Đời sống

Đi cà kheo đẩy ruốc

13/02/2021, 17:00

Mỗi khi bà con bước chân lên bàn kheo để dầm mình dưới biển là mùa ruốc bắt đầu...

img

Khi ruốc biển bơi gần bờ, việc đánh bắt dễ dàng, tuy nhiên khi ra tới vùng nước sâu, ngư dân sẽ buộc phải đi cà kheo vì có những chỗ ngập lút đầu người

Nếu đi cà kheo được coi là một trò chơi dân gian của các miền quê khác, thì ở vùng biển quê tôi, mỗi khi bà con bước chân lên bàn kheo để dầm mình dưới biển là mùa ruốc bắt đầu. Đẩy ruốc, dùa ruốc… là hình thức đánh bắt tép biển của một bộ phận ngư dân nghèo ven biển Diễn Châu, Nghệ An.

Đồ nghề đặc biệt

Đi dọc bờ biển các xã Diễn Trung, Diễn Thịnh, Diễn Thành… của huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp một hình thức đánh bắt rất đỗi đơn giản nhưng cũng vô cùng hiệu quả của ngư dân - đó là nghề đẩy ruốc (có nơi gọi tép biển, có nơi gọi là moi).

Ngư cụ dùng để đẩy ruốc gồm 1 cây tre to dài phía sau và 2 cây tre bằng nhau nhưng nhỏ hơn, ba cây khớp lại với nhau thành hình chữ Y. Ngư dân quê tôi gọi là dùa. Dùa trông rất đơn giản, nhưng để có một bộ “đồ nghề” tốt thì không phải dễ. Cây tre dùng để làm dùa phải già, ruột tre không được đặc quá, cũng không được rỗng quá. Đặc biệt, những cây tre phải thẳng và không bị sâu mọt.

Ông Cao Công, một ngư dân ở xã Diễn Thịnh chia sẻ, trước đây, tre trong làng nhiều, giờ người ta chặt bỏ để xây tường rào nên rất khó tìm. Để tìm được một cây tre ưng mắt, có khi phải đi cả tuần, lùng sục khắp các khóm tre ở vùng xa.

Nhiều cây khi nhìn thấy ưng mắt rồi nhưng khi chặt về lại bị cong, lượn, phải hơ qua lửa để uốn cho thẳng theo ý mình. Tre sau khi chặt về được đem phơi khô, bào trơn các đốt để khi đi biển lưới không mắc phải.

Ngoài dùa, đồ nghề của ngư dân đẩy ruốc còn có ngào, kheo và vòng. Ngào thường được đẽo từ các gốc tre hoặc các loại gỗ mềm, đẽo xong có hình giống như đôi hài (giầy) của các diễn viên tuồng. Ngào sẽ được gắn vào đầu mũi 2 cây tre phía trước, để ngư dân có thể đẩy dùa đi dưới nước dễ dàng.

Kheo là đôi chân nối dài của ngư dân, nó được làm từ 2 khúc tre thẳng đứng, phía đầu trên được gắn một bàn gỗ ngang. Mỗi khi vươn khơi, ngư dân sẽ lắp vào để đi (gọi là đi cà kheo). Kheo có nhiều kích thước khác nhau, 4 gang (gang tay người lớn), 7 gang, 11 gang, 15 gang.

Sở dĩ phải đi cà kheo là để ngư dân vẫn có thể bắt được ruốc khi ra ngoài vùng nước sâu, xa bờ.

Còn vòng được kết từ những sợi mây có bề mặt ngang bằng khoảng 3 ngón tay, đường kính rộng hơn bắp đùi một tí. Ngày nay, dây mây hiếm, ngư dân dùng vỏ bao xi măng rồi may lại. Vòng có chức năng nẹp chắc kheo và chân người để ngư dân đi lại dễ dàng hơn.

Nửa còn lại của bộ đồ nghề bắt ruốc là lưới - ngư dân Diễn Châu gọi là trủ ruốc. Trủ ruốc có hình giống như cái chài nhưng có đuôi dài phía sau, các mắt lưới của trủ ruốc rất bé, chỉ khoảng 1 - 2mm. Trước đây, trủ thường được dệt tay từ nguyên liệu tơ. Nhưng cùng với sự phát triển của máy móc, ngày nay người ta dùng cước và dệt bằng máy.

“Trủ tơ thoáng nên lúc đẩy sẽ bén ruốc hơn nhưng lại dệt bằng tay từ nguyên liệu tơ nên các mắt trủ không đều và nhanh hỏng hơn. Trủ cước thì cứng nhưng lại đều các mắt và bền hơn”, ngư dân Phan Bốn, ở xã Diễn Thịnh cho biết.

Hiểm nguy rình rập

img

Ngư dân Diễn Châu đẩy ruốc ngay trong bờ, mực nước sát mắt cá chân

Những ngày có ruốc, không khí ở vùng ven biển ở các xã Diễn Thịnh, Diễn Trung, Diễn Thành… của huyện Diễn Châu nhộn nhịp hẳn lên. Ngay từ 4h sáng, những người đi đẩy ruốc đã gọi nhau í ới. Cả vùng cửa biển huyên náo khác thường.

Vừa buộc dây ở đầu miệng trủ vào tay ngào, ông Đặng Tùng, ngư dân ở xã Diễn Trung cho biết: “Có hôm, con ruốc vào ngay mắt cá chân nhưng cũng có hôm nó ở tận ngoài khơi. Chúng tôi căn cứ vào con nước lên, xuống; những hôm có trăng thì căn vào giờ trăng lặn, trăng mọc… rồi dựa vào kinh nghiệm của mình mà đẩy ruốc ở những vùng nước khác nhau. Giờ đi đẩy ruốc cũng không cố định, có khi nửa đêm, có khi sáng sớm cũng có khi giữa chính trưa hay cuối chiều”.

Khi được hỏi nghề đẩy ruốc có từ khi nào thì những ngư dân nơi đây đều không ai hay. Họ chỉ biết, khi lớn lên đã thấy ông cha mang dùa, mang kheo ra biển.

Nhìn những ngư dân vác kheo, dùa trên vai đi đẩy con ruốc ngoài biển, ai cũng thấy dễ dàng nhưng thực ra mọi chuyện không đơn giản. Muốn con ruốc vào trủ, người đẩy vừa đi vừa phải đè dùa chìm xuống nước, 2 ngào phải đi rà sát mặt đất. Ngoài ra, đi dưới biển, nước chảy rất mạnh, muốn đi được lâu, ngoài thể lực tốt, ngư dân còn phải có sức bền.

“Những hôm sóng yên biển lặng, trủ đẩy còn đi được chứ những hôm biển nhóc (biển động) thì bò mãi mới được một đoạn. Thế mà có những hôm chúng tôi đi cả chục cây số dưới nước”, ông Cao Công, ngư dân ở xã Diễn Thịnh chia sẻ.

Chưa hết, để đẩy được ruốc ngư dân còn phải gan dạ và khéo léo. Gan dạ để đi được kheo, bởi theo các ngư dân không phải ai đi đẩy ruốc cũng đi được kheo. Có những người đi mấy năm ròng nhưng vẫn không dám bước chân lên kheo mà chỉ đẩy trong bờ.

Còn, khéo léo để xử lý những tình huống gặp phải trên biển, đó là những lúc gặp phải vùng đất có bùn non, không thể đẩy được, ngư dân phải bình tĩnh lùi lại hoặc nâng dùa lên để thoát ra. Rồi những hôm biển rác nhiều, mỗi khi cất trủ lên, ngư dân phải từ từ, cẩn trọng sàng lắng để loại bớt rác.

img

Mắm ruốc (hay còn gọi ruốc hôi, mắm tôm)

Ngoài vất vả, nặng nhọc, những ngư dân đẩy ruốc còn luôn phải đối diện với những nguy hiểm rình rập. Đó là những lúc chân bị căng cơ hay gãy kheo ngoài khơi…

Có hơn 10 năm trong nghề đẩy trủ nhưng ông Sỹ, ngư dân xã Diễn Thành vẫn nhớ như in vụ gãy kheo năm 2014. “Lúc đó, tôi đang đi đôi kheo 15 gang, biển động mạnh nhưng lại có ruốc nên tôi cố đẩy thêm. Đang đi thì chiếc kheo chân trái bất ngờ gãy gang.

Tôi bám vào dùa để bơi vào bờ nhưng ruốc trong trủ nhiều quá, dùa bị chìm nên bơi mãi không được. Để bảo toàn tính mạng, tôi đành phải đổ hết ruốc để bám vào dùa mà bơi vào”, ông Sỹ kể.

Theo những ngư dân thì ngoài vụ ruốc mùa (tháng 5 - 6), còn có vụ ruốc gửi (tháng 10 - 11 âm lịch), nhưng ruốc tháng 11 thường không nhiều, chất lượng và màu sắc cũng không bằng ruốc tháng 6.

Con ruốc tuy nhỏ bé nhưng giàu giá trị dinh dưỡng. Các món ăn được chế biến từ ruốc cũng rất đa dạng và bắt mắt. Ruốc tươi, ruốc khô hay mắm ruốc đang trở thành những món ăn đặc sản, được nhiều người săn đón. Nay, ruốc không chỉ có trong những bữa ăn gia đình vùng nông thôn mà còn có trong những nhà hàng, khách sạn sang trọng.

Theo ngư dân Cao Công, ruốc chủ yếu có 2 mùa, mùa tháng 5 - 6 và mùa tháng 11. Tuy nhiên, ngư dân đẩy ruốc hay được vào mùa tháng 5 - 6. Mùa này, ngày cao điểm có thể đẩy được hơn 1 tạ/ngày, thu nhập trên dưới 2 triệu đồng. Tuy nhiên, cả trăm ngày mới có 1 ngày như thế, nên nếu tính bình quân cả năm thì 1 ngày chưa đủ 1kg.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.