Hạ tầng

Đếm ngược ngày khởi công cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2

29/11/2022, 06:00

12 gói thầu đầu tiên thuộc 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam GĐ2 đã hoàn thành thẩm định thiết kế, dự toán, đảm bảo khởi công cuối 12/2022.

10 tháng sau khi triển khai các thủ tục từ chuẩn bị đầu tư đến lập, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán, các dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 đã đi đến những bước cuối cùng trước khi khởi công vào cuối tháng 12/2022 theo đúng lộ trình Chính phủ yêu cầu.

Giới hạn số lượng nhà thầu tham gia

img

Đồ họa: Nguyễn Tường

Những ngày cuối cùng của tháng 11/2022, sau một vài ngày đăng tải thông tin hai dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi và Hàm Nghi - Vũng Áng mời nhà đầu tư quan tâm, ông Phùng Tuấn Sơn, Trưởng phòng Kế hoạch - Tổng hợp, Ban QLDA Thăng Long lại tất bật chuẩn bị cho công tác đánh giá sơ bộ hồ sơ nhà thầu, bứt tốc hoàn thiện thủ tục khởi công các gói thầu đầu tiên.

Phát hành thông tin hai gói thầu khởi công đầu tiên từ ngày 22/11, tính đến ngày 25/11, Ban QLDA Thăng Long đã nhận được sự quan tâm của nhiều nhà thầu/liên danh nhà thầu.

Trên cơ sở hồ sơ năng lực nhà thầu gửi đến, Ban đang đánh giá sơ bộ, xét những nhà thầu đáp ứng năng lực để trao hồ sơ yêu cầu vào cuối tháng 11/2022 để nhà thầu làm hồ sơ đề xuất. Sau quá trình đánh giá, thương thảo, thẩm định, hai dự án thành phần dự kiến sẽ được khởi công từ ngày 25 - 31/12/2022.

Cũng theo ông Sơn, xác định cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2 là dự án quan trọng, phải đáp ứng hoàn thành trong thời gian tương đối gấp rút, Ban QLDA Thăng Long đã giới hạn số lượng nhà thầu tham gia tương ứng với quy mô gói thầu.

Trong đó, đối với gói thầu quy mô lớn (trên 5.000 tỷ đồng) và có độ phức tạp cao không quá 5 nhà thầu tham gia. Gói thầu dưới 5.000 tỷ đồng không quá 3 nhà thầu tham gia.

Mục tiêu của yêu cầu này nhằm tránh trường hợp một nhà thầu tham gia quá nhiều dự án, không đảm bảo năng lực thi công, ảnh hưởng đến tiến độ dự án.

Sẵn sàng khởi công những gói thầu đầu tiên

Thông tin cụ thể hơn về các gói thầu đầu tiên khởi công tại hai dự án Ban QLDA Thăng Long làm chủ đầu tư, theo ông Nguyễn Trung Sơn, Trưởng phòng Kỹ thuật - Thẩm định, dự án đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi chỉ có một gói thầu 11-XL sẽ được khởi công luôn. Đối với dự án đoạn Hàm Nghi - Vũng Áng, gói thầu được lựa chọn là gói 11-XL.

Cùng với việc lựa chọn nhà thầu, điều kiện về mặt bằng khởi công các gói thầu cũng đã được đáp ứng.

Tính đến ngày 23/11, tỉnh Hà Tĩnh đã bàn giao được 81% diện tích mặt bằng dự án Bãi Vọt - Hàm Nghi và 91% diện tích mặt bằng gói thầu 11-XL đoạn Hàm Nghi - Vũng Áng.

Hoàn thành công tác thẩm định thiết kế kỹ thuật, dự toán từ ngày 15/11/2022, gói thầu XL1 thuộc dự án thành phần Quảng Ngãi - Hoài Nhơn cũng đang trong quá trình lựa chọn nhà thầu, đáp ứng điều kiện khởi công theo lộ trình được Cục Quản lý đầu tư xây dựng đưa ra.

Đại diện Ban QLDA 2 thông tin, về công tác GPMB, đến ngày 23/11, gói thầu khởi công đã được bàn giao 5,7km (đạt 19%).

Địa phương đang tiếp tục triển khai các thủ tục, đảm bảo bàn giao diện tích mặt bằng cho các gói thầu xây lắp theo đúng yêu cầu tại Nghị quyết 18 của Chính phủ.

Lo lắng nhất thời điểm hiện tại chính là hai dự án thành phần do Ban QLDA 7 làm chủ đầu tư.

Một lãnh đạo Ban cho biết, theo kế hoạch, gói thầu XL02 tại dự án Chí Thạnh - Vân Phong và gói thầu XL02 đoạn Vân Phong - Nha Trang sẽ được khởi công đầu tiên.

Thời gian qua, công tác thẩm định thiết kế kỹ thuật, dự toán, lựa chọn nhà thầu đã được chủ đầu tư thực hiện đúng quy hoạch.

Vướng mắc nhất hiện nay là gói thầu XL02 dự án Chí Thạnh - Vân Phong, đến ngày 23/11, tỷ lệ bàn giao mặt bằng của tỉnh Phú Yên vẫn bằng 0.

Ban đã báo cáo Bộ GTVT có ý kiến để địa phương sớm ban hành đơn giá đền bù để triển khai phương án bồi thường.

Riêng gói thầu khởi công tại dự án Vân Phong - Nha Trang, hiện địa phương đã bàn giao cho chủ đầu tư hơn 10km và cam kết bàn giao đủ 70% diện tích mặt bằng khi dự án được khởi công.

Đại diện Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT) cho biết, hiện tại 12 gói thầu đầu tiên thuộc 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 đã hoàn thành công tác thẩm định thiết kế, dự toán.

Theo lộ trình, đến ngày 22/12 hoàn thành thẩm định, phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu. Công tác ký kết hợp đồng gói thầu xây lắp đầu tiên sẽ được hoàn thành trước ngày 25/12. Dự án dự kiến khởi công xây dựng từ ngày 26/12.

Còn nỗi lo về giá?

img

Hiện tại, 12 gói thầu đầu tiên thuộc 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 đã hoàn thành công tác thẩm định thiết kế, dự toán, đảm bảo khởi công cuối tháng 12/2022 (Trong ảnh: Thi công cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu). Ảnh: Tạ Hải

Trong lúc mốc khởi công dự án đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu, vấn đề được các nhà thầu đặc biệt quan tâm chính là bài toán giá cả thi công sau cơn “bão giá” khiến nhiều nhà thầu kiệt quệ tài chính ở dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1.

Ông Nguyễn Trung Sơn, Trưởng phòng Kỹ thuật - Thẩm định, Ban QLDA Thăng Long cho biết, ở dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, hình thức chỉ định thầu xây lắp được áp dụng, bài toán đặt ra với nhà thầu là vẫn “bỏ giá” sao cho không vượt giá trần được chủ đầu tư đưa ra và giảm giá 5% so với giá trị dự toán gói thầu xây lắp.

Đây là thách thức tương đối lớn, đòi hỏi nhà thầu tham gia phải đảm bảo được sự chuyên nghiệp trong tổ chức thi công và huy động thiết bị có khấu hao phù hợp.

Tuy nhiên, đại diện Ban QLDA Thăng Long cũng nhận định, việc chỉ định thầu không chỉ giúp rút ngắn thời gian lựa chọn nhà thầu, đáp ứng tiến độ gấp rút mà sẽ mang lại những thuận lợi nhất định cho nhà thầu, đặc biệt là những phát sinh trong khai thác mỏ vật liệu đất đắp.

Nói rõ hơn, đại diện Ban QLDA 2 cho biết, khác với giai đoạn 1, ở dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, tư vấn, ban QLDA đã thỏa thuận, đăng ký với địa phương các vị trí nguồn mỏ vật liệu đất cụ thể, các mỏ đều được khảo sát ở gần khu vực tuyến, tối ưu về cự ly.

Trường hợp sau này nhà thầu được giao mỏ, quá trình khai thác không đạt được chất lượng hoặc trữ lượng để phục vụ thi công thì Ban QLDA sẽ xem xét, điều chỉnh đơn giá, chi phí cho nhà thầu.

Tùy theo hợp đồng/hồ sơ mời thầu, phương án có thể là nhà thầu sẽ được điều chỉnh chi phí khai thác theo khoảng cách, cự ly khai thác thực tế.

Các vật tư, vật liệu khác như: Sắt, thép, cát, đá sẽ được tính giá thế nào? Nêu ý kiến về nội dung này, đại diện Ban QLDA 6 cho biết, theo kế hoạch lựa chọn nhà thầu dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 được Bộ GTVT phê duyệt, phần xây lắp các gói thầu vẫn được áp dụng loại hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh. Trường hợp biến động giá vật liệu, việc bù giá sẽ thực hiện dựa trên chỉ số giá vật liệu do địa phương công bố.

“Nhiều câu hỏi đặt ra tại sao phương án bù giá trực tiếp không được áp dụng? Phải thẳng thắn nhìn nhận, đây là phương án khó khả thi bởi áp dụng phương án này, đơn giá điều chỉnh dựa trên hóa đơn nhà thầu thỏa thuận, mua bán với doanh nghiệp cung cấp vật tư, vật liệu.

Khó ở chỗ, cùng một khu vực/hạng mục thi công nhưng có trường hợp nhà thầu mua vật liệu đất 90.000 đồng/m3, một nhà thầu khác lại mua với giá 120.000 đồng/m3. Việc xác định giá trị để điều chỉnh giá là thách thức rất lớn”, vị này chia sẻ.

12 dự án phải đảm bảo khởi công 1 gói thầu cuối tháng 12

Liên quan đến việc khởi công dự án, theo kế hoạch Bộ GTVT, đến cuối tháng 12/2022 tất cả 12 dự án thành phần đều phải đảm bảo đủ điều kiện khởi công 1 gói thầu.

Đến thời điểm hiện tại, 12 gói thầu thuộc 12 dự án thành phần đã được phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán, đang trong quá trình mời nhà thầu quan tâm, lựa chọn nhà thầu, đảm bảo đúng tiến độ khởi công vào cuối năm 2022.

Đối với 13/25 gói thầu còn lại vẫn đang được tiếp tục thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán. Công tác thẩm định thiết kế, dự toán, lựa chọn nhà thầu sẽ phải hoàn thành trước ngày 15/1/2023, đảm bảo đủ điều kiện khởi công trong quý 1/2023 theo yêu cầu tại Nghị quyết 18 của Chính phủ.

Tiêu chí lựa chọn nhà thầu thế nào?

Tìm hiểu của PV, tiêu chí lựa chọn nhà thầu cao tốc Bắc - Nam được các chủ đầu tư đưa ra mời nhà thầu quan tâm cơ bản theo bộ tiêu chí Bộ GTVT đề xuất trước đó với các yếu tố như: Năng lực hành nghề xây dựng với cấp công trình tương đương; Năng lực tài chính; Doanh thu bình quân trong 3 năm gần nhất (2019, 2020, 2021) với công thức tính tương ứng.

Về yêu cầu thực hiện hợp đồng xây lắp tương tự, tiêu chí được đưa ra từ ngày 1/1/2015 đến thời điểm đóng thầu, nhà thầu với tư cách là nhà thầu chính (độc lập hoặc thành viên liên danh) hoặc nhà thầu phụ đã tham gia thực hiện và hoàn thành tối thiểu 1 công trình đường bộ cấp I trở lên có giá trị công trình lớn hơn hoặc bằng 50% giá trị gói thầu đang xét hoặc 2 công trình đường bộ cấp II có giá trị mỗi công trình lớn hơn hoặc bằng 50% giá trị gói thầu đang xét.

Ông Phan Văn Thắng (Phó chủ tịch Thường trực HĐQT Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả):
Siết chặt kiểm soát giá vật liệu công bố

Để tạo thuận lợi cho nhà thầu duy trì năng lực tài chính thi công, bên cạnh yêu cầu giá gốc (giá dự toán) phải được tính đúng, tính đủ, trên cơ sở, việc công bố giá và chỉ số giá xây dựng của địa phương cũng cần được cập nhật chính xác, bám sát thực tiễn.

Hầu hết các địa phương có dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 đi qua đều đã công bố giá theo tháng. Việc này cần được thực hiện và tiếp tục duy trì ở các địa phương có dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 đi qua.

Tuy nhiên, cơ quan liên ngành cũng cần tăng cường giám sát, kiểm tra thực tế xem việc công bố đã chuẩn xác, thông tin giá vật liệu doanh nghiệp báo cáo phục vụ công tác công bố giá có đúng với giá bán thực tế. Cần thiết, Bộ GTVT có thể phối hợp thành lập đoàn liên ngành điều tra độc lập đầu vào, phục vụ công tác đối soát hoặc khi giá, chỉ số giá gặp bất cập thì làm việc với địa phương để phản ánh chính xác hơn thực tế, đảm bảo quyền lợi cho nhà thầu.

Nam Khánh (Ghi)

Hậu Giang vượt tiến độ, Phú Yên chậm đền bù

Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam qua địa bàn tỉnh Phú Yên có tổng chiều dài hơn 90km, hơn 5.000 hộ bị ảnh hưởng. Tổng diện tích đất sử dụng cho dự án được Bộ GTVT phê duyệt hơn 885ha.

Đến nay, việc kiểm kê đất, vật kiến trúc trên đất đã hoàn thành nhưng vẫn phải đợi đơn giá cây trồng và đơn giá đất thì mới có thể triển khai đền bù và bàn giao mặt bằng sạch. Việc này đã làm chậm trễ thời gian bàn giao 70% mặt bằng sạch cho chủ đầu tư trước ngày 20/11/2022 theo Nghị quyết số 18 của Chính phủ.

Ông Lê Tấn Hổ, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phú Yên cho biết, tỉnh gặp khó khăn trong việc áp giá đền bù các loại cây trồng khi thu hồi đất vì quy định pháp luật chưa rõ ràng. Trước mắt, tỉnh Phú kiến nghị được ban hành quy định về đơn giá bồi thường, đồng thời kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ TN&MT hướng dẫn quy trình, trình tự thực hiện.

Trong khi đó, tại Hậu Giang, liên quan đến 2 dự án Cần Thơ - Hậu Giang, Hậu Giang - Cà Mau, ông Lê Văn Thanh, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Hậu Giang cho biết, địa phương đang tập trung cho công tác chi trả, bồi hoàn với tổng diện tích đất thu hồi hơn 361ha.

Tính đến ngày 23/11, đã tiến hành chi trả, bồi thường cho 1.512 hộ với số tiền hơn 801 tỷ đồng; bàn giao 296ha diện tích mặt bằng, đạt gần 82%, đảm bảo mặt bằng khởi công, hoàn thành sớm hơn Nghị quyết 18 của Chính phủ. Đối với với các hộ còn lại, dự kiến sẽ chi trả trong tháng 12/2022.

Lê An - Quang Đạt

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.