Bóng đá

Đề xuất V-League 2020 không có đội xuống hạng khó khả thi

06/04/2020, 07:39

Ý tưởng V-League 2020 không có đội xuống hạng không dễ đưa vào thực tế bởi nhiều vấn đề vướng mắc.

img
V-League 2020 chưa hẹn ngày trở lại (Trong ảnh: Cầu thủ CLB TP HCM và CLB Thanh Hóa tranh bóng trong trận đấu tại vòng 2 V-League 2020)

4 CLB tại V-League 2020 đề xuất ý tưởng mùa giải năm nay không có đội xuống hạng. Tuy nhiên, ý tưởng này không dễ đưa vào thực tế bởi nhiều vấn đề vướng mắc.

Vì sao 4 đội đề xuất không có suất xuống hạng?

Trong cuộc họp giữa Công ty CP Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) và các đội bóng dự V-League 2020 diễn ra tuần trước, 4 CLB đưa đề xuất mùa giải năm nay không có suất xuống hạng. Số này gồm: SHB Đà Nẵng, DNH Nam Định, Hồng Lĩnh Hà Tĩnh và SLNA.

Cả 4 CLB vừa nêu đều có chung lý lẽ, nếu không xuống hạng, họ có thể cắt hợp đồng với ngoại binh, qua đó giảm gánh nặng về tài chính trong bối cảnh khó khăn. Bên cạnh đó, do phải nghỉ quá dài, các kế hoạch đảo lộn nên nếu đề xuất trên được thông qua, các CLB sẽ không chịu áp lực quá lớn khi giải đấu trở lại.

Trong lịch sử bóng đá Việt Nam, chưa mùa giải nào hạng đấu cao nhất diễn ra mà không có đội xuống hạng. Điều này nếu diễn ra sẽ đi ngược với quy luật bóng đá chuyên nghiệp. Điểm hạn chế của ý tưởng này là V-League 2020 sẽ giảm tính cạnh tranh.

Theo ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch CLB Thanh Hóa, cuộc đua chỉ diễn ra ở nhóm đầu, với khoảng 4-5 cái tên giàu thực lực, phần còn lại dễ rơi vào tình trạng đá hời hợt cho xong. Thực tế, ở những mùa giải gần đây, việc các đội bóng đã chắc suất trụ hạng chơi thiếu lửa không phải chuyện hiếm. Từ đây, các tuyển thủ quốc gia khó lòng đạt phong độ cao trước khi lên tuyển.

Bình luận viên Vũ Quang Huy cho rằng, đá như vậy là không nên bởi V-League vốn đã chưa thực sự hấp dẫn. “Vài năm gần đây, người hâm mộ đã hài lòng và có niềm tin với đội tuyển Việt Nam. Tuy nhiên, V-League công bằng mà nói vẫn chưa chiếm được cảm tình của đông đảo khán giả. Mà nguyên nhân là do thiếu các trận cầu nảy lửa, hấp dẫn. Nay nếu lại đá không xuống hạng thì theo tôi sẽ càng làm cho người hâm mộ chán V-League. Ai dám đảm bảo các đội sẽ đá hết mình?”, ông Huy nói.

Đồng quan điểm, ông Trần Anh Tú, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc VPF cho rằng, nếu triệt tiêu suất xuống chơi hạng Nhất, nhóm cuối sẽ thi đấu thiếu lửa: “Hai mùa giải vừa qua, chúng ta thấy cuộc đua ở nhóm cuối cực kỳ gay cấn. Có thời điểm 4-5 đội nguy cơ rớt hạng. Như vậy buộc họ phải thi đấu hết mình và người hâm mộ cũng có lý do để chờ đợi các trận đấu. Ngược lại, không có suất xuống hạng thì bản thân cầu thủ hay CLB sẽ giảm nhiệt huyết khi tranh tài”.

Trong khi đó, cái được hiếm hoi nếu V-League không có suất xuống hạng theo chuyên gia Nguyễn Thành Vinh là các cầu thủ trẻ nhiều khả năng được trao cơ hội ra sân nhiều hơn. Nhưng ngay cả như vậy cũng chưa hẳn là tín hiệu tốt bởi giá trị của giải đấu số 1 Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. “Bóng đá phải có ăn thua trên tinh thần fair-play, không thể đá cho vui được. Giải Vô địch quốc gia là bộ mặt của nền bóng đá, mọi thứ cần phải suy xét hết sức kỹ càng”, ông Vinh nêu ý kiến.

Khó thực hiện

Tuy có nhiều bất cập nhưng do tác động của nguyên nhân khách quan, phương án V-League 2020 đá không xuống hạng vẫn có thể được xem xét trong trường hợp dịch bệnh tiếp tục kéo dài. “Thời điểm này còn sớm để nói về ý tưởng trên. Nếu giải diễn ra ở thời điểm quá trễ, chúng tôi sẽ xem xét. Tuy nhiên, việc thay đổi thể thức như vậy không phải nói là thực hiện được ngay, VPF phải xin ý kiến Thường trực, Ban Chấp hành Liên đoàn Bóng đá Việt Nam”, ông Trần Anh Tú nói.

Cũng theo ông Tú, việc tạo sự đồng thuận của tất cả các đội bóng là điều không dễ: “4 đội đồng ý nhưng 10 đội còn lại phản đối thì cũng không thể ép họ phải thực hiện. Đó là chưa kể còn liên quan tới giải hạng Nhất. V-League không có đội xuống hạng nhưng không thể yêu cầu các đội hạng Nhất không lên hạng. Nhiều CLB họ khát khao, đầu tư để lên chơi ở V-League, nếu áp dụng ý tưởng trên thì cũng coi như bảo họ khỏi cần nỗ lực, giải hạng Nhất vì thế cũng mất luôn tính cạnh tranh”.

Về vấn đề này, Báo Giao thông đặt câu hỏi với ông Tú là liệu VPF có thể học bóng đá Nhật Bản khi J-League 1 không có đội xuống hạng nhưng vẫn tiếp nhận 2 đội J-League 2 lên. Mùa sau, thay vì 2 đội xuống hạng, J-League 1 sẽ có 4 đội xuống hạng? Người đứng đầu VPF cho rằng, điều kiện của bóng đá Việt Nam thua xa bóng đá Nhật Bản nên không dễ áp dụng: “Thêm đội dự V-League, kết cấu thi đấu mùa tới sẽ bị phá vỡ. Ngoài ra cũng phải tổ chức thêm các trận đấu, tốn kém chi phí trong khi nhà tài trợ chưa chắc đã bỏ ra nhiều tiền hơn”.

Liên quan tới nhà tài trợ, chuyên gia Nguyễn Thành Vinh phân tích, nếu V-League không có tính cạnh tranh, khán giả tới sân và khán giả xem truyền hình chắc chắn giảm. Như vậy, nhà tài trợ của giải đấu chắc chắn không hài lòng bởi mục đích quảng bá thương hiệu của họ bị ảnh hưởng. Nhà tài trợ không hài lòng thì VPF khó khăn trong công tác giải ngân và đàm phán ở những mùa sau.

“Trong hợp đồng ký kết, VPF phải trả quyền lợi cho nhà tài trợ, bao gồm cả quyền lợi về hình ảnh. Nếu không trả đủ, hai bên sẽ phải ngồi lại đàm phán về số tiền tài trợ”, ông Tú tiết lộ.

Về phần mình, bình luận viên Vũ Quang Huy khẳng định, việc tìm ra phương án là của VPF và các đội bóng. Mặc dù vậy, bất kỳ phương án nào cũng có hai mặt và có những đội phải chịu thiệt thòi. Chính bởi vậy, theo ông Huy, cách tốt nhất vẫn là tổ chức V-League theo kịch bản bình thường. “Chúng ta nên để hết dịch rồi tính. Kể cả việc giải đấu trở lại muộn thì dồn lịch cũng không sao bởi đội tuyển quốc gia tới cuối năm mới có nhiệm vụ. Còn như hiện tại, bàn kiểu gì cũng như đếm cua trong lỗ”, ông Huy chốt lại.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.