Đô thị

Đi lại giữa TP.HCM với các tỉnh vẫn chưa thông

08/10/2021, 08:02

Hiện nay các tỉnh vẫn đang thực hiện các biện pháp chống dịch khác nhau, nên việc qua lại tại các chốt kiểm soát vẫn chưa thuận lợi.

UBND TP.HCM đã có văn bản hướng dẫn tổ chức giao thông trên địa bàn từ ngày 1/10. Trong đó, có hướng dẫn việc đi lại giữa TP.HCM với 4 tỉnh lân cận và các thủ tục để người dân TP.HCM về quê đón con em đang mắc kẹt trở lại thành phố.

Tuy vậy, việc triển khai trên thực tế vẫn còn nhiều khó khăn.

img

CSGT kiểm soát người dân đi xe gắn máy từ TP.HCM sang Đồng Nai trên Quốc lộ 1

Tỉnh nới, tỉnh thận trọng

Anh Nguyễn Văn Chiến (TP Biên Hòa, Đồng Nai) ở gần ngã tư Vũng Tàu nên trước đây thường xuyên chạy xe máy đi về TP Thủ Đức (TP.HCM) để làm việc. Khi dịch phức tạp, anh Chiến chuyển sang làm việc ở nhà.

Từ khi TP.HCM tạo điều kiện cho người dân đi lại giữa các địa phương, anh Chiến có ý định lên công ty để giải quyết một số việc tồn đọng. Dù đã tiêm vaccine, xét nghiệm âm tính trong 72 giờ, nhưng theo thông báo mới nhất của tỉnh Đồng Nai, việc đi lại bằng xe cá nhân giữa hai địa bàn chưa được chấp thuận.

Ông Dương Mạnh Hưng, Phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Đồng Nai cho biết, hiện tỉnh vẫn đáng áp dụng Chỉ thị 16, một số vùng ở Biên Hoà vẫn còn là vùng “đỏ, cam” nên hạn chế đi lại trong một số trường hợp nhất định.

“Tỉnh đồng ý cho phép vận chuyển người lao động của các công ty, tổ chức, chuyên gia, nhưng phải bằng ô tô của tổ chức, có đăng ký. Còn xe ô tô cá nhân, xe gắn máy vẫn chưa được lưu thông, phải chờ đến khi Đồng Nai thực sự trở lại trạng thái bình thường mới”, ông Hưng thông tin.

Tương tự, Bình Dương cũng đồng ý cơ bản về những đề xuất của TP.HCM trong việc đi lại giữa các địa phương đối với việc vận chuyển công nhân, lao động, chuyên gia bằng xe ô tô đưa đón có tổ chức.

Riêng đối với xe cá nhân, tỉnh Bình Dương cũng kiến nghị chỉ cho phép người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine và có giấy xét nghiệm âm tính định kỳ 7 ngày/2 lần lưu thông (thay vì phương án TP.HCM đưa ra là bao gồm cả người đã tiêm 1 mũi sau 14 ngày và xét nghiệm 7 ngày/1 lần).

Ngoài ra, người lưu thông liên tỉnh bằng xe cá nhân còn phải có giấy xác nhận về việc lưu thông có nội dung địa điểm, cung đường... theo mẫu thống nhất. Riêng người lao động đi bộ hoặc đi bằng xe máy, Bình Dương chỉ cho người dân TP Thủ Đức đi lại đến TP Thuận An, TP Dĩ An, chưa cho đi lại trong phạm vi toàn tỉnh.

Trong khi đó, ông Nguyễn Tấn Tài, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Tây Ninh cho biết, cơ bản đồng ý về phương án mà TP.HCM đề xuất. Theo ông Tài, hiện nay việc đi lại giữa TP.HCM với Tây Ninh, kể cả phương tiện cá nhân vẫn diễn ra bình thường, nhưng phải đáp ứng các yêu cầu về y tế, chẳng hạn người đã tiêm vaccine, F0 khỏi bệnh, xét nghiệm âm tính.

Còn theo, ông Đặng Hoàng Tuấn, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Long An, việc đi lại giữa 2 địa phương gần như bình thường. Khi đi qua các chốt kiểm tra, người đi xe cá nhân phải xuất trình các giấy tờ như đã tiêm vaccine một mũi sau 14 ngày, hoặc F0 đã khỏi bệnh trong vòng 6 tháng và có giấy xét nghiệm âm tính trong 72 giờ.

Vẫn rắc rối chuyện trở lại thành phố

Cách đây 4 tháng, anh Phạm Văn Thắng đưa con về miền Trung nghỉ hè cùng ông bà rồi mắc kẹt lại vì dịch. Nay đã bước vào năm học mới nhưng các con vẫn chưa vào TP.HCM để học được.

Khi hay tin thành phố triển khai các phương án cho người dân về quê đón con em trở lại thành phố học tập, anh Thắng đã gửi hồ sơ vào hộp thư điện tử của Sở GTVT để được cấp giấy nhưng chờ cả tuần nay chưa được hồi âm.

Ông Bùi Hòa An, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết, 1 tuần qua kể từ khi công bố phương án người dân thành phố về quê đón con em mắc kẹt, đã có gần 9.000 đơn của người dân gửi vào hộp thư điện tử email của sở.

Do đây là vấn đề mới, lực lượng của sở phải xử lý thủ công nên có hơi chậm.

“Người dân có nhu cầu gửi một đơn theo mẫu vào hộp thư điện tử của Sở GTVT. Sau khi soát xét, Sở GTVT sẽ gửi văn bản có xác nhận của lãnh đạo sở đến UBND các tỉnh, thành phố để được tạo điều kiện cho việc lưu thông từ TP.HCM về quê và ngược lại”, ông An cho biết.

Tuy nhiên, hiện nay các tỉnh vẫn đang thực hiện các biện pháp chống dịch khác nhau, nên việc qua lại tại các chốt vẫn chưa thuận lợi.

Cùng đó, nhiều người khai các thông tin trong đơn không chính xác khiến lực lượng kiểm tra tại các chốt địa phương không giải quyết cho qua.

Theo ông An, đến nay mới chỉ xử lý khoảng 1/3 lượng email gửi đến. Sở GTVT đang phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông ra mắt một ứng dụng (App) để người dân có thể điền các thông tin trên trang website của sở GTVT, giải quyết đơn của người dân nhanh chóng, thuận lợi.

Ông An cũng cho biết, chiều 6/10 đã chạy thử App và cho thấy việc giải quyết hồ sơ nhanh hơn. Người dân chỉ cần vào đường link website của Sở GTVT, điền các thông tin theo hướng dẫn.

Trong vòng 48 giờ kể từ thời điểm người dân nhận được thông tin đăng ký thành công, Sở sẽ phản hồi kết quả giải quyết thông qua địa chỉ email của người gửi đơn.

Trường hợp đơn được chấp thuận, người làm đơn sẽ nhận được file PDF của giấy đề nghị hỗ trợ di chuyển trong trường hợp cấp thiết có mã QR Code nhằm phục vụ các cơ quan kiểm tra, giám sát trong quá trình di chuyển.

Trong trường hợp cần truy xuất dữ liệu, nhân viên kiểm tra, giám sát quét mã QR Code sẽ nhận được các thông tin chi tiết của người di chuyển.

Người dân hoặc người cùng đi trên phương tiện sẽ tự in giấy đề nghị hỗ trợ di chuyển trong trường hợp cấp thiết hoặc mang theo bản điện tử trên thiết bị di động để sử dụng khi lưu thông trên đường.

Trường hợp đơn không được chấp thuận, người dân sẽ nhận được phản hồi nguyên nhân không được chấp thuận đơn.

Người từ địa phương khác về TP.HCM cần điều kiện gì?

- Giấy tờ chứng minh thường xuyên cư trú, làm việc tại TP.HCM như: Hộ khẩu, giấy tạm trú, căn cước công dân hoặc chứng minh thư, giấy khai sinh (đối với trẻ em).

- Giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 còn hiệu lực (trong vòng 72h).

- Phương tiện di chuyển: Các loại hình vận tải hành khách liên tỉnh (bằng ô tô, đường thủy, đường sắt, đường hàng không); xe ô tô cá nhân (lái xe và người đi cùng phải đáp ứng điều kiện nêu trên).

- Được sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền: Văn bản của UBND tỉnh, thành phố nơi đi; hoặc văn bản của Sở GTVT TP.HCM (người dân gửi một đơn theo mẫu vào hộp thư điện tử của Sở GTVT. Sau khi soát xét, Sở GTVT sẽ gửi văn bản có xác nhận của lãnh đạo sở gửi đến UBND các tỉnh, thành phố để được tạo điều kiện cho việc lưu thông từ TP.HCM về quê và ngược lại).

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.