Góc nhìn

Dẹp người nhập cư ở Bắc Kinh, hàng chục ngàn người bị ảnh hưởng

15/12/2017, 10:16

Người lao động thu nhập thấp ở Bắc Kinh đối mặt với tương lai bất định khi bị trục xuất khỏi nơi tạm trú

27

Người lao động thu nhập thấp ở Bắc Kinh đối mặt với tương lai bất định khi bị trục xuất khỏi nơi tạm trú

Giữa Thủ đô Bắc Kinh sầm uất hoa lệ, đâu đó ở những khu vực nơi chủ yếu lao động phổ thông sinh sống đối diện cảnh tượng được ví như “khu vực bị tàn phá bởi chiến tranh” khi hàng chục nghìn lao động nhập cư/lao động cấp thấp bị buộc phải rời đi.

Chiến dịch làm đẹp mỹ quan đô thị

Chiến dịch trục xuất lao động phổ thông hay lao động cấp thấp nhập cư tại Bắc Kinh diễn ra trên diện rộng bắt đầu từ cuối tháng 11 vừa qua. Hàng chục nghìn lao động nhập cư rơi vào cảnh tượng như gia đình chị Châu Tiểu Vân - người phụ nữ có 3 con, sinh sống bằng công việc bán bánh bao, hoa quả và rau củ tại quận Đại Hưng 10 năm nay.

Tiểu Vân cho biết, gia đình chị cùng các hộ gia đình lân cận gần nơi mình sinh sống tại một khu ở tạm mang tên Đại Hưng bị buộc phải rời đi.

“Chúng tôi bị cắt điện và không có nước sinh hoạt suốt hơn một tuần nay. Tôi vô cùng đau lòng khi phải tìm chỗ ngủ, chỗ ăn cho các con làm sao cho hợp lý. Mỗi lần nghĩ về cái ăn, chỗ ngủ là tôi lại rơi nước mắt. Đây là nhà tôi từng ở và theo tôi biết, nó sẽ sớm bị xóa sổ”, chị cho hay.

Sở dĩ chính quyền Bắc Kinh trục xuất lao động phổ thông trên diện rộng bắt nguồn từ một vụ cháy lớn xảy ra tại Thủ đô của Trung Quốc hôm 18/11 trong đó một chung cư ở khu vực Đại Hưng bị thiêu rụi, cướp đi sinh mạng của 19 người.

Vụ cháy xảy ra đúng thời điểm Bắc Kinh mở chiến dịch lập lại trật tự cảnh quan đô thị, nhân thời điểm này chính quyền yêu cầu các cửa hiệu, nhà hàng bình dân, chỗ buôn bán “gây mất mỹ quan đô thị” phải đóng cửa. Chiến dịch cưỡng chế được ra quân ngay trong buổi tối diễn ra hỏa hoạn.

Cơ quan chức năng địa phương đã ra lệnh buộc các chủ hộ người bản địa phải dỡ bỏ phòng cho thuê, đẩy khoảng 10.000 lao động bậc thấp ra đường giữa thời tiết giá rét. Hàng vạn người thu nhập thấp bỗng nhiên bị đẩy ra đường, trở thành người vô gia cư được ví như thủy triều lên.

Chính quyền Bắc Kinh khẳng định, mục đích của chiến dịch là để đảm bảo an toàn cho chính người nhập cư nhưng nhiều người ở trong hoàn cảnh bất ngờ bị đuổi khỏi nhà cho rằng, thành phố đang tận dụng vụ cháy để “thanh lọc bớt người nhập cư”, giảm áp lực tại thành phố nơi mà dân số đã leo thang tới hơn 20 triệu người. “Bỗng nhiên, trong một đêm, nơi ở của tôi bị phá hủy…

Tôi chưa bao giờ chứng kiến cảnh tượng như vậy trong 8 năm sinh sống tại Bắc Kinh”, một phụ nữ khác họ Trịnh (38 tuổi) đến từ tỉnh miền Trung Henan, chuyên bán hoa quả, rau củ và quầy hàng đã bị phá hủy kể lại.

Khổ mấy vẫn cố bám trụ

Thực tế, trước khi bắt đầu chiến dịch trục xuất, cuộc sống thường ngày của người lao động từ tỉnh lẻ tại Thủ đô cũng đã chẳng thoải mái gì. Họ bị đối xử như những người nước ngoài nhập cư bất hợp pháp và ít được tiếp cận với các dịch vụ công cộng của thành phố nhưng vẫn cố bám trụ để mưu sinh.

Và nay, trước tình cảnh bị đẩy ra đường, nhiều người xác định, dù khó khăn nhưng lợi nhuận kiếm được tại đây vẫn cao hơn ở quê nhà. Do đó, họ vẫn quyết tâm chấp nhận rủi ro tìm một nơi khác để tá túc và mưu sinh. Những người còn lại đành phải trở về quê hương.

Anh Dương, một thợ điện nước tự do từng làm việc tại Bắc Kinh khoảng 7 năm nay, đã quyết định ở lại vì anh có kỹ năng lắp, sửa điều hòa - dịch vụ đang có nhu cầu rất cao. Kế hoạch của anh Dương là thuê một căn phòng nhỏ khoảng 8m2 với giá 1.000 nhân dân tệ/tháng (tương đương 3,4 triệu VND).

Căn phòng chỉ đủ chứa một chiếc giường, một chiếc bàn. Để xuống nhà vệ sinh, anh phải leo thang xuống tầng trệt. Toàn bộ quần áo phải treo bên ngoài hành lang. Căn phòng 8m2 đang chứa thêm một số người bạn cùng cảnh nhập cư bị đuổi ra ngoài và chưa tìm được nơi ở.

Không ít người lao động đã tức giận xuống đường tại Đông Bắc Bắc Kinh thể hiện bức xúc vì chiến dịch trục xuất. Một số khác lại sáng tác thơ văn, nhạc nói lên nỗi lòng và chia sẻ qua mạng nhằm thu hút sự quan tâm.

Gần đây, anh Hiếu Hải (30 tuổi), lao động nhập cư từng sống ở Hồng Môn, Bắc Kinh bỗng chốc nổi tiếng trong 1 đêm khi đoạn video ghi cảnh anh đọc bài thơ viết về làn sóng người bị trục xuất tại Bắc Kinh được chia sẻ rần rần trên mạng.

Bài thơ ban đầu do một nữ văn sĩ đến từ tỉnh Hồ Bắc viết khi bộc bạch nỗi bất mãn của những người lao động nhập cư bị buộc phải rời đi ở Bắc Kinh.

Một người nhập cư khác tại Hồng Môn cũng trở thành hiện tượng trên mạng sau khi những dòng chia sẻ của anh lan truyền rộng rãi trên internet. Không biết từ bao giờ, ngôi làng Hồng Môn đã trở thành biểu tượng tinh thần của hàng triệu người nhập cư. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.