Đường bộ

Đi cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng gần hơn 12km so với các quốc lộ khác

16/06/2022, 14:18

Tỉnh Sóc Trăng đã chuẩn bị tất cả các điều kiện cần để sẵn sàng triển khai dự án Đầu tư xây dựng đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng.

Chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết

Liên quan đến dự án Đầu tư xây dựng đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, ông Lâm Hoàng Nghiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, sau khi Quốc hội ra Nghị quyết, tỉnh mới thực hiện tiếp các công việc tiếp theo liên quan đến dự án theo trình tự, quy định của pháp luật.

“Đến thời điểm này, về phía tỉnh đã chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai nhanh tuyến cao tốc trục ngang này. Đó là khảo sát, lập thiết kế dự toán. Khi Quốc hội thông qua sẽ làm thủ tục đấu thầu, lựa chọn thiết kế…”, ông Nghiệp thông tin thêm.

img

Vị trí giao giữa dự án với QL1 đoạn qua địa bàn tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: Lê An

Cũng theo ông Nghiệp, dự kiến trong quý 1/2023 sẽ khởi công dự án Đầu tư xây dựng đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, đáp ứng mong mỏi của người dân địa phương.

Đối với việc chuẩn bị vật liệu phục vụ thi công cao tốc qua địa bàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng – Lâm Hoàng Nghiệp thông tin thêm, vừa rồi Chính phủ đã có chỉ đạo giao Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) chủ trì phối hợp với tỉnh Sóc Trăng khảo sát, tính toán lại sản lượng đất, cát.

“Trong trường hợp khai thác liệu có ảnh hưởng đến môi trường hoặc có gây sạt lở hay không? Khi đáp ứng được yêu cầu, tỉnh sẽ cấp phép cho đơn vị khai thác để phục vụ các công trình trọng điểm (bao gồm: đường cao tốc; trục đường Đông - Tây…), chứ không khai thác theo kiểu kinh doanh mua bán”, ông Nghiệp nói.

Về vấn đề giải phóng mặt bằng (GPMB) phục vụ dự án, ông Lâm Hoàng Nghiệp cho rằng, có khoảng 310 hộ dân của tỉnh bị ảnh hưởng bởi dự án. Nhưng diện tích đất sử dụng để xây dựng đường cao tốc chủ yếu là đất ruộng, không dính nhiều vào nhà dân, nên công tác GPMB cơ bản thuận lợi.

“Tỉnh cũng đang tập trung điều tra, thống kê cụ thể các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án để có hướng bồi thường, hỗ trợ kịp thời.

Đồng thời, giao cho các huyện, xã có tuyến cao tốc đi qua đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân ủng hộ, chấp hành tốt chủ trương của tỉnh, sớm bàn giao mặt bằng sạch để triển khai dự án, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”, ông Nghiệp cho hay.

img

Chính phủ đã có chỉ đạo giao Bộ TN&MT chủ trì phối hợp với tỉnh Sóc Trăng khảo sát, tính toán lại sản lượng đất, cát để phục vụ cho việc xây dựng cao tốc trục ngang Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng. (Ảnh minh họa)

Rút ngắn thời gian di chuyển

Theo đại diện đơn vị tư vấn, dự án Đầu tư xây dựng đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng có tổng chiều dài hơn 188km, điểm đầu kết nối QL91 (thuộc TP Châu Đốc, tỉnh An Giang), đi song song với QL91 qua TP Cần Thơ, tỉnh Hậu Giang, tỉnh Sóc Trăng và kết thúc tại cảng Trần Đề (huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng).

Trong giai đoạn 1, tuyến được đầu tư với quy mô 4 làn xe, bố trí làn xe dừng khẩn cấp không liên tục với tổng mức đầu tư hơn 44.690 tỷ đồng.

Dự án được kiến nghị chia thành 4 dự án thành phần, gồm: Dự án thành phần 1 (từ Km0+000 - Km57+200) chiều dài hơn 57km (thuộc tỉnh An Giang và TP Cần Thơ); dự án thành phần 2 (từ Km57+200 - Km94+400) chiều dài hơn 37km (thuộc TP Cần Thơ).

Dự án thành phần 3 (từ Km94+400 - Km131+300) chiều dài gần 37km (thuộc tỉnh Hậu Giang); dự án thành phần 4 (từ Km131+300 - Km188+200) chiều dài gần 59km (thuộc tỉnh Hậu Giang và tỉnh Sóc Trăng).

Về phương án GPMB, đơn vị tư vấn cho biết, diện tích đất cần sử dụng cho dự án khoảng 1.205ha. Trong đó, đất trồng lúa khoảng 860ha, đất dân cư 24ha, đất trồng cây lâu năm 127ha, với khoảng 1.194 hộ dân bị ảnh hưởng.

Với ưu thế năng lực thông hành lớn, tốc độ cao, thuận tiện, an toàn, tuyến cao tốc trục ngang sẽ rút ngắn khoảng cách di chuyển từ TP Châu Đốc (tỉnh An Giang) đến cảng Trần Đề (huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng) khoảng 12km, từ 90 - 120 phút di chuyển so với các quốc lộ hiện hữu.

Theo đơn vị thực hiện dự án, việc đầu tư xây dựng đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng là hết sức cần thiết, nhằm hình thành trục ngang trung tâm vùng Đồng bằng sông Cửu Long kết nối với các trục dọc.

Đặc biệt là phát huy tốt nhất hiệu quả các dự án đã và đang đầu tư, đáp ứng nhu cầu vận tải trên hành lang kinh tế Tây Bắc - Đông Nam.

Bên cạnh đó, tạo dư địa, động lực phát triển không gian vùng với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, kết nối các trung tâm kinh tế, cửa khẩu quốc tế và cảng biển, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của cả khu vực…

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.