Hạ tầng

Đề xuất xây dựng tổng kho xăng dầu, khí hóa lỏng tại miền Bắc

09/09/2019, 16:01

Nhu cầu hàng lỏng tại khu vực miền Bắc ngày càng gia tăng đòi hỏi các cấp chức năng sớm nghiên cứu, hình thành kho cảng đáp ứng nhu cầu...

img
Nhu cầu hình thành kho cảng LNG trở nên cấp thiết tại khu vực miền Bắc - Ảnh minh họa

Nhu cầu mặt hàng khí hóa lỏng tăng

Đại diện Cục Hàng hải VN cho biết, theo Đề án nghiên cứu phát triển tổng thể hạ tầng nhập khẩu LNG (Viện Năng lượng), hiện tại, khu vực các tỉnh Bắc Bộ (từ Ninh Bình trở ra) vẫn có nhu cầu bổ sung khí hóa lỏng LNG cho các hộ tiêu thụ ngoài điện khoảng 0,1 - 0,2 triệu tấn/năm, Mức này sẽ tăng tới 1,2 triệu tấn/năm vào năm 2030.

Đến năm 2029, cùng với việc đưa vào vận hành nhà máy điện LNG miền Bắc đầu tiên, kho cảng LNG để cung cấp nhiên liệu cho nhà máy sẽ được vận hành và cho các hộ công nghiệp quy mô 2 triệu tấn/năm.

“Tại TP. Hải Phòng, quy hoạch điện 7 hiệu chỉnh đã đưa nhà máy nhiệt điện Hải Phòng 3 vào vận hành năm 2025 - 2026 sử dụng than nhập khẩu. Tuy nhiên, TP. Hải Phòng bày tỏ mong muốn chuyển sang sử dụng LNG nhập khẩu để giảm ô nhiễm môi trường. Dự kiến, nhà máy nhiệt điện Hải Phòng sẽ chuyển sang sử dụng LNG và đưa vào vận hành giai đoạn 2029 - 2031 với tổng công suất hơn 2.200 MW.

TP. Hải Phòng cũng là trung tâm phụ tải khí của các hộ tiêu thụ ngoài điện, từ đây có thể cấp đi các tỉnh trong bán kính 100km như: Hưng Yên, Hải Dương, Quảng Ninh, Hà Nội,… Do đó, việc hình thành kho cảng LNG tại khu vực Hải Phòng với công suất khoảng 2 triệu tấn/năm là nhu cầu tất yếu để phục vụ cho Nhà máy nhiệt điện Hải Phòng 3 và các hộ tiêu thụ ngoài điện thuộc các tỉnh khu vực đồng bằng Bắc Bộ”, đại diện này cho hay.

Cũng theo đại diện Cục Hàng hải VN, cùng với việc hình thành kho cảng LNG, nhu cầu xây dựng kho cảng khí hóa lỏng LPG (khí gas) cũng đang hiện hữu tại khu vực miền Bắc.

“Theo nghiên cứu, dự báo tổng nhu cầu tiêu thụ LPG tại khu vực miền Bắc vào khoảng 1,5 triệu tấn/năm. Thực tế, khu vực miền Bắc chưa có cảng LPG chuyên dùng và thường làm hàng kết hợp với các bến xăng, dầu. Theo nhu cầu vận tải thực tế, cỡ tàu vận tải LPG có xu hướng lớn hơn, khai thác hiệu quả với cỡ tàu từ 40.000 - 50.000 DWT. Do vậy, cần thiết có bến hàng lỏng chuyên dùng LPG với công suất thông qua 1,5 triệu tấn/năm cho giai đoạn 2030”, đại diện này nói.

Đề xuất xây dựng tổng kho xăng dầu, khí hóa lỏng rộng 450ha

Trước đó, tháng 7/2018, Tổng công ty Hàng hải VN (Vinalines) cũng đã gửi văn bản đề xuất Bộ GTVT đầu tư xây dựng cụm cảng, tổng kho xăng dầu và khí hóa lỏng với diện tích khoảng 400 - 450ha tại đảo Cái Tráp và khu vực cảng Lạch Huyện (Cát Hải, Hải Phòng).

Theo Vinalines, trong 2 năm gần đây, tại khu vực miền Bắc, nhóm hàng lỏng có xu hướng tăng cao so với giai đoạn trước, tốc độ tăng trưởng chung giai đoạn 2010 - 2015 là 9,1%, giai đoạn 2015 - 2017 là 12,5%. Trước xu thế sử dụng nguyên, nhiên liệu mới trong việc vận tải đường biển, nhiệt điện và các lĩnh vực công nghiệp khác nên cần phải hình thành một tổng kho cung cấp xăng dầu và khí hóa lỏng tại khu vực Hải Phòng.

Vinalines cũng cho biết, thời gian qua đơn vị đã chủ động tìm kiếm và khảo sát được khu vực đảo Cái Tráp (đảo nằm giữa kênh Hà Nam và kênh Cái Tráp) có diện tích khoảng 500ha phù hợp với việc xây dựng cụm cảng, tổng kho xăng dầu và khí hóa lỏng.

“Nếu đề xuất của Vinalines được cơ quan chức năng chấp thuận, dự kiến, trong giai đoạn đầu, TCT sẽ tập trung đầu tư xây dựng 2 bến có chiều dài 540m, cỡ tàu thiết kế 50.000 DWT, năng lực thông qua 1,5 triệu tấn/năm. Giai đoạn tiếp theo, sẽ đầu tư xây dựng tiếp 2 bến với chiều dài 560m, cỡ tàu thiết kế 90.000 DWT, năng lực thông qua 4 triệu tấn/năm. Cùng với đầu tư hạ tầng cầu cảng, hệ thống tổng kho xăng dầu, khí hóa lỏng và khu hậu cần sau cảng cũng sẽ được xây dựng trong cả hai giai đoạn”, văn bản cjuar Vinalines nêu.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.