Vận tải

Đến 2050, xe buýt vẫn sẽ là nòng cốt của vận tải công cộng

11/05/2019, 11:52

Sự cần thiết phải đưa thêm phương tiện buýt vào hoạt động, các chuyên gia nhấn mạnh vai trò của buýt “xanh” trong việc bảo vệ môi trường.

img
Trong tương lai, xe buýt là phương tiện chủ đạo của các thành phố lớn

Cùng hơn 7 triệu dân, Seoul có hơn 7.000 xe buýt, Hà Nội chỉ 1.500 xe

Theo TS Trần Hữu Minh – Phó Chánh văn phòng Uỷ ban ATGT quốc gia, Thủ đô Seoul của Hàn Quốc quy mô dân số cũng chỉ 7 – 8 triệu người như Hà Nội, nhưng ngoài hệ thống tàu điện ngầm rất dày đặc ra, Seoul còn có thêm 7 nghìn xe buýt. Trong khi đó, Hà Nội mới có 1.500 xe buýt. Đó là chưa nói đến hệ thống xe buýt đang bộc lộ nhiều bất cập về chất lượng dịch vụ.

“Hiện tượng hành khách không lên được xe buýt do quá tải (có tuyến quá tải từ 140 – 200%), không gian đi bộ không liên tục, bất tiện và thiếu hụt ở khắp nơi, phương tiện ngày càng cũ. Thời gian đi lại bằng xe buýt dài hơn trong khi yêu cầu về chất lượng dịch vụ vận tải công cộng ngày càng gia tăng chính là nguyên nhân khiến lượng khách đi xe buýt ngày càng đi xuống”, ông Minh nói và cho biết thêm: Thống kê cho thấy, tại Hà Nội, năm 2014, tổng lượng hành khách vận chuyển đạt 506 triệu lượt thì sang năm 2015 chỉ còn 469 triệu. Sang tới năm 2016, con số này còn thấp hơn nữa với 436 triệu lượt và năm 2017 là 440 triệu.

“Nếu không tăng cường xe buýt cả về chất và lượng, người dân sẽ tiếp tục sử dụng xe cá nhân và hệ thống GTVT Thủ đô sẽ rơi vào vòng luẩn quẩn: Vận tải cá nhân thuận tiện – ùn tắc giao thông – vận tải công cộng kém chất lượng – người dân tiếp tục sử dụng vận tải cá nhân”, ông Minh phân tích.

Đồng quan điểm, TS Lê Đỗ Mười – Phó Viện trưởng viện Chiến lược và phát triển GTVT (Bộ GTVT) cho biết: Vingroup mới công bố sẽ tham gia vào thị trường vận tải hành khách công cộng (VTHKCC), trước mắt là sẽ đưa vào thị trường khoảng 3.000 xe buýt. Theo TS Mười, con số này vẫn chỉ như “muối bỏ bể” với Hà Nội và TP.HCM, chưa nói là còn cả 3 thành phố khác là Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ.

“Trong tương lai, xe buýt là phương tiện chủ đạo của các thành phố lớn”, ông Mười nói và cho rằng: Xe buýt ở cả 2 thành phố Hà Nội và TP.HCM đều đang cần phải được sắp xếp lại cho mạng lưới cho hợp lý. Kế đó, cần sàng lọc, chọn lọc lại các tuyến và sắp xếp lại phương tiện cho phù hợp với hạ tầng.

Khẳng định sự cần thiết của xe buýt, ông Nguyễn Ngọc Quang – chuyên gia độc lập về giao thông cho rằng xe buýt cũng sẽ vẫn là nòng cốt của VTHKCC đến năm 2050.

“Tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của Hà Nội (tuyến 3.1 Nhổn – Ga Hà Nội) được triển khai xây dựng từ năm 2010, dự kiến đến cuối 2022 mới hoàn thành. Tuyến 2A Cát Linh – Hà Đông dài 13.1km xây dựng từ năm 2011, dự kiến sẽ đưa vào khai thác từ năm 2019. Tính trung bình Hà Nội mất khoảng 10 năm để hoàn thành được 25km đường sắt đô thị” – ông Quang nói và nhấn mạnh: Rõ ràng, với tốc độ này thì để hoàn thành những tuyến trọng yếu, có ý nghĩa quan trọng nhất cho khu vực nội đô với chiều dài lên tới 160km thì Hà Nội sẽ cần khoảng 50 năm, thuận lợi nhất cũng phải 30 năm nữa (đến 2050) mới hoàn thành được 5 tuyến trọng yếu. Điều đó đồng nghĩa với việc xe buýt sẽ vẫn là nòng cốt đến 2050.

“Đã nhiều lại ‘xanh’ thì quá tốt”

Liên quan đến thông tin Vingroup sẽ tham gia thị trường với cả nghìn xe buýt điện, TS Trần Hữu Minh nói: Thêm nhiều xe buýt đã tốt, lại là xe buýt điện thì lại càng tốt hơn nữa vì ô nhiễm môi trường hiện đang là vấn đề nhức nhối. Nồng độ các chất độc hại trong môi trường đang ở mức báo động, đặc biệt là nồng độ bụi hạt mịn. Khi con người hít thở thì bụi hạt mịn vào trực tiếp mạch máu luôn, phổi không thể lọc được, vô cùng nguy hiểm. Do đó, nếu ứng dụng những công nghệ phát thải tốt hơn thì sẽ tốt hơn. Đây là hướng đi rất tích cực, rất tốt.

Cũng ủng hộ xe buýt điện, song TS Phan Lê Bình (Giảng viên Đại học Việt Nhật, chuyên gia JICA) nói: Việc một tập đoàn lớn như Vingroup tham gia vào VTHKCC bằng xe buýt trước hết là tôi thấy mừng. Ông Lê Đỗ Mười cho rằng xét về môi trường, xe buýt điện rất tốt, thân thiện với môi trường. “So sánh giữa các phương tiện về việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường thì xe điện đứng số 1”, ông Mười khẳng định.

Tập đoàn Vingroup vừa công bố thành lập Công ty TNHH Dịch vụ Vận tải VinBus với vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng. Dự kiến VinBus cung cấp dịch vụ vận tải từ tháng 3/2020, bắt đầu tại 5 thành phố lớn là Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP HCM và Cần Thơ. VinBus sẽ sử dụng 100% xe buýt điện. Trước mắt, công ty sẽ đưa vào vận hành 3.000 xe buýt điện do hãng xe VinFast sản xuất.

Về định hướng kinh doanh, VinBus hoạt động theo mô hình phi lợi nhuận. Theo đó, 100% lợi nhuận thu được sẽ được công ty tái đầu tư, nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, phát triển hệ thống và mở rộng địa bàn để đưa dịch vụ giao thông công cộng văn minh, hiện đại.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.