Xã hội

Dẹp “loạn giá” test Covid: Đưa kit test vào mặt hàng Nhà nước quản lý giá

Nếu không có chính sách quản lý giá đối với kit test thì không thể xử lý vấn đề tiết kiệm chi phí cho người dân, doanh nghiệp và cả nền kinh tế.

Giữa lúc cả nền kinh tế phải oằn mình đối phó với đại dịch Covid-19, ngân sách từ Trung ương, địa phương đến doanh nghiệp, người dân phải chi một khoản khổng lồ cho dịch vụ xét nghiệm nhanh, trong đó bao gồm khoản lợi nhuận không nhỏ của các đơn vị nhập khẩu, phân phối, kinh doanh sản phẩm này.

Kỳ cuối: Đưa kit test vào mặt hàng Nhà nước quản lý giá

Trước thực tế “loạn giá” kit test, nếu không có chính sách quản lý giá đối với mặt hàng này thì không thể xử lý được vấn đề tiết kiệm chi phí cho người dân, doanh nghiệp và cả nền kinh tế.

Bởi trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, việc xét nghiệm gần như gắn với hầu hết mọi hoạt động xã hội, giao thương, đi lại... nên nhu cầu sử dụng kit test vẫn sẽ rất lớn.

img

Theo tính toán của doanh nghiệp logistics, chi phí xét nghiệm trực tiếp cho mỗi lái xe vào khoảng 2 triệu đồng/tháng/10-12 lần xét nghiệm. Ảnh: Tạ Hải

Giá sinh phẩm, xét nghiệm giảm nhanh

Chỉ đến khi dư luận lên tiếng về chi phí xét nghiệm, đặc biệt là giá kit test cao bất thường, giá dịch vụ này ngay lập tức điều chỉnh, hạ xuống còn 130-150 nghìn đồng/mẫu test.

Đến cuối tháng 10, nhiều nơi mức giá chỉ 85- 95 nghìn đồng/mẫu.

Đơn cử như ở TP.HCM, giá test nhanh tại các cơ sở y tế công giảm mạnh sau khi Sở Y tế TP có văn bản điều chỉnh thu phí xét nghiệm theo đúng giá nguyên liệu nhập về, các chi phí phụ liên quan.

Theo bảng giá dịch vụ xét nghiệm nhanh Covid-19 mới cập nhật từ 52 cơ sở y tế tại TP.HCM, khoảng 30 đơn vị có mức giá dưới 100 nghìn đồng/mẫu test.

Trong đó, mức thấp nhất còn hơn 60 nghìn đồng/mẫu test tại Bệnh viện Nhân dân 115, cao nhất là 198 nghìn đồng/mẫu tại Trung tâm Y tế huyện Cần Giờ.

Tại một số cơ sở y tế tư nhân, giá dịch vụ có giảm nhưng vẫn ở mức cao. Như Bệnh viện Hồng Ngọc, giá dịch vụ test nhanh giảm 60-80 nghìn đồng song vẫn còn 200-300 nghìn đồng/lần test dành khách hàng Việt Nam và 250-350 nghìn đồng/lần dành cho khách nước ngoài.

Riêng với xét nghiệm PCR giảm mạnh 500-700 nghìn đồng/mẫu, còn 790 nghìn đồng/mẫu với khách trong nước và 1,29 triệu đồng/mẫu với người có nhu cầu xuất cảnh...

Giá sinh phẩm kit test, theo đó cũng lập tức “hạ nhiệt”.

Giữa tháng 10, trong vai khách hàng, PV liên hệ với website bán hàng “bantestnhanh...” và được giới thiệu đây là đơn vị phân phối của các hãng GenBody, SGTi-Flex, Biocredit, Humasis.

Theo đơn vị này, khách hàng phải mua tối thiểu 500 test trở lên mới có giá tốt, đồng thời gửi kèm theo đơn hàng hồ sơ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, giấy phép nhập khẩu của Bộ Y tế.

“Hiện nay những loại phổ biến nhất thị trường như GenBody, SGTi-Flex, nếu lấy theo đơn 500 kit test sẽ có giá 76.000 đồng/chiếc (chưa bao gồm thuế VAT); Mua 200 test giá 83.000 đồng.

Còn mua lẻ khoảng 1 hộp/25 kit thì giá 105.000 đồng. Nhưng mua lẻ sẽ không “check” được giấy tờ vì công ty không hỗ trợ”, đại diện đơn vị này thông tin.

Tương tự, liên hệ mua hàng tại trang web “kittestnhanhsgt...”, PV được nhân viên tư vấn giới thiệu họ là đơn vị phân phối dòng test kid SGTi-Flex nhập khẩu chính hãng từ Hàn Quốc - sản phẩm thông dụng nhất hiện nay.

Với đơn hàng 500 kit test, giá bán là 74.000 đồng/kit (chưa VAT). Mua 100-200 kit sẽ có giá 84.000 đồng, còn 1 hộp/25 kit là 90.000 đồng/chiếc.

PV thắc mắc về việc giá niêm yết tới 160.000 đồng/kit, tư vấn giải thích: Giá niêm yết là giá bán lẻ. Hơn nữa, hiện nay, Bộ Y tế cũng mở cho nhiều hãng nhập khẩu nên công ty cũng phải có chính sách giá cạnh tranh.

10 ngày sau đó (26/10), nhân viên này đã liên hệ lại với PV và thông báo giá bán chỉ còn 70,7 nghìn đồng/kit test nếu lấy 500 chiếc trở lên.

Quản lý giá xét nghiệm, cách nào?

Giá sinh phẩm, xét nghiệm giảm nhanh do nhu cầu xét nghiệm bắt buộc giảm mạnh (nhiều địa phương đã dừng xét nghiệm diện rộng; bỏ yêu cầu xét nghiệm bắt buộc với hoạt động sản xuất, đi lại...).

Tuy nhiên, bên cạnh sự chuyển động theo cung - cầu, nhiều ý kiến cho rằng, giá giảm mạnh còn là động thái đối phó của các nhà nhập khẩu, kinh doanh, dịch vụ xét nghiệm với phản ứng của dư luận cũng như sự vào cuộc của các cơ quan chức năng.

Mặt khác, dù đã giảm nhanh, song chi phí cho dịch vụ xét nghiệm vẫn còn ở mức cao.

Một trong những hành lang pháp lý cho thị trường này được doanh nghiệp, người dân chờ đợi là thông tư mới về hướng dẫn xây dựng giá xét nghiệm Covid-19 do Bộ Y tế soạn thảo.

Sáng 29/10, trao đổi với PV Báo Giao thông, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, Bộ Y tế đã và đang thảo luận với Bộ Tài chính để hoàn thiện thông tư này, dự kiến sẽ còn buổi thảo luận thứ 3 nữa trước khi chính thức ban hành.

TS. Nguyễn Ngọc Quang, Trưởng bộ môn Định giá, ĐH Kinh tế Quốc dân góp ý, Bộ Y tế cần có bộ phận thẩm định, xây dựng đơn giá định mức kit test hợp lý, cập nhật sát với diễn biến của thị trường.

“Thay vì thụ động dựa trên giá kê khai của doanh nghiệp, giá định mức phải được tính đúng, tính đủ từ giá nhập khẩu cộng với chi phí vận chuyển, nhân công và các loại thuế phí đi kèm.

Để xây dựng giá định mức hợp lý, phải dựa trên sản phẩm phổ quát đạt tiêu chuẩn, có giá cạnh tranh, loại bỏ các yếu tố bất thường về thương hiệu và phi thị trường”, ông Quang nói.

Từ bài học trên, ông Quang cho rằng, cần phải sửa luật, trong bối cảnh dịch bệnh khẩn cấp cần đưa vật tư y tế nói chung và kit test nói riêng vào danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá.

Bởi nếu thị trường còn “loạn giá” ngày nào, người dân, doanh nghiệp và cả nền kinh tế phải hứng chịu thiệt hại ngày đó.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính cho biết, theo quy định hiện hành, trường hợp cần điều chỉnh danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá phải dựa trên cơ sở đề nghị của các bộ, ngành, địa phương, sau đó Bộ Tài chính tổng hợp, báo cáo Chính phủ xem xét, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định.

Với mặt hàng này, Bộ Tài chính cũng đã đề nghị Bộ Y tế nghiên cứu làm rõ sự cần thiết, trong đó đánh giá kỹ về yêu cầu quản lý, những tác động của mặt hàng này đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, yếu tố thị trường và cơ chế tổ chức thực hiện sau khi Bộ Y tế quản lý giá theo danh mục bình ổn giá.

Trên cơ sở đó có văn bản đề xuất danh mục mặt hàng, đối tượng, biện pháp… bình ổn giá, Bộ Tài chính sẽ phối hợp trình Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định theo thẩm quyền.

Trả lời Báo Giao thông tại cuộc họp giao ban báo chí sáng 2/11, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, sở dĩ giá kit test mỗi nơi một giá vì loại sinh phẩm này không phải đối tượng quản lý giá của Nhà nước.

Vì thế, giai đoạn vừa qua, Bộ Y tế đã khắc phục bằng việc cấp phép nhập khẩu cho nhiều doanh nghiệp để tăng tính cạnh tranh.

Trước những bất cập này, hiện Bộ Y tế đang nghiên cứu để đề xuất Chính phủ sớm trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa kit test và một số thiết bị y tế phục vụ việc phòng chống dịch Covid-19 vào diện bình ổn giá.

“Chỉ có như vậy Nhà nước mới quản lý được về giá với các sinh phẩm y tế này”, ông Long nói.

Kỳ 1: Siêu lợi nhuận buôn kit test

Theo quy định của Luật Giá, bình ổn giá là việc Nhà nước áp dụng biện pháp thích hợp về điều hòa cung cầu, tài chính, tiền tệ và biện pháp kinh tế, hành chính cần thiết khác để tác động vào sự hình thành và vận động của giá, không để giá hàng hóa, dịch vụ tăng quá cao hoặc giảm quá thấp bất hợp lý.

Khi đó, Chính phủ sẽ định giá hàng hóa, dịch vụ chứ doanh nghiệp không thể tự quyết định mức giá (chẳng hạn như với điện, xăng dầu… hiện nay).

Hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá là hàng hóa, dịch vụ thiết yếu cho sản xuất, đời sống được quy định theo các tiêu chí sau: Nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu và dịch vụ chính cho sản xuất và lưu thông; Hàng hóa, dịch vụ đáp ứng nhu cầu cơ bản của con người.

Hiện Luật Giá quy định Danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá bao gồm 11 nhóm hàng hoá, trong số này chưa có kit test và dịch vụ xét nghiệm Covid-19.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.