Hạ tầng

Đi hầm Phước Tượng - Phú Gia giảm thời gian, không lo tai nạn

09/12/2015, 13:05

Những ngày qua, từng đoàn phương tiện “nối đuôi” nhau qua hầm Phú Gia, Phước Tượng êm thuận, an toàn.

O- to- xe- may- chinh- thuc- luu- thong- qua- ham-
Phương tiện qua hầm Phú Gia, Phước Tượng. Ảnh: Duy Lợi

Đưa vào vận hành sau lễ thông xe toàn tuyến QL1 Thừa Thiên - Huế, hầm Phước Tượng - Phú Gia (huyện Phú Lộc) giảm tối đa thời gian hành trình, hao mòn phương tiện, đảm bảo ATGT, xóa điểm đen TNGT đường đèo.

Ghi nhận của PV Báo Giao thông những ngày qua, từng đoàn phương tiện “nối đuôi” nhau qua hầm Phú Gia, Phước Tượng êm thuận, an toàn. Hệ thống đường dẫn, biển báo giao thông, sơn kẻ vạch đường, biển báo tốc độ… hướng dẫn các dòng phương tiện tham gia lưu thông ra vào hầm nhịp nhàng. Trong hầm hệ thống quạt thông gió, điện, cứu nạn, PCCC khang trang.

Không còn cảnh lên ga, gằn máy leo đèo, hoặc nhích từng mét khi ùn tắc đường đèo, từng đoàn ô tô, xe tải dễ dàng qua đường dẫn, hầm Phước Tượng và Phú Gia chừng hơn chục phút. Anh Nguyễn Hữu Quân (trú Đông Hà, Quảng Trị), lái xe tải BKS 74B-053.89 chở nông sản cho hay, trước đây phải mất cả tiếng đồng hồ xe tải mới có thể qua đèo. Những khi chở nặng, thời gian còn lâu hơn nhưng từ ngày mở hầm Phú Gia, Phước Tượng, cánh lái xe chúng tôi đi chỉ mất chưa đầy 20 phút.

Thường xuyên có xe khách chạy đêm qua địa phận Thừa Thiên - Huế, ông Nguyễn Văn Tiến, Giám đốc Công ty TNHH Nam Cường Tiến (nhà xe Nam Cường, tuyến Quảng Nam - Vinh) đánh giá, đèo Phú Gia có khúc cua tay áo, trong khi đường đèo Phước Tượng rất dài, ngoằn nghèo. Những lúc xe gặp sự cố, hay tắc đường thì các phương tiện khác phải nằm dài chờ. Giờ lưu thông qua hầm, đi lại tiện ích hơn, giảm thời gian lưu thông, hao mòn phương tiện, đảm bảo ATGT, không lo tắc đèo, ùn ứ.

Chị Nguyễn Thị Lan, chủ xe khách tuyến Đà Nẵng - Huế cho hay, chỉ cần một chiếc xe ô tô tải chở nặng “bò” phía sau kéo theo cả một đoàn xe ùn ứ. Nếu mình “bò” theo sẽ mất thời gian, nhưng nếu sốt ruột vượt lên sẽ bị CSGT xử phạt, thậm chí bị tạm giữ GPLX. Hầm giờ mở cửa, các nhà xe đi lại dễ dàng hơn, không lo “phạm luật”. Đặc biệt, hầm Phú Gia - Phước Tượng cho phép xe máy tham gia lưu thông khiến cảnh “cách trở” của người dân hai bên đèo được xóa bỏ.

“Sáng nào chúng tôi cũng phải chạy xe máy qua đèo Phước Tượng, Phú Gia để kịp mua bán. Giờ xe máy được qua hầm rồi nên đỡ vất vả, nguy hiểm hơn rất nhiều” chị Tý (xã Lộc Bình, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế) chia sẻ.

Ông Phạm Công Hưng, Tổng giám đốc Công ty CP Phước Tượng - Phú Gia BOT (nhà đầu tư dự án), cho biết, kết quả khảo sát cho thấy, thời gian hành trình qua hầm rút ngắn ít nhất 30 phút cho các phương tiện. Dự án nối kết toàn tuyến QL1, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, du lịch cho các địa phương, vùng miền.

Theo Đại úy Phan Bảo Trung, Trưởng Trạm CSGT Phú Lộc (Phòng CSGT Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế), đặc thù QL1 qua đèo Phước Tượng và Phú Gia có nhiều vị trí cong cua, khuất tầm nhìn, đặc biệt trời mưa, lưu lượng phương tiện lớn lưu thông nguy hiểm, TNGT luôn rình rập. Việc sớm vận hành hầm Phước Tượng và Phú Gia, góp phần đảm bảo ATGT.

Ông Võ Văn Tươi, Phó giám đốc Sở GTVT, Phó trưởng Ban ATGT tỉnh Thừa Thiên - Huế cho rằng, những năm qua, hai đèo Phước Tượng và Phú Gia là điểm đen trên QL1, hàng năm thường xảy ra các vụ va chạm, TNGT gây thiệt hại lớn về người và của. Việc vận hành hầm Phước Tượng - Phú Gia không chỉ góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và du lịch… mà còn góp phần xóa bỏ hàng loạt vị trí tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT, qua đó góp phần giảm thiểu TNGT.

Dự án BOT xây dựng hầm đường bộ Phước Tượng - Phú Gia trên QL1 qua tỉnh Thừa Thiên - Huế có tổng mức đầu tư trên 1.743 tỷ đồng, do Công ty CP Phước Tượng - Phú Gia BOT làm nhà đầu tư. Sau hơn hai năm triển khai, dự án thông xe vào cuối tháng 10. Trong đó, hầm Phước Tượng dài 345 m, phần đường dẫn vào hầm dài 3.460 m; Hầm Phú Gia dài 497 m và đường dẫn vào hầm dài 2.470 m.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.