Xã hội

Đề xuất tàu du lịch, sân golf ở hồ Tây: Có vướng tàu "ma" án ngữ 6 năm qua?

27/03/2023, 13:26

Nhiều ý kiến băn khoăn trước đề xuất cho phép tàu du lịch, sân golf hoạt động trên hồ Tây vì hiện còn tàu "ma" ở đây 6 năm qua vẫn chưa di dời.

Những tàu "ma" trên hồ Tây xử lý thế nào?

UBND TP Hà Nội đang lấy ý kiến dự thảo quy định quản lý hồ Tây, đề xuất 12 loại hình dịch vụ được phép hoạt động là kinh doanh tàu du lịch, thuyền, xuồng canô, xe đạp nước trên hồ; vận chuyển hành khách bằng phương tiện thủy; dịch vụ bơi thuyền (gồm chèo thuyền sup, kayak, peritxia, thuyền rồng, thuyền truyền thống); hoạt động thuyền lướt ván, thuyền buồm; bơi lặn.

TP Hà Nội cũng muốn phát triển ở hồ Tây dịch vụ du lịch văn hóa, nghệ thuật biểu diễn, thể thao; biểu diễn nhạc nước; khinh khí cầu; bay dù lượn; kinh doanh sân tập golf nước trên hồ.

Đề xuất này khiến nhiều người dân băn khoăn: Nếu hàng loạt dịch vụ trên hồ Tây được triển khai, thì có vướng những con tàu "ma" còn án ngữ tại hồ Tây suốt 6 năm qua hay không?

img

Những chiếc tàu "ma" nằm chình ình ở hồ Tây suốt 6 năm qua

Năm 2017, UBND TP Hà Nội đã ban hành thông báo chỉ đạo chấm dứt toàn bộ hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh trong phạm vi quản lý hồ Tây vì không bảo đảm các điều kiện về vệ sinh môi trường; phòng cháy, chữa cháy; kiểm định phương tiện... UBND TP Hà Nội yêu cầu tháo dỡ, di dời triệt để các phương tiện ra khỏi hồ. Sau đó, 143/147 phương tiện đã được di dời.

Đến cuối năm 2022, UBND quận Tây Hồ ban hành các quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả, buộc thanh thải tài sản, trục vớt tàu đối với Công ty CP nhà nổi hồ Tây và Công ty CP sông Potomac, nhưng các doanh nghiệp này không thực hiện.

Để bảo đảm cơ sở pháp lý, quận Tây Hồ đã có văn bản gửi Sở GTVT, Sở Tư pháp Hà Nội, đề nghị cho ý kiến thẩm định phương án, biện pháp cưỡng chế phá dỡ bằng cách cắt tàu thành từng phần nhỏ để cẩu lên bờ, đưa đến điểm tập kết…

Ghi nhận của Báo Giao thông những ngày cuối tháng 3, hiện vẫn còn 4/147 tàu du lịch án ngữ trên hồ Tây. Do bị bỏ hoang nhiều năm nên những khối sắt này đang hoen gỉ, có dấu hiệu xuống cấp nghiêm trọng.

Đại diện UBND quận Tây Hồ cho biết, do 4 phương tiện vẫn tồn tại trên hồ Tây có tải trọng và kích thước rất lớn nên chưa được di dời theo chỉ đạo của thành phố. Tuy nhiên, việc di dời 4 phương tiện này ra khỏi hồ Tây là bắt buộc bởi những tàu này không đủ điều kiện để kinh doanh. Khi những chiếc tàu "ma" được di dời sớm sẽ không gây ảnh hưởng đến kế hoạch quản lý hồ Tây mà UBND thành phố đang lấy ý kiến.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, một cán bộ phường Nhật Tân (quận Tây Hồ) cho biết, theo kế hoạch thì trong quý I/2023 sẽ tiến hành cưỡng chế những chiếc tàu này nhưng do một số nguyên nhân đến nay chưa thể thực hiện.

"Quận đang giao cho phường thực hiện các thủ tục liên quan, xin ý kiến các sở, ban ngành để chặt chẽ về pháp lý, tránh khiếu nại, khiếu kiện sau này", vị cán bộ phường Nhật Tân cho hay.

Cũng theo vị cán bộ này, dự kiến cuối tháng 4 tới sẽ tiến hành cưỡng chế những chiếc tàu "ma" trên hồ Tây. Mọi chi phí về cưỡng chế sẽ do những chủ con tàu này chi trả, kinh phí quận chỉ ứng ra trước.

Còn ý kiến băn khoăn

Trước đề xuất của UBND TP Hà Nội về việc mở 1 loạt hoạt động trên hồ Tây, giao quận Tây Hồ sẽ là đầu mối quản lý, cấp phép sử dụng không gian mặt hồ, đại diện UBND quận Tây Hồ cho biết, đây cũng là cơ sở để UBND quận tổ chức quy hoạch, quản lý, bảo tồn, khai thác phát huy giá trị của hồ Tây thực sự hiệu quả trong thời gian tới.

"Quận sẵn sàng thực hiện các chỉ đạo của UBND thành phố khi kế hoạch được phê duyệt. Để chuẩn bị cho việc tiếp nhận quản lý hiệu quả hồ Tây, UBND quận Tây Hồ đã mời Viện Kinh tế Việt Nam - Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam xây dựng Đề án "Quy hoạch, quản lý, bảo tồn, khai thác phát huy giá trị của hồ Tây và vùng phụ cận theo định hướng phát triển của Thủ đô "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại" trình UBND TP Hà Nội phê duyệt", vị đại diện cho hay.

img

Lực lượng chức năng lùi thời gian cưỡng chế những chiếc tàu "ma" trên hồ Tây

Không ít ý kiến đồng tình với chủ trương phát triển một số dịch vụ trên hồ Tây để đem lại sức hút, nguồn thu cho thắng cảnh nổi tiếng này. Tuy nhiên, phải làm sao để hồ lớn nhất Hà Nội không bị ô nhiễm, cảnh quan được giữ gìn.

"Việc cho phép quá nhiều loại hình kinh doanh trên hồ Tây sẽ tạo ra sự lộn xộn về cảnh quan, từ đó có thể mất đi giá trị vốn có của hồ lớn nhất Thủ đô. Đồng ý với việc khai thác lợi ích kinh tế, nhưng chỉ nên cho phép một số loại hình mà không ảnh hưởng đến cảnh quan của hồ", anh Hoàn, người dân phường Xuân La (quận Tây Hồ) cho hay.

Chị Nguyễn Thị Thanh (phường Yên Phụ, quận Tây Hồ) cũng cho rằng, vấn đề môi trường của hồ Tây luôn được người dân không chỉ Thủ đô Hà Nội quan tâm mà dư luận cả nước cũng chú ý.

"Nếu cho phép 12 loại hình dịch vụ, đặc biệt là kinh doanh tàu du lịch thì tôi lo ngại hồ Tây sẽ bị ảnh hưởng rác thải phát sinh từ những hoạt động kinh doanh này gây ra", chị Thanh cho biết.

img

Hà Nội đề xuất cho phép kinh doanh tàu du lịch, sân tập golf trên hồ Tây

TS. Bùi Thị An - nguyên Đại biểu Quốc hội, Viện trưởng Viện Tài nguyên, môi trường và phát triển cộng đồng cho rằng, việc giữ gìn những hồ, ao để bảo vệ môi trường đồng thời khai thác những nguồn lợi về kinh tế là cần thiết, nhưng phải cân nhắc thật kỹ lưỡng.

"Hồ Tây là hồ lớn nhất ở Thủ đô, là lá phổi của Hà Nội, nên việc bảo vệ môi trường cảnh quan cho hồ Tây là việc làm không chỉ riêng cho quận Tây Hồ mà còn chung cho cả Hà Nội và vùng lân cận. Chính vì thế cần phải hết sức thận trọng trong việc cho phép kinh doanh ở đây", bà An nói.

img

Có ý kiến lo ngại về vấn đề môi trường nếu 12 loại hình dịch vụ được phép hoạt động ở hồ Tây

Đặc biệt, bà An lưu ý, năm 2017, TP Hà Nội đã quyết định ngừng khai thác tàu du lịch trên hồ Tây. Hiện nay nếu cho mở lại thì cần phải đánh giá mặt ưu điểm và tồn tại nếu mở lại loại hình dịch vụ này.

"Sau 6 năm không cho loại hình tàu du lịch hoạt động trên hồ thì được cái gì và mặt tồn tại là gì, cần phải đánh giá lại trước khi có những quyết định mới. Và cần phải có nghiên cứu thật kỹ về tác động của 12 loại hình dịch vụ định mở đối với hệ sinh thái, môi trường và xã hội của hồ Tây", bà An cho hay.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.