Chuyện dọc đường

Đến lúc phải thay đổi tư duy đào tạo lái xe

25/10/2018, 07:06

Ở các nước phát triển, người dân tham gia giao thông rất an toàn vì họ có nền tảng giáo dục, được đào tạo...

2

Một thiết bị mô phỏng thực hành lái xe của Trung tâm Đào tạo lái xe Honda Vĩnh Phúc - Ảnh: K.Linh

Còn tại Việt Nam, cả việc tham gia giao thông và công tác đào tạo sát hạch, cấp GPLX nhìn chung còn khá dễ dãi, bất cập. Nguyên nhân một phần do chương trình đào tạo lái xe có nhiều nội dung chưa phù hợp. Chẳng hạn nội dung đào tạo kỹ thuật sửa chữa xe hay đào tạo nghiệp vụ vận tải. Các nội dung này chẳng giúp gì cho người học, hoàn toàn có thể bỏ. Chúng ta cần thay đổi tư duy và chương trình đào tạo theo cách cung cấp những gì học viên cần.

Nhiều nước họ không dạy các nội dung trên mà chỉ tập trung đào tạo những kỹ năng để người học lái xe an toàn, đặc biệt là đào tạo những kỹ năng nhận diện các tình huống và phòng chống rủi ro khi tham gia giao thông. Các trung tâm đào tạo của Việt Nam hiện mới chỉ dạy học viên biết điều khiển xe chứ chưa đào tạo các kỹ năng xử lý tình huống.

Tình trạng chung của nhiều học viên là sau khi thi đỗ vẫn không dám lái xe ra đường chính là do không được đào tạo những kỹ năng trên, sợ ra đường gặp tình huống không xử lý được.

Một bất cập nữa là các trung tâm đào tạo gần như không quản lý chương trình đào tạo mà khoán trắng cho giáo viên, giáo viên nhận 4 - 5 học viên một xe và không kiểm soát chương trình, thời lượng đào tạo của họ. Điều này là do chúng ta chưa kiểm soát được các trung tâm đào tạo có đủ thời lượng hay không.     

Để có những người lái xe an toàn tham gia giao thông, công tác đào tạo đóng vai trò quan trọng hàng đầu. Vì vậy, phải thay đổi định hướng đào tạo theo hướng đào tạo lái xe an toàn, không chỉ đơn thuần là đào tạo, sát hạch cấp GPLX, từ đó mới đưa ra được giải pháp phù hợp. Có nhiều thứ phải thay đổi, nhưng trước tiên là phải thay đổi các nội dung không cần thiết trong chương trình đào tạo hiện nay.

Tương tự về thực hành, phải tập trung đào tạo kỹ năng lái xe an toàn, không đơn thuần là điều khiển xe. Bên cạnh việc dùng thiết bị để giám sát, vấn đề gốc rễ là làm thế nào để đưa giá trị đào tạo về giá trị thực, các hoạt động về quản lý, nếu không xử lý vấn đề tận gốc là chi phí, con người. Quy định hiện trung tâm đào tạo 50% là giáo viên bên ngoài là lỗ hổng về chất lượng không thể quản lý nổi vì muốn đào tạo chất lượng tốt phải có đội ngũ giáo viên tiêu chuẩn có năng lực chứ không phải là người có kinh nghiệm lái xe. Họ chỉ có kinh nghiệm nhưng không được đào tạo bài bản về kỹ năng lái xe an toàn của một giáo viên dạy lái chuẩn mực.

 Phùng Văn Huệ
Giám đốc Trung tâm đào tạo lái xe an toàn, Công ty Honda VN

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.