An ninh hình sự

Dẹp lối hành xử kiểu “luật rừng” sau va chạm giao thông, cách nào?

24/12/2020, 06:26

Nhiều ý kiến cho rằng, cần tăng nặng khung hình phạt với những đối tượng thích hành xử kiểu “luật rừng” trên đường phố, từ đó mới đủ sức răn đe.

img

Nam thanh niên đập phá xe máy của thai phụ sau va chạm giao thông trên đường Trường Chinh, Hà Nội tháng 9/2020

Những vụ việc dùng vũ lực để giải quyết mâu thuẫn sau va chạm giao thông, trong đó đã có không ít nạn nhân bị đánh là phụ nữ, trẻ em diễn ra liên tiếp trong thời gian gần đây thực sự là hồi chuông đáng báo động. Nhiều ý kiến cho rằng, cần tăng nặng khung hình phạt với những đối tượng thích hành xử kiểu “luật rừng” trên đường phố, từ đó mới đủ sức răn đe.

Nếu thượng tôn pháp luật, mọi chuyện đã không đi quá xa

Công an quận 12, TP HCM vừa kết thúc chuyên án, bắt giữ Nguyễn Thành Thật (SN 1997, quê Sóc Trăng) cùng các đồng phạm về hành vi “Cố ý gây thương tích”. Nhóm đối tượng này đã dùng hung khí tự chế chém khiến anh Thạch Nghiêm (SN 1996, quê Bạc Liêu) đứt lìa bàn tay trái, tỷ lệ thương tật 52%.

Vụ việc kinh hoàng này bắt nguồn từ vụ va chạm giao thông giữa anh Nghiêm và Thật ba tháng trước. Khi va chạm, hai bên lời qua tiếng lại, anh Nghiêm có dùng mũ bảo hiểm đánh vào đầu của Thật rồi bỏ đi. Ấm ức, Thật bỏ 15 triệu đồng thuê nhóm đối tượng chặt tay trả thù anh Nghiêm.

Cùng với vụ việc trên, vụ đối tượng Nguyễn Mỹ Anh (SN 2003, trú Hà Nội) đập phá xe máy của bà bầu sau va chạm giao thông tại Hà Nội; vụ Lê Tấn Thành (29 tuổi, trú Bình Dương) đánh đập nữ sinh 15 tuổi ở Bình Dương; vụ Trần Văn Mẫn (31 tuổi, trú Tây Ninh) hành hung, đạp nữ sinh 12 tuổi xuống mương sau va chạm giao thông… thời gian qua là những ví dụ rất điển hình cho thói xấu cứ xảy ra va chạm giao thông là chửi bới, xô xát đánh nhau, thậm chí là giết người mà không cần biết nguyên nhân đúng sai.

Một điều tra viên chuyên làm công tác khám nghiệm, giải quyết tai nạn của Công an TP Hà Nội phân tích, một vụ va chạm nhẹ không khiến ai bị xây xát gì, nếu giải quyết trên tinh thần thượng tôn pháp luật, thì có thể chỉ bị phạt hành chính. Nhưng sự xốc nổi, bốc đồng của một số đối tượng đã biến vụ va chạm giao thông bình thường thành hủy hoại tài sản, cố ý gây thương tích, thậm chí giết người.

“Quá trình tiếp xúc, khi bình tĩnh lại, các đối tượng đều thừa nhận chỉ vì phút ngông cuồng, mất bình tĩnh, đã cố sức gây gổ, với tâm lý quyết “đòi lại công bằng” cho chính mình, rồi lỡ tay đẩy sự việc đi quá xa…”, vị này cho biết.

Cũng theo vị điều tra viên, theo quy định hiện hành, khi xảy ra TNGT mà nạn nhân thương tích trên 61% sẽ tiến hành chuyển cơ quan CSĐT khởi tố vụ án.

Nhưng sau TNGT mà xảy ra xô xát dẫn đến ẩu đả, đánh nhau, thì chỉ cần thương tích từ 11% trở lên, vụ việc đã được chuyển sang xử lý hình sự về tội “Cố ý gây thương tích”.

Và ngay cả thương tích dưới 11%, nhưng thuộc một trong các trường hợp như dùng hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn gây nguy hại; có tổ chức; gây cố tật nhẹ cho nạn nhân; phạm tội hai lần trở lên hoặc đối với hai người trở lên; phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau, không có khả năng tự vệ thì vẫn có thể bị khởi tố…

“Với thời đại công nghệ hiện nay, camera khắp nơi, mọi vi phạm đều sẽ được tìm ra và bị xử lý nghiêm. Vì vậy, người tham gia giao thông hãy để pháp luật phán xử công bằng, đừng đưa “luật rừng” ra đường phố, đừng biến mình từ bị hại, nạn nhân có thể trở thành bị can, bị cáo, vướng vòng lao lý”, vị cán bộ khuyến cáo.

Nạn nhân bãi nại vẫn phải xử lý kẻ côn đồ

Nhiều năm công tác trong lĩnh vực xử lý vi phạm giao thông, Thượng tá Nguyễn Văn Quỹ, nguyên Tổ trưởng Tổ Xử lý vi phạm, Đội CSGT số 1, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội nhận định, thông thường các đối tượng đánh người sau va chạm, TNGT thường cũng là các đối tượng cộm cán, cho rằng “ta đây có quyền, có thế lực ngầm”. Những đối tượng này có thể tạo áp lực để bị hại rút đơn nhằm thoát việc bị xử lý hình sự.

“Cơ quan CSĐT cần lưu ý làm rõ, nếu việc rút đơn do áp lực, đe dọa thì cần phải xử lý nghiêm”, Thượng tá Quỹ nói và cho rằng, lâu nay việc hung thủ gây áp lực hoặc nạn nhân khi hòa giải đồng ý rút đơn là rất phổ biến. Chính điều đó khiến nhiều kẻ côn đồ vẫn nhởn nhơ ngoài xã hội và tiếp diễn kiểu hành xử theo “luật rừng”

Luật sư Nguyễn Anh Thơm, Trưởng văn phòng luật sư Nguyễn Anh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cũng băn khoăn quy định cho phép hai bên hòa giải, bị hại rút đơn, vụ án sẽ đình chỉ.

“Để phù hợp với thực tế, cần có một công trình đánh giá tác động đến xã hội nhóm tội gây bức xúc trong dư luận xã hội. Đối với một số nhóm tội, kể cả người bị hại rút đơn mà xét thấy vụ việc gây bức xúc cho xã hội thì vẫn cần xử lý để tạo bài học răn đe. Như hành vi thể hiện tính chất hung hãn, côn đồ, nhất là với trẻ em, phụ nữ sau TNGT cũng là nhóm vụ việc gây bức xúc xã hội, cần phải được xử lý hình sự, để những kẻ côn đồ ý thức được rằng đánh người dù bất cứ lý do, hay mức độ nào, cũng sẽ bị xử lý mạnh tay. Chúng ta có thể sửa đổi lại quy định này cho phù hợp”, luật sư Thơm đề xuất.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu,Phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM cũng cho rằng, đánh người đã sai nhưng đánh trẻ em, phụ nữ những người yếu thế thì càng trái với pháp luật và đây là tình tiết tăng nặng.

“Những vụ việc dư luận đã bức xúc, thì dù bị hại rút đơn, vẫn cần phải xử lý. Cần bổ sung quy định này hoặc có án lệ cho những vụ việc như thế, tránh tình trạng gia tăng nạn côn đồ sau va chạm, TNGT”, luật sư Hậu nói.

Theo TS. Trần Đình Lâm, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam - Đông Nam Á, trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP HCM, thực tế hiện nay, khi xảy ra va chạm giao thông, nhiều người thường trở nên hung dữ, không kiềm chế được lời nói và hành động. Từ đó, dẫn đến nhiều vụ việc đáng tiếc, nhiều người đã mất cả tương lai, sự nghiệp chỉ vì không kiềm chế được sự nóng giận tức thời, trong khi không ít nạn nhân bị xâm phạm nghiêm trọng đến sức khỏe, thậm chí cả tính mạng.

Chuyên gia xã hội học, PGS.TS. Trịnh Hòa Bình cũng cho rằng, thường khi con người ta không ý thức được hậu quả mình gây ra nên mới có những hành động bất chấp pháp luật, bất chấp các quy tắc đạo đức và chuẩn mực văn hóa. “Chưa đánh được người mặt đỏ như vang, đánh được người mặt vàng như nghệ, ông cha ta đã dạy rồi, rất tiếc nhiều người không thấm”, ông Bình nói và cho rằng, chỉ có xử lý thật nghiêm thì nhiều người mới biết sợ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.