Khám phá

Dị nhân bồ câu ở công viên Biển Đông

24/01/2017, 09:28
image

Từ khi có đàn chim bồ câu, lượng người đến công viên Biển Đông chụp ảnh rất nhiều.

anh 6

Những cánh chim hòa bình ở công viên Biển Đông.

Hình ảnh hàng ngàn con chim bồ câu bay lượn, sà xuống “dạo chơi” cùng người dân, du khách từ lâu đã trở thành điểm nhấn ấn tượng tại công viên Biển Đông quận Sơn Trà, Đà Nẵng. Ít ai biết, để thuần hóa được đàn chim hòa bình này, ông Lê Minh Hải (50 tuổi, Ban quản lý Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển Đà Nẵng) dày công tâm huyết, thương chúng như con…

Huyền bí tiếng còi gọi đàn

Tuýt… tuýt… tuýt… Ông Hải vừa dứt vài hồi còi, bầu trời trên công viên Biển Đông sẫm lại trước những cánh bay của cả ngàn con chim bồ câu bất ngờ sà xuống. “Gru!, gru!...”. Phút chốc, khoảng sân rộng lớn của công viên rộn ràng tiếng chim. Hơn 1.000 con chim bồ câu thi nhau sà xuống mổ thức ăn. Ông Hải vừa thổi còi, vừa xách những chậu thức ăn đi giữa đàn chim để tiếp tục gọi những con khác.

6h sáng, như đã hẹn, ông Hải đón chúng tôi bằng khung cảnh không kém phần choáng ngợp giữa đàn chim khổng lồ cùng dáng người đầy thân thiện, chan hòa giữa thiên nhiên, con người và cảnh vật. Từng đàn chim như bện quấn lấy chân ông. Nhiều người dân, du khách đang tản bộ vội bước lại chụp hình, tìm cách tiếp cận đàn chim bồ câu.

Như đã được mặc định, từng đàn chim bồ câu ùa về khi nghe tiếng còi báo giờ ăn. Gọi là tiếng còi huyền bí, bởi không phải ai thổi còi đàn chim cũng bay về. Như để minh chứng, ông Hải đưa chiếc còi cho chúng tôi thử. Vẫn kiểu thức đó nhưng chỉ vài con chim bồ câu bay lại rải rác, khác hẳn với tiềng còi gọi đàn của ông Hải. “Không dễ để chim bồ câu có thể nhận diện tiếng còi. Chắc nó nghe rồi quen, có thể chim bồ câu thính hơn mình nên biết người thổi có phải là tôi hay không”, ông Hải pha chút dí dỏm. Để có được tiếng còi gọi tập hợp đó là cả một quãng thời gian ông Hải gắn bó, nâng niu, tìm hiểu từng con bồ câu, tạo thói quen sinh hoạt cho đàn chim của mình.

anh 2

Ông Hải (ngoài cùng bên phải) tuýt còi gọi những cánh chim câu.

Ông Hải cho biết, từ khi có đàn chim bồ câu, lượng người đến công viên Biển Đông chụp ảnh rất nhiều. Đặc biệt, là những đôi uyên ương sắp cưới đến để tạo những bức ảnh đẹp cho album của mình. Thời gian đầu, ông Hải thường cho chim ăn ngày 2 lần, sáng và chiều. Sau khi ăn no, chim bay đi hoặc vào tổ, người đến muộn lại không chụp ảnh được. “Hiểu tâm lý bà con, mình bắt đầu chia nhỏ khẩu phần ăn của chúng ra làm nhiều bữa, mỗi lần cho ăn chỉ cần gọi hồi còi là chúng sà xuống, bà con lại vô tư chụp”, ông Hải chia sẻ.

Chăm chim như con

Sáng sáng, ông Hải vừa cho chim ăn, vừa kiểm tra, vệ sinh chuồng trại, chú ý quan sát từng đàn chim để kịp thời phát hiện những điều bất thường liên quan đến sức khỏe của chúng. Từng tốt nghiệp bác sĩ thú y tại ĐH Nông lâm Huế, cộng thêm có nhiều thời gian tiếp xúc, ông Hải nhận biết ngay con nào bị bệnh. Ví như nếu chúng mổ lông nhau, đặc biệt chim bố mẹ mổ lông chim con hoặc chim bị rụng lông có thể do chim bố mẹ thiếu khoáng vi lượng, vitamin trong thời kỳ nuôi con, cường độ ánh sáng mạnh.

Thấy chim biếng ăn, ủ rũ, phân lạ là ông lập tức cách ly, cho uống thuốc, triệu chứng nặng hơn thì báo cáo Ban quản lý để mời bác sĩ thú y về khám, chữa. “Trời lạnh, mưa nhiều, gió lớn như thế này chim dễ bị bệnh liên quan đến đường hô hấp. Mình phải chăng bạt thật kín quanh tổ để giữ ấm”, ông Hải chia sẻ.

Lãnh đạo Ban quản lý Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển Đà Nẵng cho biết: Năm 2009, vườn chim Hòa Bình được xây dựng tại công viên Biển Đông, do đơn vị quản lý. Một số người đến tiếp quản, nhận nhiệm vụ nuôi chim nhưng hầu hết đều không chịu được. Chỉ đến khi ông Hải được bố trí về chăm sóc, mọi việc mới được duy trì và phát triển như ngày nay. Đó không chỉ là cái tài, kỹ thuật mà còn bởi sự đam mê, nhiệt huyết và tận tâm.

Ban đầu ở đây nuôi những chú chim bồ câu Pháp. Tuy nhiên, do không thích hợp với khí hậu khắc nghiệt buộc phải thay bằng giống bồ câu ta. Khi tiếp nhận, ông Hải nắm trong tay đàn chim chỉ 400 con. Đến nay, sau 6 năm, ông đã thuần phục và nhân giống lên gấp 3 lần với khoảng 1.200 con, được nuôi tại 7 chuồng. 

Vui buồn với nghiệp nuôi chim, ông Hải bảo ám ảnh mãi cơn bão Nari (năm 2013) cướp đi gần 400 chú chim câu trong đàn. Thời điểm đó, người đàn ông này lăn xả giữa mưa bão chằng chống, gia cố các chuồng chim. Nhưng gió quá dữ, nhiều chuồng bị thổi cuốn, xô đẩy khiến chim bồ câu bị thiệt hại. “Sau trận đó, ông Hải buồn đến ốm người, chẳng thiết ăn uống. Ở đây ai cũng biết ông thương chim câu như con mình vậy”, bà Năm bán nước gần đó bộc bạch.

Theo lãnh đạo Sở Du lịch Đà Nẵng, chính những cánh chim bồ câu góp phần tạo biểu tượng hòa bình cho công viên Biển Đông. Không chỉ khách trong nước, nhiều đoàn khách nước ngoài chọn đây là điểm dừng chân lý thú, ý nghĩa. Thành phố biển này ngày càng đẹp hơn nhờ những đóng góp âm thầm của những người như ông Hải.

Xem thêm video:

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.