh mẽ và nhất quán hơn.

Ngoài ra, chế tài khi lạm dụng rượu bia lái xe, bạo lực, xâm hại tình dục, gây rối trật tự…, không nên dừng ở mức phạt tiền, thu GPLX, tạm giữ phương tiện mà cần bổ sung hình thức khác như lao động công ích, tăng phí bảo hiểm phương tiện, quy định tăng nặng với các trường hợp tái phạm, tạm giam ngay người và xe nếu thực sự nguy hiểm...

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.