Xã hội

Thiếu hụt nguồn nhân lực y tế, giáo dục: Hai tư lệnh ngành hiến kế gì?

27/10/2022, 16:27

Bộ trưởng GD&ĐT và Bộ trưởng Y tế chỉ ra nguyên nhân thiếu hụt nghiêm trọng nhân sự và đưa ra những giải pháp để khắc phục.

Đến năm 2026 cần bù đắp là 107.000 giáo viên

Chiều 27/10, tại phiên thảo luận kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV về tình hình phát triển kinh tế xã hội, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Kim Sơn cho biết, những ngày vừa qua, Bộ GD&ĐT đã nhận được hơn 200 ý kiến của cử tri gửi tới bày tỏ sự băn khoăn, lo lắng về việc thiếu giáo viên; hiện tượng giáo viên bỏ việc, chuyển việc.

Tư lệnh ngành giáo dục nhìn nhận, vấn đề thiếu giáo viên và giáo viên nghỉ việc, chuyển việc là hai vấn đề khác nhau nhưng có mối liên hệ mật thiết với nhau.

img

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Nguyễn Kim Sơn

Hiện ngành giáo dục đã phối hợp với ngành nội vụ tính toán và xác định số lượng giáo viên thiếu mà từ nay đến năm 2026 cần bù đắp là 107.000. Con số này còn biến động trước tình hình giáo viên nghỉ việc chứ không đứng yên.

Về nguyên nhân của tình trạng thiếu giáo viên, Bộ trưởng GD&ĐT cho rằng, nhiều năm về trước đã không đủ do số lượng bỏ việc, giảng viên nhiều năm không tuyển, tuyển nhỏ hơn số nghỉ hưu do thừa, thiếu cục bộ, khó điều tiết và thiếu do tăng dân số tự nhiên.

Ông lấy dẫn chứng, từ tháng 9/2015, chúng ta có trên 19 triệu học sinh. Nhưng đến tháng 9/2022, có trên 23 triệu học sinh. Trong khi đó, số giáo viên vào tháng 9/2015 có 1.156.000 giáo viên cho bậc mầm non đến phổ thông. Đến thời điểm tháng 9/2022 có 1.227.000 giáo viên. Tức số giáo viên nhiều hơn 71.000 người trong khi số học sinh tăng hơn 3 triệu em.

Ngoài ra, ông Sơn cho biết, thiếu giáo viên còn do biến động về dân số ở một số vùng, miền dồn về các thành phố lớn hoặc các khu công nghiệp; dịch bệnh tác động đến các trường mầm non phải đóng cửa; nhu cầu phổ cập bậc mầm non 5 tuổi; do việc tăng số buổi học từ 1 buổi lên 2 buổi/ngày và do chuẩn về mặt tỷ lệ giáo viên trên học sinh. Đặc biệt, giáo viên cho các môn học mới cũng thiếu hơn 26.000 người.

Về giải pháp, người đứng đầu ngành giáo dục cho biết, vừa qua Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chính phủ đã duyệt và giao cho ngành giáo dục 65.000 chỉ tiêu và sẽ tuyển dần trong từ nay đến năm 2026.

Riêng năm 2022 được duyệt 27.850 chỉ tiêu, các Sở Nội vụ của các tỉnh phối hợp với Sở GD&ĐT cùng các đơn vị đã bắt đầu công việc tuyển dụng giáo viên.

Ngoài chỉ tiêu mới, các tỉnh, thành tuy thiếu chỉ tiêu nhưng vẫn đang tồn đọng trên 10.000 chỉ tiêu từ các năm cũ vẫn chưa tuyển được. Do đó, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đề nghị các địa phương vừa tuyển số mới, vừa tiếp tục tuyển số cũ để đáp ứng được nhu cầu.

"Trong số 65.000 chỉ tiêu, mong ngành nội vụ phối hợp dồn chỉ tiêu cho năm 2023-2024 vì nhu cầu các môn học mới rất lớn", ông nói và cho biết đề nghị tăng lương cho giáo viên cũng đã được Chính phủ tính toán.

Bên cạnh đó, ông cho biết giáo viên thiếu nhiều, bỏ việc chủ yếu ở bậc mầm non, chiếm tới 40%. Do đó, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đề nghị Quốc hội xem xét điều chỉnh tăng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên bậc mầm non.

Tăng phụ cấp đối với nhân viên y tế cơ sở, dự phòng

Chia sẻ câu chuyện thiếu hụt nhân sự ngành y, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cho biết, không chỉ Việt Nam mà nhiều nước xảy ra tình trạng chuyển dịch làn sóng nguồn nhân lực tư khu vực công sang khu vực tư nhân.

Bà phân tích làn sóng chuyển dịch của ngành y tế ở Việt Nam bên cạnh những đặc điểm tương đồng với tình hình chung của thế giới và cũng có những điểm đặc biệt.

img

Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan

Bà Lan cho biết, sau khi rà soát, đánh giá nhân viên y tế nghỉ việc, Bộ Y tế nhận thấy quy mô và phạm vi dịch chuyển diễn ra ở nhiều cấp, từ cấp cơ sở, trạm y tế đến các bệnh viện địa phương, trung ương, trong đó có nhiều địa phương có số lao động lớn.

Về giải pháp trong thời gian tới, Bộ Y tế đã trình Chính phủ sửa đổi Nghị định 56 về hỗ trợ phụ cấp đối với nhân viên y tế cơ sở, y tế dự phòng. Bên cạnh đó là các chính sách nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Giải trình làm rõ ý kiến của các đại biểu Quốc hội liên quan vấn đề cơ chế chính sách cho cán bộ y tế, cơ chế tự chủ bệnh viện và những vướng mắc trong mua sắm thiết bị y tế, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan nhấn mạnh thời điểm này ngành y tế đang gặp khó khăn hơn bao giờ hết.

"Nhiều năm gần đây, các bệnh viện, cơ sở y tế bị nợ đọng do việc thanh toán theo tổng mức chưa đáp ứng yêu cầu. Vì thế, nhiều cơ sở y tế thực sự trở thành con nợ, do các chi phí khám chữa bệnh bỏ ra chưa được thanh toán nên việc triển khai khám chữa bệnh khó khăn, dẫn đến việc mua sắm đấu thầu cũng khó khăn vì nợ các nhà thầu chưa thanh toán được", bà Lan chia sẻ.

Để giải quyết vấn đề này, Chính phủ cũng đã giao cho Bộ Y tế phối hợp với các bộ, ngành và Bảo hiểm xã hội Việt Nam sửa đổi Nghị định 146, hiện đang được Bộ Tư pháp thẩm định.

Trước mắt, Bộ Y tế đã trình Chính phủ Nghị quyết về việc đảm bảo thuốc, trang thiết bị y tế, thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế để giải quyết khó khăn trong thanh toán trong năm 2021.

Làm rõ vấn đề thiếu thuốc và vật tư y tế, Bộ trưởng Y tế phân tích có 2 yếu tố quan trọng là việc đăng ký lưu hành kịp thời các sản phẩm thuốc, trang thiết bị y tế và việc mua sắm, đấu thầu trang thiết bị y tế của các cơ sở y tế.

Về việc đăng ký sản phẩm thuốc và trang thiết bị y tế vừa qua, Bộ Y tế đã công bố danh mục trên 10.000 thuốc hết hiệu lực đăng ký lưu hành trong năm 2022 tiếp tục được cấp giấy lưu hành đến 31/12.

"Vì thế, cơ bản đảm bảo được nguồn cung ứng thuốc trên thị trường của năm 2022, đáp ứng kịp thời thuốc phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân và phòng chống dịch", Bộ trưởng Y tế khẳng định.

Tuy nhiên, bà cũng thừa nhận dù nguồn cung ứng đảm bảo, triển khai thực tế vướng mắc liên quan đấu thầu khiến trong một số thời điểm, một số cơ sở y tế thiếu thuốc cục bộ.

"Trong quá trình triển khai chúng tôi nhận thấy nhiều quy định đã rõ nhưng nhiều nơi còn lúng túng, Bộ đang tăng cường hướng dẫn và hỗ trợ các đơn vị tập trung đấu thầu", bà Lan nói.

Giáo viên không tự tin đứng lớp vì phải dạy tích hợp

Tham gia tranh luận về tình trạng giáo viên nghỉ việc, chuyển việc, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (đoàn Đồng Tháp) dẫn chứng thông tin từ Cục Nhà giáo: Giai đoạn 2021-2022, trong tổng số 16.265 giáo viên nghỉ việc, có hơn 10.000 giáo viên trường công chuyển hẳn ra khỏi ngành giáo dục, số lượng chuyển từ trường công sang trường tư rất ít.

"Đây là hiện tượng không bình thường khi số lượng giáo viên nghỉ việc quá lớn trong bối cảnh chúng ta đang triển khai đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, cần rất nhiều giáo viên. Nguyên nhân nghỉ việc không chỉ là lương, áp lực công việc, chế độ đãi ngộ mà có cả vấn đề không đủ điều kiện đáp ứng được chương trình giáo dục phổ thông mới", đại biểu Mai nhìn nhận.

Theo đại biểu Mai, một bộ phận giáo viên được đào tạo đơn môn, nhưng phải dạy tích hợp khiến họ không đủ tự tin đứng trước học sinh. Do đó, bà Mai đề nghị, cần phải có phân tích thật kỹ và cần quan tâm thêm việc chuẩn bị triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.