Thời sự

Đến 2020, mới có thể dùng số định danh

24/04/2014, 21:32

Đến năm 2020, khi Cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư đi vào vận hành, người dân chỉ cần cung cấp số định danh cá nhân, không cần nộp hoặc xuất trình giấy tờ khi thực hiện thủ tục hành chính.

Đến năm 2020, khi Cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư đi vào vận hành, người dân chỉ cần cung cấp số định danh cá nhân, không cần nộp hoặc xuất trình giấy tờ khi thực hiện thủ tục hành chính.

Đề cập đến dự án Luật Hộ tịch trong phiên thảo luận ngày 24/4 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH), Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho rằng, hiện có nhiều loại giấy tờ cá nhân, trong đó chứa đựng những thông tin cơ bản như: Họ tên, giới tính, ngày tháng năm sinh... Mỗi giấy tờ được sử dụng vào các mục đích khác nhau và do các văn bản quy phạm pháp luật khác nhau quy định.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường

"Hiện nay có khoảng 20 loại giấy tờ cá nhân, trong đó có các thông tin liên quan đến con người. Với việc ban hành Luật Hộ tịch thì có thể đơn giản hóa được hầu hết giấy tờ cá nhân trong lĩnh vực này. Đến năm 2020, khi Cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư đi vào vận hành, người dân chỉ cần cung cấp số định danh cá nhân, không cần nộp hoặc xuất trình giấy tờ khi thực hiện thủ tục hành chính. Khi đó, có thể cắt giảm hầu hết các giấy tờ cá nhân”, Bộ trưởng Bộ Tư pháp nói.

Trong khi đó, theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Phan Trung Lý, xuất phát từ lịch sử đất nước trải qua chiến tranh, cùng với cơ chế quản lý thời bao cấp về quản lý hộ tịch, hộ khẩu và nhu cầu của công dân trong đời sống, xã hội nên hiện nay, công dân có rất nhiều loại giấy tờ khác nhau. Do đó, cần có sự rà soát, phân biệt rõ những loại giấy tờ tùy thân, liên quan đến công tác quản lý Nhà nước mà có sự chồng chéo, gây phiền hà không cần thiết thì từng bước loại bỏ, nhất là trong điều kiện áp dụng phương thức quản lý hiện đại như trong dự thảo Luật đề ra.

Trước đó, theo Tờ trình của Chính phủ, xuất phát từ sự khác nhau về đối tượng và phạm vi điều chỉnh, đối tượng quản lý, mục đích quản lý và chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn khác nhau của các bộ, ngành nên công tác quản lý hộ tịch và quản lý hộ khẩu hiện vẫn do hai ngành Tư pháp và Công an thực hiện. Chính phủ thấy rằng, trong bối cảnh hiện nay, chưa nên gộp hộ tịch, hộ khẩu, căn cước công dân để giao một ngành quản lý...

Trước mắt, để bảo đảm ổn định công tác quản lý đối với hai lĩnh vực này, tránh xáo trộn, đồng thời nâng cao vai trò, trách nhiệm của mỗi bộ, ngành đối với lĩnh vực quản lý, Chính phủ đề nghị không mở rộng khái niệm hộ tịch theo hướng bao gồm cả hộ khẩu và vẫn giao cho hai bộ, ngành quản lý như hiện nay, nhưng cần có sự phối hợp chặt chẽ, bảo đảm liên thông và chia sẻ thông tin công dân một cách kịp thời như Đề án 896 đã xác định.

M. Tiến

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.