Khám phá

Đi qua vùng núi lửa….

13/01/2018, 14:10

Nhiều người coi “phượt” như một cách góp nhặt niềm vui trên đường. Đi để cảm nhận, trải nghiệm…

19

Núi lửa Chư Đăng Ya - Ảnh: Doãn Vinh 

Về vùng núi lửa mùa thiên nhiên “nhả lộc vàng”

Cuối năm, Tây Nguyên trời chuyển mùa hanh khô. Tây Nguyên mùa này là mùa của dã quỳ vàng tận tới chân đồi. Mùa của cỏ tím đuôi chồn, của những chuyển màu sắc trên cành lá, của những đợt gió hoang hoải nghe âm u núi đồi…

Mùa này, những ngọn núi lửa thêm sắc màu, hãy về đây một lần để cảm nhận hoang hoải, để thấy dã quỳ vàng khắp trên những triền đồi. Và để thấy những đám mây “béo ú” lang thang khắp núi đồi nhưng khó mà đổ mưa.

Theo đề án “Bảo tồn di sản địa chất, phát triển và quản lý mạng lưới công viên địa chất ở VN” đã được Chính phủ phê duyệt từ năm 2014, thực hiện trải dài ở 37 tỉnh, thành của VN, chủ yếu là khu vực miền Trung, Tây Nguyên và Nam VN, mục tiêu đến năm 2030, VN sẽ tiến hành công nhận 25 - 30 công viên địa chất quốc gia hoặc toàn cầu. Cùng với di sản văn hóa phi vật thể không gian văn hóa cồng chiêng, những ngọn núi lửa đã tắt ở Gia Lai cũng là điểm nhấn không thể thiếu để Tây Nguyên phát triển du lịch.

Đón người bạn ở Sài Gòn lên Gia Lai sau một chuyến bay. Vừa đáp xuống sân bay Pleiku, bạn cũng như nhiều người thường bị sốc nhiệt vì phố núi lạnh hơn tưởng tượng.

Trong tiết trời se lạnh, chúng tôi chạy khoảng 30km từ TP Pleiku đi xã Chư Đăng Ya ở huyện Chư Păh. Dọc đường đi, nắng hanh hao, gió mát lạnh suốt, dã quỳ chúm chím màu nắng, những cây muồng đổ hoa rực vàng trên những đồi chè.

Băng qua những cánh đồng lưu vực của Biển Hồ, ngọn núi lửa Chư Đăng Ya ngủ yên sau triệu năm thức giấc hiện ra trước tầm mắt. Một ngọn núi khác lạ xung quanh những ngọn núi khác giữa Trường Sơn. Núi lửa đẹp bởi dã quỳ đơm bông vàng chấp chới viền những mảng đất canh tác ở khắp sườn núi, nơi dung nham từng tuôn trào cả triệu năm trước… Những phên dậu dã quỳ đan chéo nhau cạnh những vạt đất trống đỏ ngàu của nương dong vừa thu hoạch, xen giữa những vạt khoai xanh tốt như những đường kim tuyến trên chiếc áo cà sa…

Bởi, đang thời điểm đẹp nhất mùa dã quỳ nên không chỉ chúng tôi, mà nhiều bạn trẻ sống ở cao nguyên hay làm ăn xa xứ, những đôi lứa yêu nhau... tìm về nơi đất trời, thiên nhiên “nhả lộc vàng” mỗi năm một lần. Đó cũng là những khoảnh khắc mà những đôi uyên ương nên duyên chồng vợ muốn lưu thành kỷ niệm trong bộ ảnh cưới của mình.

Chúng tôi dừng ở ngôi nhà Rông người Jrai quay lưng về phía ngọn núi. Đưa mắt nhìn lên những dải vàng như mật. Mỗi khi có cơn gió thoảng qua, màu hoa tím của cỏ đuôi chồn lẫn với màu vàng óng mật ong của những vạt hoa dã quỳ dệt nên tấm thảm đa sắc. Ở ngôi nhà sàn ấy, những đứa trẻ lem luốc, những đôi mắt ngây thơ nhìn người lạ mà tôi vẫn thường hay gặp ở người vùng cao. Đó chính là vẻ đẹp tinh khôi và sáng trong của riêng người vùng cao.

Nghe người Jrai kể truyền thuyết núi lửa

Chúng tôi về lại phố núi, từ xa nhìn lên đỉnh Hàm Rồng, tôi nói cho bạn biết đó cũng là một ngọn núi lửa. Đó là biểu tượng của tỉnh Gia Lai, cho đến nay vẫn tồn tại một truyền thuyết những núi lửa tồn tại song hành với cộng đồng bản địa cao nguyên. Ở trên đỉnh ngọn núi này, nhiều già làng ở đây nói rằng sở dĩ núi có tên là Hàm Rồng bởi sự phun trào mắc ma giống như miệng con rồng nhả lửa. Người Jrai có truyền thuyết rằng ngày xưa, nàng H’đrông là con một vị tộc trưởng thế lực, giàu có đem lòng yêu chàng Ralan Ly nghèo khó có tiếng đàn goong mê đắm. Gia đình nàng và cộng đồng ra sức cấm cản. Hai người đã bỏ làng đi nhưng lũ làng tìm đến nơi ở của họ. Trong lúc hỗn loạn, mũi tên oan nghiệt của trai làng đã vô tình giết chết nàng H’đrông. Vị tộc trưởng tỉnh ngộ, công nhận tình yêu đôi lứa. Chàng Ralan Ly bồng xác vợ đi mãi, đi mãi đến khi khuỵu xuống, tắt thở. Và nơi họ bên nhau đã mọc lên ngọn núi Chư H’đrông ngày nay.

Trước khi bạn lên máy bay, tôi chỉ nhắc lại rằng: “Hãy cố gắng nhìn ra cửa sổ máy bay, bạn sẽ thấy những miệng núi lửa ở Gia Lai. Để thấy rằng một dấu ấn chỉ riêng ở Tây Nguyên trên mảnh đất Việt Nam mình…”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.