Giao thông

Đi Long Thành nhanh hơn Tân Sơn Nhất

29/10/2014, 07:19

Không chỉ nằm ở trung tâm của vùng kinh tế năng động nhất cả nước, khi được xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành còn là giao điểm của nhiều tuyến đường bộ cao tốc...

Đồ họa vị trí CHK quốc tế Long Thành về các trung tâm (do kỹ sư của TEDI South thực hiện)
Đồ họa vị trí CHK quốc tế Long Thành về các trung tâm (do kỹ sư của TEDI South thực hiện)

“Gần nhà xa ngõ”

Anh Nguyễn Văn Cường là một tài xế taxi thường đưa khách từ trung tâm quận 1 đến sân bay Tân Sơn Nhất. Anh Cường cho biết, từ chợ Bến Thành đến Tân Sơn Nhất chỉ chưa đầy 10km nhưng lúc nào cũng phải mất chừng 40 - 45  phút lưu thông. “Chỉ trừ buổi sáng sớm, còn lại bất kỳ giờ nào trong ngày, các tuyến đường này đều đông xe. Giờ cao điểm buổi trưa hoặc buổi chiều có khi phải mất cả tiếng đồng hồ”, anh Cường nói.

Anh Đoàn Văn Tấn - lái xe khách chạy tuyến TP HCM - Vũng Tàu cho biết, từ khi đưa vào sử dụng đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây đoạn từ Vành đai II (Q 9, TP HCM) đến QL51 (H Long Thành, Đồng Nai), thời gian đi từ trung tâm TP HCM về đến Long Thành chỉ khoảng 45 phút. “Hiện do đường Đồng Văn Cống lượng phương tiện đi vào cảng Cát Lái quá lớn nên thường hay ùn tắc, di chuyển rất mất thời gian. Nếu như cuối năm 2014, khi đoạn 4km nối từ nút giao An Phú đến Vành đai II hoàn thành, đi lên cao tốc sẽ thuận tiện hơn rất nhiều”, anh Tấn nói.

Theo tính toán của các kỹ sư thuộc Công ty CP tư vấn thiết kế GTVT phía Nam (TEDI South), với tốc độ tối đa cho phép của cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây là 120km/h, cuối năm 2014, từ trung tâm thành phố về đến Long Thành chỉ khoảng 25 phút đi bằng ô tô. Nếu từ TP Biên Hòa về Long Thành theo QL51 hiện chỉ mất khoảng 30 phút. Trong khi đó, đi lên Tân Sơn Nhất phải mất 90 phút trong trường hợp không kẹt xe. Từ TP Vũng Tàu lên Long Thành theo QL51 cũng mất chỉ khoảng 60 phút. Nếu đi lên Tân Sơn Nhất phải hơn 150 phút. Sau này, khi đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu được xây dựng, khoảng thời gian từ Biên Hòa, Vũng Tàu đến Long Thành còn thuận tiện hơn.

Vị trí đắc địa

Ông Ngô Thịnh Đức, Chủ tịch Hội KHKT Cầu đường VN cho biết, điểm lý tưởng của CHK quốc tế Long Thành là sự kết nối của các loại hình giao thông. Tân Sơn Nhất có lẽ là sân bay duy nhất chỉ có kết nối hạ tầng đô thị mà không có hạ tầng giao thông quốc gia. Trong khi đó, với vị trí “đắc địa” của Long Thành, có bốn tuyến đường bộ cao tốc đã và đang được xây dựng. Từ TP HCM đi Long Thành đã có cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây. Từ các tỉnh miền Tây lên có cao tốc Bến Lức - Long Thành đang xây dựng. Từ Biên Hòa về hoặc từ Vũng Tàu lên, QL51 đã mở rộng 6 làn xe, tương lai sẽ có thêm đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Với đường biển, có hệ thống cảng từ Cái Mép đến Thị Vải đã được xây dựng. Tiếp đó là cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết đang kêu gọi đầu tư.

"Tất cả các nước ASEAN không có vị trí nào làm CHK thuận lợi như Long Thành. Nó ở vùng trung tâm cả về giao thông, kinh tế và cân đối lãnh thổ”.

GS Lã Ngọc Khuê

Theo Quyết định 568 “Điều chỉnh quy hoạch phát triển GTVT TP HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau 2020” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 8/4/2013, từ nay đến năm 2020 sẽ nghiên cứu xây tuyến đường sắt tốc độ cao TP HCM - Nha Trang, trong đó có nhà ga bắt đầu tại Thủ Thiêm đến sân bay Long Thành với chiều dài 33km. Sau đó sẽ nghiên cứu xây dựng tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - sân bay Long Thành với chiều dài khoảng 37km.

TS Nguyễn Ngọc Long - chuyên gia phản biện độc lập của Hội đồng thẩm định Nhà nước về CHK quốc tế Long Thành cũng cho biết: “Bộ GTVT không chỉ thực hiện riêng một dự án CHK  quốc tế Long Thành mà rất nhiều dự án đường bộ, đường sắt, đường sắt đô thị đang được xúc tiến kêu gọi đầu tư. Vì vậy xúc tiến đầu tư CHK quốc tế Long Thành đang đi theo quy hoạch và lộ trình”.

Phan Tư

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.