Thời sự

Đi tắt đón đầu

01/10/2014, 14:58

Năm 2013, vận tải khách tăng hơn 16%, vận tải hàng hoá tăng gần 20% so với 2012. Không thể ngồi chờ cho tới khi Cảng hàng không Tân Sơn Nhất quá tải mới tính tới xây mới Cảng hàng không Long Thành.

Vị trí sân bay Long Thành (đồ họa)
Vị trí sân bay Long Thành (đồ họa)

Trên thực tế, việc đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành là cần thiết để hình thành và phát triển một cảng hàng không quốc tế trung chuyển có quy mô tầm cỡ trong khu vực nhằm phục vụ Chiến lược phát triển vận tải hàng không VN, đồng thời đáp ứng nhu cầu vận tải hàng không khi Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đạt công suất thiết kế và trở nên quá tải.

Năm 2013, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đã đạt lưu lượng 20 triệu hành khách/năm, dự kiến đến năm 2016-2017 sẽ đạt công suất thiết kế là 25 triệu hành khách/năm và sẽ trở nên quá tải vào những năm sau đó (dự kiến đến năm 2025 sản lượng hành khách là 40,4 triệu hành khách/năm; đến năm 2030 đạt 53,4 triệu hành khách).

Theo dự thảo Tờ trình Quốc hội về báo cáo đầu tư dự án xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành, giai đoạn 1 sẽ đầu tư nhà ga hành khách công suất 25 triệu khách/năm, hai đường cất hạ cánh song song có cấu hình đóng, nhằm chia sẻ sự quá tải cho Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Trong đó, giai đoạn 1a sẽ xây dựng nhà ga chính có một nhánh trung tâm, một đường cất hạ cánh đáp ứng 17 triệu khách/năm, mở cửa vào năm 2023; Giai đoạn 1b, xây dựng hai cánh còn lại của nhà ga chính trung tâm và đường cất hạ cánh thứ hai, mở cửa vào năm 2025.

Trong giai đoạn 2, sẽ đầu tư xây dựng nhà ga hành khách công suất 50 triệu khách/năm, thêm một đường cất hạ cánh, mở cửa vào năm 2030. Tới giai đoạn sau cùng, sẽ xây dựng nhà ga hành khách đạt công suất 100 triệu khách/năm, bốn đường cất hạ cánh.

Việc phân kỳ đầu tư giai đoạn 1 của Dự án thành các giai đoạn 1a và 1b ở thời điểm hiện nay là cần thiết nhằm rút ngắn thời hạn đưa công trình vào khai thác, đáp ứng nhu cầu vận chuyển trong từng giai đoạn, qua đó nâng cao hiệu quả đầu tư; Giảm áp lực vốn đầu tư trong tình hình khó khăn về vốn thông qua việc giảm chi phí xây dựng ban đầu, đồng thời kết hợp khai thác, tận dụng được cơ sở hạ tầng sẵn có tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.

Dự kiến, công tác đầu tư xây dựng công trình giai đoạn 1a sẽ được triển khai từ năm 2016, đưa vào khai thác năm 2023.  Đối với giai đoạn 1b, việc nghiên cứu, chuẩn bị đầu tư sẽ được thực hiện trong khi thực hiện đầu tư giai đoạn 1a, dự kiến hoàn thành toàn bộ giai đoạn 1 của Dự án và đưa vào khai thác năm 2025 (công suất 25 triệu hành khách, 1,2 triệu tấn hàng hoá/năm).

Theo đánh giá của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) và Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) thì trong vòng 10 năm nữa Việt Nam sẽ là một trong ba thị trường hàng không có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới cùng với Trung Quốc và Brasil. Ngay như năm 2013, mức tăng trưởng về vận tải khách tới hơn 16% và gần 20% về vận tải hàng hoá so với năm 2012.

Với tốc độ phát triển như vậy, chúng ta không thể ngồi chờ cho tới khi Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất quá tải mới tính tới xây mới Cảng hàng không Quốc tế Long Thành. Việc Chính phủ đồng ý đầu tư cảng hàng không quan trọng này thể hiện sự "nhìn xa trông rộng", đi tắt đón đầu để đáp ứng phát triển kinh tế - xã hội trong tương lai của nước nhà.

Ngân Anh

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.