Thị trường

Dệt may cán đích cuối năm, thưởng Tết ra sao?

05/12/2021, 11:54

Nhờ giải pháp “sống chúng với dịch”, ngành dệt may có thể đạt kế hoạch năm, đảm bảo thu nhập, thưởng Tết cho lao động...

Từ khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 quy định tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, đã tạo đà cho doanh nghiệp ổn định việc sản xuất để kịp các đơn hàng cuối năm cho đối tác, cũng như đảm bảo việc làm, thu nhập cho người lao động.

Thưởng Tết năm nay cao hơn 5%

Ông Phí Ngọc Trịnh, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn May Hồ Gươm cho biết, để kịp cho những đơn hàng cuối năm, toàn bộ phân xưởng, máy móc đều phải hoạt động 24/24 giờ, công nhân cũng phải chia 3 ca để cả ngày lẫn đêm.

Theo ông Trịnh, do cách đây hơn 2 tháng, khi dịch bệnh Covid-19 căng thẳng, công ty đã bị phạt chậm giao hang nên thay vì xuất đi bằng tàu biển, hàng hóa được vận chuyển bằng máy bay tại thời điểm này.

img

Ngành dệt may chạy đua với đơn hàng cuối năm

Nhờ giải pháp “sống chúng với dịch”, May Hồ Gươm đã hoàn thành 100% kế hoạch năm 2021, doanh thu ước đạt 20 tỷ USD. Ông Trịnh cho biết, có được thành quả này là nhờ giữ được tối đa lao động, ai cũng có công ăn việc làm, để kịp quay lại sản xuất, đơn hàng không bị chuyển đi nước khác.

“Thưởng Tết năm nay cho người lao động cũng sẽ cao hơn khoảng 5% (hơn 1 tháng thu nhập) so với năm ngoái”, ông Trịnh nói.

Ông Nguyễn Văn Hạnh, Giám đốc điều hành Tổng công ty May Bắc Giang cũng cho biết, công ty đã phải tranh thủ từng giây, từng phút để làm kịp đơn hàng mùa đông cho đối tác.

Để đảm bảo sức khỏe cho lao động, ngoài xét nghiệm, công ty còn tăng suất ăn, xoay giờ làm, phát sữa, vitamin C... Hiện, công ty đã tiếp nhận nhiều đơn hàng từ Mỹ, Nhật, Châu Âu. Nhờ đó năm nay, công ty vẫn dự kiến đạt doanh thu 1.100 tỷ đồng, vượt chỉ tiêu 10%-15%...

Đại diện Hiệp hội dệt may (Vitas) chia sẻ, những đợt giãn cách xã hội kéo dài tại các tỉnh phía Nam trong đợt dịch thứ 4 đã khiến công suất ngành giảm khoảng một nửa, ảnh hưởng lớn tới chuỗi cung ứng trong nước, quốc tế.

Song, nhờ các biện pháp nới lỏng giãn cách từ đầu tháng 10, sản xuất dệt may, nhất là ở khu vực TPHCM và các tỉnh thành phía Nam, đã hồi phục nhanh chóng nhờ các đơn hàng đi Châu Âu và Mỹ.

“Tỷ lệ người lao động trở lại các nhà máy làm việc đạt hơn 90% và các doanh nghiệp lớn gần như đều đạt được kế hoạch đề ra”, Vitas thông tin.

Xuất khẩu dệt may có thể đạt 38 tỷ USD

Số liệu của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho thấy, ngành dệt may đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 32 tỷ USD trong 10 tháng qua, tăng gần 11% so với cùng kỳ 2020.

Hai tháng còn lại của năm, xuất khẩu dự kiến đạt 3 tỷ USD mỗi tháng, cả năm có thể đạt khoảng 38 tỷ USD (kế hoạch năm 2021 dự kiến là 39 tỷ USD).

Vitas đánh giá, nhu cầu thị trường thế giới với các sản phẩm may mặc trong năm 2022 sẽ tăng nhanh chóng cùng việc mở cửa trở lại của các quốc gia.

Dự báo, xuất khẩu dệt may năm sau có thể đạt 43-43,5 tỷ USD.

Ngoài việc đảm bảo mục tiêu xuất khẩu, ngành dệt may cũng đang đảm bảo công ăn việc làm cho hàng triệu lao động trên cả nước.

Nhưng để đạt mục tiêu này, Vitas lưu ý các doanh nghiệp sản xuất dệt may trong nước cần bắt kịp xu hướng tiêu dùng, đẩy mạnh dùng nguyên liệu đầu vào có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng... để tận dụng lợi thế từ các thị trường xuất khẩu truyền thống như Mỹ, EU, các thị trường thuộc khối CPTPP hay RCEP...

Việc này cũng nhằm khẳng định chiến lược sản xuất, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững của ngành dệt may.

Đặc biệt, theo Vitas, khi phục hồi sản xuất, điều quan trọng nhất là không xảy ra tình trạng “chảy máu” lao động. "Để khích lệ người lao động gắn bó với doanh nghiệp, nhiều công ty đã ứng trước lương cho người lao động. Đây mới chính là vấn đề cốt lõi để giữ chân người lao động gắn bó lâu dài", Chủ tịch Vitas nhận định.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.