Góc nhìn

Đến lượt các “ông kẹ” châu Á giật mình với IS

22/01/2015, 14:05

Đến lượt các ông lớn châu Á: Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc lên tiếng lo ngại trước đe dọa của IS.

111

Hình ảnh từ đoạn clip phiến quân Hồi giáo dọa hành quyết hai công dân người Nhật

Kêu gọi đánh bom tổng thống Mỹ tại Ấn Độ

Hôm qua, tờ Indian Express dẫn nguồn tin từ cơ quan Điều tra quốc gia Ấn Độ (NIA) cho biết, trên trang mạng xã hội Twitter ủng hộ Nhà nước hồi giáo (IS) tự xưng đã xuất hiện hình ảnh và lời kêu gọi tấn công bằng bom xe nhằm vào Tổng thống Mỹ Barack Obama trong chuyến thăm Ấn Độ từ ngày 25-27/1 nhân lễ kỷ niệm Ngày Cộng hoà 26/1.

Hôm qua, các Ủy viên Liên minh châu Âu (EU) nhóm họp tại Brussels (Bỉ) thảo luận về chiến lược chống khủng bố mới cho 28 nước thành viên, trong đó có việc thay đổi Hiệp ước Schengen về tự do đi lại trong khu vực và hợp tác về tình báo.

Nhiều nước EU thúc giục thiết lập một hệ thống dữ liệu về thông tin của hành khách trên các chuyến bay như Mỹ áp dụng để có thể lần theo dấu vết của những phần tử Hồi giáo cực đoan.

Tuy nhiên, nghị viện châu Âu phản đối vì cho rằng vi phạm quyền riêng tư. Người phát ngôn Ủy ban châu Âu Margaritis Schinas cho biết, các nước thảo luận về cả hai vấn đề này cũng như hợp tác giữa lực lượng an ninh trong khối.

Lời kêu gọi này của một thanh niên Ấn Độ Saheem Tanki, được cho là đã tham gia IS tại Iraq: “Kẻ thù của Thánh Allah, Obama sẽ đến Ấn Độ sớm. Những người Hồi giáo Ấn Độ giỏi về hóa học, do đó bom xe hóa chất là một ý tưởng tốt”.

Theo NIA, bốn sinh viên kỹ thuật dân dụng ở TP Thane thuộc bang Maharashtra gồm Areeb Majeed, Saheem Tanki, Amaan Tandel và Fahad Shaikh - đã đến Iraq tham gia IS năm 2014.

Và một trong số này đang điều hành trang Twitter ủng hộ IS. Hai tháng trước, Majeed đã trở về Ấn Độ và đang bị NIA giam giữ.

Cũng trong trong khuôn khổ chuyến thăm Ấn Độ, Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ tới thăm di tích Taj Mahal tại TP Agra vào ngày 27/1 bằng chuyên cơ “Air Force 1” thay vì đi bằng tuyến cao tốc Delhi-Agra như dự kiến ban đầu, theo Zee News ngày 21/1.

Có thể “Air Force 1 sẽ hạ cánh xuống một căn cứ không quân ở Agra. Tuy nhiên, chưa rõ sau đó, ông Obama sẽ tới Taj Mahal bằng ô tô riêng “The Beast” hay bằng trực thăng. Agra cũng sẽ trở thành “khu vực cấm bay” trong chuyến thăm.

Đua nhau vượt biên tìm IS

Ngày 20/1, IS đăng tải clip đe dọa hành quyết hai con tin người Nhật tại Iraq nếu Chính phủ Nhật không nộp 200 triệu USD tiền chuộc trong vòng 72 giờ đồng hồ khiến nhiều người dân Nhật nói riêng và châu Á nói chung e ngại “khủng bố không còn là vấn đề xa xôi”.

Cô Mio Nakashima, 26 tuổi, nhân viên bán hàng công nghệ nói: “Trước đây, tôi luôn nghĩ khủng bố là chuyện bên ngoài nay một khi người Nhật trở thành mục tiêu, khủng bố có thể sẽ xảy ra ngay tại Nhật”. Một số người Nhật khác tỏ ra rất ngạc nhiên khi biết có người Nhật xuất hiện ở Syria, Iraq.

Một người có tên Edokko viết, “tại sao hai người đó lại tới khu vực nguy hiểm như thế, nhưng tốt nhất chúng ta nên phản đối yêu cầu tiền chuộc”. Còn anh Youkou Imada, 32 tuổi, nhân viên ngành xây dựng cho biết: “Tôi chỉ mong ông Abe tập trung vào kinh tế, đừng đặt chúng tôi vào những tình thế phức tạp bên ngoài”.

Không chỉ người Nhật, mới đây nhất, ngày 20/1, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết, một thanh niên 18 tuổi, họ Kim, bị mất tích khi đang du lịch tại thị trấn Kilis gần biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ ngày 10/1.

Cảnh sát Seoul cho biết, không loại trừ khả năng Kim tìm cách trốn sang Syria gia nhập IS. Cảnh sát phát hiện nhiều hình ảnh về phiến quân, cờ của IS trong máy tính cá nhân và Kim cũng từng liên lạc với một thành viên của IS tên Hassan thông qua mạng xã hội Twitter và Surepot. Trên Twitter, một tài khoản được cho là của Kim thông báo “muốn gia nhập” IS và “sẵn sàng” tới Thổ Nhĩ Kỳ.

Trước đó, Bộ Công an Trung Quốc cho biết, kể từ tháng 5/2014, đội đặc nhiệm chống buôn người của nước này bắt giữ 852 nghi phạm vượt biên, 352 nghi phạm là chủ mưu hoặc phụ trách vận chuyển người tại dọc khu vực biên giới Tây Nam.

Bộ Công an Trung Quốc cho biết, những vụ buôn lậu trên “chủ yếu được tổ chức ở nước ngoài và do tổ chức Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan (ETIM) đứng đằng sau, nhằm truyền bá tư tưởng tôn giáo cực đoan và kích động người dân trốn ra nước ngoài tham gia thánh chiến”.

Theo truyền thông Trung Quốc, đến nay, có khoảng 300 thành viên ETIM sang Syria thông qua Thổ Nhĩ Kỳ để gia nhập IS.

BT – Q.M

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.