Xã hội

Di dời, chặt hạ 1.300 cây xanh: Sở Xây dựng Hà Nội nói gì?

06/06/2017, 19:41

Sở Xây dựng Hà Nội nói về việc di dời, chặt hạ 1.300 cây xanh dự án mở rộng đường vành đai 3.

chặt cây xanh đường phạm văn đồng

Sở Xây dựng Hà Nội khẳng định chỉ tình huống bất khả kháng mới phải chặt hạ cây xanh trong dự án mở rộng đường vành đai 3.

Tại buổi giao ban báo chí do Thành ủy Hà Nội tổ chức chiều 6/6, lãnh đạo Sở Xây dụng Hà Nội cho biết, quá trình xây dựng, mở rộng tuyến đường vành đai 3, thành phố ưu tiên tối đa cho việc giữ lại, dịch chuyển cây xanh và tình huống bất khả kháng mới phải chặt hạ. 

Thông tin về việc dịch chuyển, giải tỏa cây xanh trên tuyến đường Phạm Văn Đồng, thuộc vành đai 3 (đoạn từ Mai Dịch đến cầu Thăng Long), Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, tuyến đường vành đai 3 là trục giao thông huyết mạch của thành phố, là tuyến đường hết sức quan trọng của giao thông liên tỉnh qua Hà Nội. Việc xây dựng, mở rộng tuyến đường theo quy hoạch là yêu cầu hết sức cấp bách và cũng phù hợp với tốc độ tăng trưởng, nhu cầu đi lại của người dân.

Trong khi đó, đoạn đường Phạm Văn Đồng (từ cầu Mai Dịch đến cầu Thăng Long) hiện nay vẫn là đường cũ, mặt cắt ngang từ 23m đến 25m, với 4 làn xe cơ giới, 2 làn xe thô sơ, các nút giao thông đồng mức, mật độ xe lưu thông dày đặc với lưu lượng xe thuộc loại cao nhất của thành phố. Hệ thống giao thông cũ kỹ và các điểm giao đồng mức, dân cư ngày càng cao nên tuyến đường này được thống kê là một trong những tuyến quá tải nghiêm trọng, ùn tắc diễn ra gần như cả ngày tại các điểm giao Hoàng Quốc Việt, đường ngang Học viện Tài chinh và đáng ngại hơn cả là các đường ngang Tân Xuân, Cổ Nhuế, Công viên Hòa Bình...

Trước yêu cầu cấp bách đó, thành phố đã quyết tâm triển khai xây dựng tuyến đường Phạm Văn Đồng thuộc vành đai 3 (đoạn từ Mai Dịch đến cầu Thăng Long) với 2 dự án.

Ông Võ Nguyên Phong, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội thông tin, để triển khai dự án, chủ đầu tư đã phải tiến hành GPMB, giải tỏa 884 hộ dân, cơ quan đơn vị, công trình hạ tầng kỹ thuật… Ngoài việc giải tỏa công trình nhà, công trình hạ tầng thì trên tuyến đường này có một số lượng cây xanh đáng kể cần tính toán, xử lý phục vụ công tác triển khai làm đường.

Theo phương án do đơn vị tư vấn lập, Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng các công trình giao thông Hà Nội thống nhất thì phương án dịch chuyển, giải tỏa và cắt tỉa cây xanh trên tuyến với tổng số 1.315 cây, trong đó: giữ nguyên vị trí 142 cây; dịch chuyển 158 cây; cây xanh phải giải tỏa, chặt hạ 1.015 cây gồm xà cừ, bàng, cau vua, keo, trứng cá, xoan, bạch đàn, vông gai, nhãn, sung, muỗm…

Theo ông Phong, nhu cầu, số liệu dịch chuyển, giải tỏa cây xanh trên tuyến đường đến nay mới chỉ là theo phương án đề xuất của đơn vị tư vấn và chủ đầu tư dự án đưa ra. Quan điểm của thành phố trong phương án quy hoạch đầu tư xây dựng là tránh tối đa vùng cây xanh, công viên, hồ nước. Trong trường hợp bắt buộc dịch chuyển, giải tỏa cây xanh nằm trong phạm vi giải phóng mặt bằng thực hiện dự án phải được tính toán chặt chẽ, chọn phương án tối ưu với ưu tiên hàng đầu là bảo tồn. "Di chuyển dù có thể phát sinh chi phí, trong điều kiện không thể dịch chuyển mới thực hiện giải phảp giải tỏa, chặt hạ", ông Phong nói.

Đối với số cây phải xử lý trong dự án này, thành phố giao các cơ quan, đơn vị liên quan lên danh sách, hồ sơ cây xanh, phương án cụ thể đối với từng cây, có sự giám sát chặt chẽ việc xử lý cây xanh khi di dời hay chặt hạ. "Giải pháp tối ưu là dịch chuyển, giữ nguyên vị trí nếu tận dụng được và bất khả kháng như nằm bên dưới hệ thống hạ tầng không thể đào được, vướng các công trình ngầm thì mới chặt", ông Phong nói và cho biết thêm, thành phố không có chủ trương về giải tỏa, thay thế 4.000 cây xà cừ mà báo chí đã nêu.

Dự án mở rộng đường vành đai 3 (đoạn từ cầu vượt Mai Dịch đến chân cầu Thăng Long) là một trong 52 công trình trọng điểm của TP.Hà Nội được ưu tiên đầu tư giai đoạn 2016-2020 có tổng đầu tư 3.113 tỷ đồng, sử dụng vốn ngân sách. Tổng tuyến đường dài 5,6 km được mở rộng mặt cắt ngang từ 56m lên 93m, mỗi bên 6 làn xe cơ giới và 5 cầu vượt đi bộ. Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội cho biết, việc chặt hạ, di dời cây xanh trên đường Phạm Văn Đồng là bắt buộc.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.