Giao thông

Di dời ga Đà Nẵng 4 năm vẫn giậm chân tại chỗ

30/06/2018, 06:30

Việc di dời ga đường sắt Đà Nẵng ra khỏi trung tâm thành phố đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý...

9

Dự án di dời ga Đà Nẵng là cấp thiết nhằm tăng năng lực đường sắt, đảm bảo an toàn và quy hoạch phát triển đô thị

Thời gian qua, rất nhiều ông lớn quan tâm đầu tư, xong đến nay dự án vẫn chưa thể triển khai do chưa thống nhất phương án bố trí vốn.

Cấp bách di dời để tránh ùn tắc

Theo Cục Đường sắt VN, ga Đà Nẵng là một trong 3 nhà ga lớn của đường sắt. Chỉ tính riêng năm 2017, hành khách lên tàu tại ga này lên tới hơn 318 nghìn. Hàng ngày có 7 đôi tàu khách đi và đến, dịp cao điểm chạy thêm 1 - 2 đôi. Ngoài ra, hàng hóa tại đây cũng lên đến hơn 12.500 tấn.

Tuy nhiên, Phó cục trưởng Cục Đường sắt VN Khương Thế Duy cho biết, vị trí ga Đà Nẵng đang có nhiều bất cập. Nhà ga và các cơ sở công nghiệp đường sắt đặt tại trung tâm thành phố, nơi tập trung dân cư đông đúc ảnh hưởng đến quy hoạch, gây ùn tắc giao thông. Cùng đó, hành lang ATGT của đường sắt nhiều đoạn bị lấn chiếm. “Ga Đà Nẵng hiện tại là ga cụt, do đó các đoàn tàu thông qua Đà Nẵng đều phải làm tác nghiệp đảo đầu máy kéo dài thời gian tác nghiệp của đoàn tàu”, ông Duy nói.

"Đà Nẵng đã nhiều lần làm việc với Cục Đường sắt VN và Bộ GTVT, thống nhất phương án vốn huy động từ nhiều nguồn, trong đó Đà Nẵng góp từ khai thác quỹ đất ga hiện tại. Đặc biệt là cần nguồn vốn từ ngân sách Trung ương, vì đã có nhiều nhà đầu tư đến tìm hiểu, nhưng khi thấy chưa có phương án tài chính đảm bảo cho dự án nên đã rút lui. Đà Nẵng cũng đang tiến hành bước lập hồ sơ dự án tiền khả thi, để trình Chính phủ bố trí vốn cho giai đoạn 2021 - 2025”.

Giám đốc Sở GTVT Đà Nẵng
Lê Văn Trung

Giải quyết những bất cập này, ngay từ những năm 2002, di dời ga Đà Nẵng và các công trình liên quan ra khỏi trung tâm TP Đà Nẵng đã được xác định trong Quy hoạch tổng thể phát triển ngành GTVT của đường sắt Việt Nam đến năm 2020. “Cục Đường sắt VN và TP Đà Nẵng đã làm việc, họp bàn nhiều lần và thống nhất về quy hoạch, trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt”, ông Duy nói và cho biết, việc di dời ga đường sắt Đà Nẵng ra khỏi trung tâm đã được Thủ tướng đồng ý về chủ trương từ năm 2014.

Đây là dự án có tính cấp thiết, nên năm 2017, Bộ GTVT đã trình Chính phủ xin chủ trương về phương án đầu tư. Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, do dự án có quy mô, tổng mức đầu tư lớn nên sẽ phân kỳ đầu tư thành hai giai đoạn. Giai đoạn I, xây dựng tuyến đường sắt mới với tổng chiều dài 18,26km, xây dựng ga Đà Nẵng mới với chức năng như ga Đà Nẵng hiện tại; Nâng cấp ga Lệ Trạch để đảm nhận khối lượng xếp dỡ của ga Đà Nẵng hiện tại; Xây dựng mới 2 cầu đường sắt, 1 cầu đường bộ vượt đường sắt, 4 đường ngang; Xây dựng khu đầu máy, toa xe tại khu ga mới và hệ thống thông tin tín hiệu đảm bảo phục vụ chạy tàu. Tổng mức đầu tư khoảng 3.393 tỷ đồng.

Giai đoạn II, xây dựng mới ga hàng hóa Kim Liên; Xây dựng cầu vượt tại 4 đường ngang đường sắt; Đầu tư đồng bộ hệ thống thông tin tín hiệu với dự án tín hiệu Vinh - Nha Trang. Tổng mức đầu tư khoảng 2.371 tỷ đồng.

Nhiều DN quan tâm nhưng “mắc” phương án vốn

Ông Khương Thế Duy cho biết, dự án di dời ga Đà Nẵng thời gian qua thu hút được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Một số nhà đầu tư đã gửi văn bản đề nghị và được Bộ GTVT chấp thuận cho phép nghiên cứu khả năng đầu tư như: Công ty CP Tập đoàn T&T; Công ty CP ĐTXD và Phát triển hạ tầng Nam Việt Á; Tập đoàn Vingroup… Cục Đường sắt VN đã tiếp xúc, cung cấp thông tin và hướng dẫn các nhà đầu tư lập hồ sơ đề xuất dự án theo quy định. Bộ GTVT cũng giao Ban QLDA đường sắt lập hồ sơ đề xuất dự án để cụ thể hóa các phương án đầu tư. Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay vẫn là phương án nguồn vốn chưa nhận được sự thống nhất của các bộ, ngành.

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông, do việc bố trí nguồn ngân sách Nhà nước đầu tư vào các cơ sở hạ tầng đường sắt rất hạn hẹp, việc thực hiện phương án đầu tư bằng toàn bộ nguồn vốn ngân sách rất khó và không cân đối được. Bộ GTVT đã tập trung nghiên cứu các phương án đa dạng hóa nguồn vốn có sự tham gia từ nhiều nguồn đầu tư. Tuy nhiên, khả năng hoàn vốn theo hình thức đối tác công - tư với hình thức hợp đồng khác nhau như BT, BLT, BOT, BT kết hợp BLT, BT kết hợp BOT... đều không khả thi về tài chính.

“Tổng chi phí cho dự án lớn, cộng với tính chất đặc thù đường sắt nên việc thu hồi vốn đầu tư thường kéo dài, khó thu xếp nguồn vốn vay thương mại từ các tổ chức tín dụng. Việc thu hồi vốn thông qua vận hành khai thác gặp nhiều rủi ro nên không hấp dẫn các nhà đầu tư và đặc biệt không đảm bảo hoàn vốn cho nhà đầu tư thực hiện dự án nếu xảy ra các biến động kinh tế - xã hội”, Thứ trưởng Đông phân tích.

Cũng theo Thứ trưởng Đông, nếu nhà đầu tư thu hồi vốn thông qua thu phí từ nguồn doanh thu chạy tàu, cho thuê kho, bãi sẽ làm tăng giá vé và tăng chi phí vận tải đường sắt. Vì vậy, Bộ GTVT và UBND TP Đà Nẵng đã nghiên cứu và thống nhất xây dựng hình thức đầu tư công kết hợp doanh nghiệp đường sắt tham gia đầu tư.

Trước mắt, với giai đoạn 1, TP Đà Nẵng sẽ thực hiện đấu giá đối với toàn bộ quỹ đất khu vực nhà ga cũ và dự kiến khoản thu này được 1.192 tỷ đồng để góp vốn thực hiện công tác giải phóng mặt bằng. Tổng công ty Đường sắt VN đầu tư khoảng 86 tỷ đồng để nâng cấp ga Lệ Trạch thông qua hình thức hợp tác kinh doanh. Đặc biệt, vốn từ ngân sách Trung ương là 2.115 tỷ đồng, chiếm khoảng 62,3% tổng mức đầu tư giai đoạn 1. Bộ GTVT cũng đã đề xuất sử dụng nguồn vốn đầu tư công thực hiện dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, tuy nhiên không được bố trí vì nguồn vốn giai đoạn này cho Bộ GTVT đã được phân bổ hết.

Theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Văn Trung, để đảm bảo tính khả thi của dự án, cần rà soát, tính toán lại quy mô, phương án đầu tư phù hợp với khả năng cân đối vốn, bố trí nguồn vốn; Nghiên cứu phương án khả thi để đầu tư trước giai đoạn 1 từ nguồn vốn hợp tác kinh doanh, vốn của khu vực tư nhân hoặc từ nguồn thu thông qua khai thác quỹ đất toàn bộ nhà ga cũ. Giai đoạn 2 sẽ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định đầu tư trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.