Xem - ăn - chơi

Dẹp chọi trâu Đồ Sơn vì bạo lực, tệ nạn: Chỉ là nguỵ biện

08/09/2017, 15:03

Không ít lý lẽ đưa ra để xoá sổ Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn là không thoả đáng.

vtv

Dẹp chọi trâu Đồ Sơn vì bạo lực, tệ nạn: Chỉ là nguỵ biện

Sau sự cố trâu chọi húc chết người ở lễ hội chọi trâu Đồ Sơn 2017 ngày 1/7, hội chọi năm nay bị huỷ giữa chừng. Không ít ý kiến dư luận chỉ trích nặng nề, yêu cầu dẹp bỏ Lễ hội truyền thống này do yếu tố bạo lực và tệ giết thịt trâu, bán giá cao bên thềm lễ hội.

Tuy nhiên, theo ông Hoàng Xuân Minh, Chủ tịch UBND quận Đồ Sơn tiết lộ: "Khi Lễ hội bị tạm dừng, chúng tôi chứng kiến có những cháu thiếu nhi ôm mặt khóc". Việc huỷ bỏ một lễ hội truyền thống có tuổi đời hàng trăm năm, cũng không phải vấn đề muốn là được.

Những luận điểm đưa ra để dẹp bỏ hội chọi trâu Đồ Sơn dưới con mắt của Tiến sĩ Nguyễn Hùng Vỹ, người đã lăn lộn nhiều năm trong việc bảo vệ các lễ hội dân gian là chưa thoả đáng.

Theo T.S Hùng, việc dùng lý lẽ bạo lực để cấm lễ hội chỉ là một sự nguỵ biện: "Tai nạn ngày 1/7 đó là chuyện hi hữu. Trước đây thỉnh thoảng cũng đã có xảy ra rồi, chỉ là nó không thường xuyên nên người ta ngỡ là ghê gớm. Thế giới có bao nhiêu trò khác còn bạo lực hơn thế. Chọi trâu là trâu đấu trâu, quyền Anh còn bạo lực hơn nhiều vì đó là người chọi người. Đấu bò tót ở Tây Ban Nha là bò chọi người kia". 

Không chỉ thế, TS. Hùng Vỹ cũng thông tin thêm rằng việc giết trâu hậu lễ thực sự là một phần của truyền thống: "Trong văn hoá truyền thống nó là lễ hiến tế. Trâu thắng hay trâu bại họ cũng đem hiến tế cho thần linh. Người ta tin thịt đó là lộc thần, lộc thánh nên họ chia nhau".

Do đó theo ông Vỹ, không thể gọi đây là sự biến tướng văn hoá theo hướng man rợ. Việc giết thịt ban đầu không nhằm mục đích trục lợi cá nhân, thịt trâu chọi bán ra sẽ góp cho các "giáp trâu", những đơn vị được phân công nuôi trâu chọi. 

choi trau

Nhà nghiên cứu văn hoá dân gian Nguyễn Hùng Vỹ

Hơn thế, TS Nguyễn Hùng Vỹ cho rằng không thể dựa vào việc trâu bán giá cao, hay có thịt trâu không chọi trà trộn để chỉ trích lễ hội Đồ Sơn. "Tiêu cực thì ở mặt nào cũng có tiêu cực, kể gì lễ hội? Hàng hoá có hàng giả, thuốc có thuốc giả, cái gì cũng thế. Cả một bộ y tế như vậy còn để lọt người bán thuốc giả cơ mà".

Từ đó, theo ông Nguyễn Hùng Vỹ không nên xoá bỏ lễ hội chọi trâu Đồ Sơn vì: "Đã là di sản văn hoá được công nhận thì mình phải làm cho tốt. Chứ không thể vì một vài tai nạn mà mình xoá bỏ nó đi".

Ông Vỹ cũng cho rằng nếu tiếp tục làm thì "tiêu cực cần loại bỏ. Cái gì của di sản, có giá trị tích cực thì cần khuếch trương. Nếu cứ tư duy rằng làm không tốt, có tai nạn thì bỏ đi, vậy chúng ta phát huy văn hoá truyền thống kiểu gì được".

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.