Đời sống

Đi tảo mộ ngày Tết cần sắm sửa những gì?

29/01/2022, 20:17

Thăm viếng phần mộ tổ tiên thường được tổ chức vào những ngày cuối tháng Chạp hàng năm để bày tỏ lòng thành kính, biết ơn với người đã khuất.

Ý nghĩa việc tảo mộ ngày Tết

Để tưởng nhớ người đã khuất, ngoài cúng giỗ hàng năm, vào mỗi dịp năm cũ sắp qua, năm mới sắp đến, người ta còn lo sửa sang, thăm viếng mồ mả, làm sạch đẹp nơi an nghỉ của ông bà tổ tiên, người thân của mình.

img

Người dân đi tảo mộ những ngày cuối năm. Ảnh minh hoạ

Tảo mộ với ý nghĩa đi thăm viếng lại phần mộ ông bà, tổ tiên, vun lại những nấm mộ, phát cỏ dại, chặt cây cối quanh mộ, sửa sang, tu bổ mộ phần những người quá cố trong gia đình và cả phần mộ của các vị tổ tiên nhiều đời trước.

Đi tảo mộ, người già khấn vái tổ tiên, trẻ em cũng được theo cha mẹ, ông bà đi tảo mộ để biết phần mộ gia tiên và biết nét truyền thống tốt đẹp này và nhằm truyền thừa sau này.

Những người quanh năm đi làm ăn xa cũng thường trở về vào dịp này để tảo mộ gia tiên và sum họp gia đình.

Mỗi ngôi mộ được sửa sang xong lại được đắp thêm đất cho vuông vắn, đầy đặn trước khi thắp hương. Người Việt Nam quan niệm “cao nấm ấm mồ”. Vì vậy, sửa sang nấm mồ cũng là một trong những việc hiếu đạo của con cái, thể hiện lòng kính trọng đối với đấng sinh thành, các bậc tổ tiên đã khuất.

Khi tảo mộ, những ngôi mộ không được trông nom, săn sóc cũng nhân tiện được người đi tảo mộ thắp một nén hương thể hiện sự thương cảm.

Theo phong tục của người Việt, khi tảo mộ các gia đình cũng cúng khấn mời ông bà, tổ tiên và những người thân đã khuất về cùng đón Tết với con cháu. Sau đó, vào các ngày thường vào mùng 3 đến mùng 5 Tết, các gia đình lại làm mâm cơm cúng gia tiên, tiễn đưa ông bà, tổ tiên.

Những lễ vật cần thiết

Khi tảo mộ, ngoài sửa sang phần mộ, cần sắm một số lễ vật: Một bộ tam sinh (1 miếng thịt lợn, 3-5 con tôm hoặc cua, 1-3-5 quả trứng vịt).

Bộ tam sinh là 3 loài vật đại diện cho thổ - thủy – thiên, có nghĩa sống trên cạn, dưới nước, trên trời. Bộ tam sinh còn có nghĩa là đức.

Ngoài ra, trong lễ vật còn có các vật phẩm khác như đèn, hương, giấy ngũ sắc, quần áo giấy, vàng mã, giấy tiền, hoa quả tươi.

Bộ lễ vật này để kêu khấn Thổ địa, Thần tài cai quản phần mộ chân linh gia tiên yên nghỉ, nhằm với mong muốn cầu bình an, sung túc cho gia chủ.

Tuy nhiên nay, bộ lễ tam sinh trên đã được nhiều gia đình giản lược, chủ yếu gồm: Hương, tiền vàng và hoa quả tươi.

Ngoài bộ tam sinh cúng các vị thần, các gia đình cũng có thể chuẩn bị thêm phần lễ cúng tổ tiên. Lễ này tuỳ từng gia đình có thể chuẩn bị lễ chay hoặc lễ mặn.

Lễ chay gồm: Hoa quả, bánh kẹo, gạo, muối, bỏng, chén mật, xôi chè.

Lễ mặn có thêm chân giò, gà luộc, rượu hoặc khoanh giò.

Tuy nhiên, hiện nay các gia đình thường chọn lễ chay để tránh sát sinh, tránh gây thêm tội nghiệp cho người đã khuất, mong họ sớm siêu thoát.

Nhưng dù lễ chay hay mặn nhất định phải có: Đèn, hương, chè, rượu, nước trắng, tiền vàng, trầu cau, hoa quả.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.