Kinh tế

Đề xuất phương án tính tiền lương lũy tiến theo giờ làm thêm

15/05/2019, 08:15

Ngày 14/5, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức hội thảo góp ý dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) từ cộng đồng doanh nghiệp.

img
Bộ LĐTB&XH sẽ đưa vào dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) đề xuất tính tiền lương lũy tiến khi làm thêm giờ. Ảnh: K.Linh

Liên quan tới quy định thời gian làm thêm, ông Bùi Sĩ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, Bộ LĐTB&XH không quy định về thời gian làm việc tối đa, sẽ nới giờ làm việc cho một số ngành nghề phù hợp như dệt may, da giày, thủy sản, điện tử... cá biệt giờ làm thêm có thể lên đến 400 giờ. Mục tiêu của tăng giờ làm thêm nhằm đáp ứng nhu cầu của cả doanh nghiệp và người lao động, vì hiện tại lương cơ bản còn thấp và thu nhập của phần lớn người lao động không đủ sống.

“Dựa trên tinh thần tăng lương, giảm giờ làm nên đối với tất cả các trường hợp làm thêm giờ, người lao động sẽ được trả lương cao hơn và đây là vấn đề do thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động”, ông Lợi phân tích.

Trước nhận định trên, ông Mai Đức Thiện, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ LĐTB&XH) cho biết trong dự thảo lần tới sẽ đưa vào đề xuất phương án tiền lương lũy tiến để đảm bảo giá trị sức lao động bỏ ra trong thời gian làm thêm giờ sẽ đáp ứng được nhu cầu của người lao động và chủ doanh nghiệp.

Về thời gian nghỉ Tết Âm lịch, ông Thiện cho biết, dự thảo sửa đổi đang đưa ra 2 phương án để lấy ý kiến dư luận xã hội. Phương án 1, giữ nguyên quy định hiện hành: Người lao động được nghỉ 5 ngày Tết Âm lịch, nếu ngày nghỉ Tết Âm lịch trùng với ngày nghỉ hàng tuần thì được nghỉ bù vào ngày kế tiếp. Phương án 2 đề xuất sửa đổi quy định nghỉ Tết âm lịch với bỏ hoán đổi và nghỉ bù vì hiện có nhiều ý kiến nghỉ Tết Âm lịch của Việt Nam lệch với thế giới, thời gian nghỉ lại quá dài. Điều này ảnh hưởng tới công việc và các đơn hàng xuất khẩu.

Tuy nhiên, ông Bùi Sĩ Lợi cho rằng, phương án nghỉ Tết Âm lịch hiện đang ổn định, không nên sửa đổi. Đồng quan điểm, bà Đỗ Thị Thúy Hương, đại diện Hiệp hội Điện tử Việt Nam cho biết: “Doanh nghiệp ngành điện tử tập trung đông lao động tại một vài địa phương. Do đó khi nghỉ Tết, người lao động từ nơi làm việc cần một khoảng thời gian di chuyển về gia đình. Việc quy định ngày nghỉ Tết Nguyên đán ngắn quá sẽ khó đảm bảo được lịch nghỉ trọn vẹn”.

Bà Đào Thị Thu Huyền, Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam cho rằng, thời gian nghỉ Tết gồm cả nghỉ bù kéo dài khoảng 7 ngày là phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội và người lao động. “Quy định về ngày nghỉ bù trong dịp Tết Nguyên đán là phù hợp. Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đang có trụ sở ở các khu công nghiệp tập trung lao động. Việc đi lại cũng cần có thời gian, đặc biệt là những lao động có quê xa nơi làm việc”, bà Huyền nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.