Quản lý

Đề xuất ưu đãi thuế kích cầu đường thủy

07/07/2020, 10:02

Cần có những giải pháp toàn diện, đầu tư trọng tâm để tăng khả năng cạnh tranh, kết nối của hệ thống đường thủy.

img
Phương tiện thủy bốc xếp hàng tại cảng thủy trên tuyến sông quốc gia thuộc địa bàn quản lý của Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực I

Sau dịch Covid-19, hoạt động kinh doanh đường thủy dần được hồi phục, song cần có những giải pháp toàn diện, đầu tư trọng tâm để tăng khả năng cạnh tranh, kết nối của hệ thống đường thủy.

Vận tải khách khó khăn, hàng hóa dần hồi phục

Từ tháng 5/2020 đến nay, sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, dù vận tải thủy được phép hoạt động trở lại, nhưng đội tàu 3 chiếc, sức chở 40 - 150 khách của Xí nghiệp đầu tư và Phát triển du lịch sông Hồng “độc quyền” phục vụ du lịch sông Hồng tuyến Hà Nội - Hưng Yên mới đón được một đoàn khách... 15 người. Trong nhiều tháng qua, tàu chủ yếu phải nằm bờ vì không có khách.

Chia sẻ với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Chí Thành, Giám đốc Xí nghiệp cho biết: “Chúng tôi đã tìm nhiều kênh tiếp thị, quảng bá dịch vụ nhưng vẫn không có khách. Cứ thế này, việc làm, đời sống của người lao động gặp rất nhiều khó khăn, không rõ từ nay đến cuối năm ra sao”.

Tại khu du lịch hồ thủy điện Hòa Bình, hơn 60 tàu du lịch cũng chỉ lác đác vài khách đến vào ngày cuối tuần. “Khi các tàu hoạt động trở lại thì lại hết mùa lễ hội, du lịch nên rất vắng khách. Giờ mỗi tuần chỉ khoảng 30 - 40 lượt tàu hoạt động. Cả tàu và cảng đều khó khăn nhưng cảng vẫn thực hiện giảm 50% giá dịch vụ tàu vào đón, trả khách, đồng thời giảm phí vệ sinh môi trường đến hết năm 2020 để chia sẻ với bà con”, lãnh đạo cảng cho biết.

Ông Phạm Hồng Sơn, Trưởng đại diện Cảng vụ đường thủy Hòa Bình cho biết, ngoài cảng trên, khu vực lòng hồ còn có một bến khác với số lượng tàu nhiều hơn đã hoạt động trở lại nhưng hiện mỗi tuần chỉ có vài ba chuyến. “Những năm trước, mỗi năm có vài chuyến tàu du lịch từ Hạ Long đi dọc các sông và cập bến ở sông Đà, Hòa Bình để tham quan. Nhưng năm nay hãng du lịch trên chưa thông báo có chuyến tàu nào sẽ đến”, ông Sơn cho biết thêm.

Tìm hiểu của PV, không chỉ đội tàu ở các điểm du lịch thủy nội địa vắng khách, mà ngay cả tại khu vực trọng điểm du lịch thủy như: vịnh Hạ Long, Cát Bà... cũng giảm sút sản lượng do chưa có nguồn khách du lịch nước ngoài, trong khi khách trong nước không cao. “Năm trước chúng tôi có 3 tàu du lịch hoạt động quanh năm, sang năm nay sau đợt dịch Covid-19 mới chỉ khai thác một chiếc, lượng khách chỉ bằng 30 - 40% so với năm trước”, ông Phạm Văn Phả, Giám đốc Công ty CP Quản lý đường sông số 3 cho biết.

Đối với vận tải hàng hóa, trong thời gian cách ly xã hội để phòng chống dịch Covid-19 vẫn được hoạt động, vì vậy đang có sự phục hồi tốt hơn. Đại diện các đơn vị cảng vụ đường thủy khu vực Bắc Ninh, Hà Nội, Phú Thọ cho biết, thời gian qua không có cảng, bến nào tạm đóng cửa và vẫn tiếp nhập, bốc xếp hàng hóa theo kế hoạch. “Chỉ mặt hàng cát xây dựng bị giảm mạnh do các cơ quan quản lý siết chặt việc khai thác, các mặt hàng như than, xi măng, thép chỉ giảm nhẹ. Tháng 4/2020, sản lượng hàng hóa thông qua cảng, bến ở khu vực do đơn vị quản lý đạt 5,1 triệu tấn, sang tháng 5/2020 đạt 4,7 triệu tấn; so với cùng kỳ năm trước không giảm. Đội tàu VR-SB hoạt động vẫn ổn định, thậm chí có thời điểm hàng hóa phải chờ tàu”, ông Văn Trọng Dũng, Giám đốc cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực I (Hải Phòng) thông tin.

Đề xuất ưu đãi thuế, bố trí vốn để gỡ các điểm nghẽn

Ông Phan Văn Duy, Phó cục trưởng Cục Đường thủy nội địa VN cho biết, sau thời gian thực hiện cách ly xã hội để phòng chống dịch Covid-19, lãnh đạo Cục đã tổ chức đối thoại trực tiếp với các doanh nghiệp đường thủy, nhất là lĩnh vực kinh doanh cảng, bến và vận tải thủy, vận tải ven biển để nắm bắt khó khăn của doanh nghiệp. “Lĩnh vực vận tải thủy đang gặp khó khăn trong kết nối với cảng biển, cảng cạn và trung tâm hàng hóa; một số tuyến vận tải thủy chính còn điểm nghẽn về hạ tầng như: cầu Đuống trên hành lang vận tải số 1, cầu Măng Thít, Nàng Hai, kênh Chợ Gạo...”, ông Duy thông tin.

Cũng theo ông Duy, hiện thủ tục và thời gian thông quan hàng hóa bằng đường thủy qua biên giới Campuchia vẫn chưa thuận lợi cho doanh nghiệp vận tải trong nước; doanh nghiệp vừa và nhỏ kinh doanh vận tải container khó tiếp cận vốn vay đóng mới phương tiện... “Trên cơ sở kiến nghị của doanh nghiệp và tình hình thực tế, Cục kiến nghị Bộ GTVT đề xuất Thủ tướng ban hành chỉ thị về giải pháp thúc đẩy phát triển vận tải thủy nội địa và vận tải ven biển bằng phương tiện thủy, thúc đẩy phát triển đường thủy đồng bộ”, ông Duy nói.

Đại diện Cục Đường thủy nội địa VN cũng cho biết, một trong những giải pháp cụ thể là đề xuất Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì bố trí nguồn vốn để tháo gỡ những điểm nghẽn hạ tầng, nút thắt giao thông đường thủy. Bộ Tài chính quyết định áp dụng thuế suất, thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong 15 năm đối với doanh nghiệp vận tải container bằng đường thủy; UBND cấp tỉnh ưu tiên quỹ đất và đơn giản hóa thủ tục hành chính để tạo điều kiện thuận lợi đầu tư xây dựng cảng thủy bốc dỡ container, cơ sở đóng phương tiện thủy. Đề nghị một số địa phương miễn phí sử dụng hạ tầng, tiện ích công cộng tại khu vực cảng biển đối với hàng hóa được vận chuyển bằng phương tiện thủy; miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước để phát triển bến thủy hành khách.

Theo Cục Đường thủy nội địa VN, trong tháng 5/2020 sản lượng vận tải thủy, sản lượng trong 5 tháng đầu năm 2020 sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, vận tải khách đạt 72 triệu lượt khách, giảm 10,4%, vận tải hàng hóa đạt 117,4 triệu tấn, giảm 6,6%. Vì vậy, để “kích cầu” phát triển vận tải thủy cần có sự chung tay của các bộ, ngành, địa phương nhằm thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp phát triển đường thủy từ hạ tầng, đội phương tiện thủy, cụ thể cơ chế ưu đãi doanh nghiệp, kết nối với đường thủy...

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.