Xã hội

Dẹp vỉa hè dân mừng, chỉ người mất quyền lợi mới kêu

06/03/2017, 06:09

Báo Giao thông trao đổi với Phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Đặng Thuần Phong.

5

Ông Đoàn Ngọc Hải, Phó chủ tịch UBND quận 1 (TP.HCM) cương quyết giành lại vỉa hè - Ảnh: N.Y

Sau TP.HCM, tuần qua Chủ tịch UNBD TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã chính thức lên tiếng bày tỏ thái độ cương quyết xóa bỏ nạn lấn chiếm vỉa hè. Vậy làm thế nào để chiến dịch xóa lấn chiếm vỉa hè thành công? Báo Giao thông trao đổi với Phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Đặng Thuần Phong.

Ông Phong nói: Tôi ủng hộ cách làm của Phó chủ tịch quận 1 (TP.HCM) Đoàn Ngọc Hải vì việc ông Hải đang làm hiện nay, trước đó đã giao cho các phường từ lâu nhưng các phường vẫn chưa làm được. Vì sao các nhiệm vụ ấy không làm được? Thẳng thắn mà nói, việc làm ngơ cho lấn chiếm, kinh doanh trên vỉa hè vốn dĩ được coi là nguồn thu lớn của phường, gắn với quyền lợi của nhiều người nên người ta không muốn dẹp.

Bởi thế, mới có việc giao cho phường mãi mà vẫn đâu vào đấy, thậm chí những nơi lấn chiếm còn biết lực lượng chức năng sẽ ra quân khi nào, ở đâu để đối phó. Trong bối cảnh hiện nay, những việc làm mạnh dạn, quyết liệt như ông Hải đã và đang làm là rất cần thiết, thể hiện tính thượng tôn pháp luật.

6

Phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Đặng Thuần Phong

Dân nức lòng vì được giải tỏa bức xúc

Xét về bản chất, đây là việc làm rất bình thường khi người lãnh đạo làm đúng nhiệm vụ, chức trách của họ. Nhưng theo ông vì sao việc làm của ông Đoàn Ngọc Hải lại tạo được làn sóng ủng hộ mạnh mẽ trong dư luận đến thế?

"Có thể nhiều người dân bất ngờ trước động thái quyết liệt của lãnh đạo quận 1 (TP HCM) nên phản ứng, rồi từ đó họ vin vào luật đưa ra nhiều quan điểm trái chiều. Nhưng xét cho cùng, việc làm quyết liệt là việc làm đúng, cái quan trọng là vừa làm vừa điều chỉnh cho phù hợp. Trong giai đoạn này, hàng loạt vấn đề lợi ích nhóm đan xen và việc thượng tôn pháp luật chưa ổn thì cần có những người đi đầu quyết liệt, mạnh dạn. Khi người ta dám đứng mũi chịu sào, dám làm quyết liệt, chấp nhận có đụng chạm… tất cả đều vì lợi ích chung, vậy thì chẳng có lý do gì mà chúng ta không ủng hộ”.

Ông Đặng Thuần Phong

Người dân nức lòng ủng hộ vì từ trước đến giờ người ta quá bức xúc rồi. Cái chuyện đơn giản như vậy mà không làm, làm không nghiêm túc, thậm chí còn “móc nối ” với nhau.

Thực tế, chính quyền dựa vào nguồn thu từ vỉa hè nên việc xử nhẹ tay, thậm chí còn có sự câu kết, bảo kê để việc lấn chiếm ngang nhiên diễn ra. Thực trạng ấy người dân biết rất rõ, người ta ngầm hiểu với nhau rằng, phải “có này, có nọ” mới được để cho yên, không sẽ bị kiếm chuyện. Vì dân bức xúc lâu không được giải quyết, mà bây giờ lại có người làm việc này một cách trong sáng, không vụ lợi, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân thì họ mừng lắm, ủng hộ ngay.

Đương nhiên, việc quyết liệt sẽ gây đụng chạm nhưng cần ủng hộ để họ có thể vừa làm vừa điều chỉnh. Nhà nước, nhân dân phải ủng hộ, giúp đỡ, tạo cơ chế cho những người lãnh đạo như ông Hải làm tốt, để những địa phương khác dựa theo đó học tập.

Tuy nhiên, lãnh đạo quận không thể mãi trực tiếp xử lý những việc cụ thể như thế, thưa ông?

Việc lãnh đạo trực tiếp xuống đường xử lý những việc cụ thể chỉ là để làm gương. Về lâu dài phải giao thẩm quyền quản lý việc này cho phường, cùng với đó là quy trách nhiệm cụ thể, phường nào làm không xong thì xử lý trách nhiệm những người ở phường đó. Làm tốt thì khen thưởng, không làm được kỷ luật, luân chuyển. Còn nếu vẫn xem đây là nguồn thu ngoài luồng của phường thì sẽ không bao giờ giải quyết được vấn đề.

Xem thêm video:

7
Ông Đoàn Ngọc Hải dẫn đầu đoàn kiểm tra liên ngành xử lý nhiều trường hợp vi phạm lấn chiếm vỉa hè, lòng đường - Ảnh: Duy Trần

Cần đồng bộ mở chiến dịch lập lại trật tự vỉa hè

Theo ông, sự quyết liệt như cách TP.HCM đang làm có thể là bài học cho các địa phương khác?

Việc làm của quận 1 vừa qua đã có sự lan tỏa thì nên có tổng kết đánh giá để báo cáo, nếu phù hợp, Chính phủ có chỉ đạo chung trên toàn quốc. Những địa phương có đô thị cùng ra quân đồng loạt ra quân sẽ hiệu quả ngay.

Tôi nghĩ sẵn đà này, ta mở chiến dịch lập lại trật tự vỉa hè, dành ra 1-2 tháng lấy lại vỉa hè cho dân đi: Chính phủ cho chủ trương, công an vào cuộc hỗ trợ, các tổ chức xã hội và quần chúng ủng hộ, MTTQ vào cuộc vận động nhân dân… Đây là việc trong tầm tay, quyết tâm, quyết liệt sẽ làm được ngay.

Đơn giản như ở Hà Nội, với những sai phạm lâu dài như ở toà nhà số 8B Lê Trực, nếu Chính phủ không quyết liệt lên tiếng nhiều thì chắc chắn để lâu rồi lại chìm xuống. Rồi bao nhiêu vỉa hè của Hà Nội, ra quân dẹp nhưng chưa đi khỏi người ta đã lại bày ra chiếm dụng, cứ thế mãi thì không thể giải quyết được vấn đề.

Giờ phải cho đi khảo sát trước xem bao nhiêu nhà lấn chiếm, bao nhiêu vỉa hè bị chiếm dụng, ra thông báo cho những cá nhân đó trong thời hạn nhất định phải tự xử lý, nếu sau thời hạn đó không thay đổi thì xử lý, lập biên bản, cưỡng chế. Cứ quyết liệt thế thì làm được thôi.

Lấn chiếm vỉa hè là vấn đề nhức nhối ở nhiều đô thị. Nghe thì tưởng chừng là đơn giản, nhưng lại rất khó dẹp. Phải chăng có những lợi ích đứng sau chi phối việc này, thưa ông?

Lợi ích nhóm chắc chắn có, nhưng mức độ đến đâu mình chưa có cơ sở để nói. Tôi e rằng việc này có sự gắn kết giữa “đỏ” và “đen”, tức là những người làm quản lý thao túng để các đối tượng xã hội khác quản lý vỉa hè, chứ bản thân cán bộ của phường trực tiếp đứng ra thì không ai dám.

Vỉa hè là của Nhà nước, Nhà nước bỏ tiền xây dựng vỉa hè khang trang cho người đi bộ, anh lấn chiếm kinh doanh, không đóng một đồng thuế nào, đẩy người đi bộ xuống đường, tiền lợi nhuận toàn chảy vào túi cá nhân để rồi giờ xử lý lại kêu gào, như thế không thể được. Những người có quyền lợi trực tiếp họ kêu chứ dân có kêu đâu, dân rất mừng.

Cảm ơn ông!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.